• Biên khảo,  Lê Tuấn,  Văn

    Thơ Là Gì ?

     

     

    THƠ LÀ GÌ?

                                                                                                                Louis Tuấn Lê

                     Thơ là hình thức sáng tác văn học đầu tiên của loài người, một hình thức nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ làm chất liệu và sự chọn lựa ngôn từ rồi sắp xếp theo vần điệu của thi ca, dưới dạng cô đọng, trừu tượng một cách hợp lý nhất (logic) để tạo ra hình ảnh, mang tính thẩm mỹ cao và âm thanh thể hiện cái hồn trong thơ đem đến một cảm xúc làm rung động tâm hồn người đọc.

                   Một câu thơ là một hình thức cô đọng mang nhiều ẩn ý, để truyền đạt một tư tưởng mang nhiều hình ảnh tạo nhiều cảm xúc cho người đọc, ngôn từ và ngữ pháp sử dụng trong thơ sẽ được hoàn chính theo cấu trúc tạo thành bài thơ.

                   Tính chất cô đọng trong ngôn từ, tính tượng hình và tiếng nhạc trong thơ, biến nó thành một hình thức nghệ thuật độc đáo, mang một sắc thái riêng biệt đứng bên cạnh các hình thức nghệ thuật khác.

                  Thơ tạo cảm hứng có một giá trị tinh hoa, đó cũng là một dạng đời sống khác biệt của thi nhân, tâm hồn rất dễ bị xúc động để rồi chọn lựa những từ ngữ rất ấn tượng mang tính chất trừu tượng (nửa thật nửa hư) để diễn tả cảm xúc, như một loại “mật ngữ” cúa các vị thần ban cho.

    Tôi tìm hiểu thêm về đề tài Thơ Là Gì? Càng đi sâu càng thấy mênh mông như biển cả, không biết bắt đầu từ đâu và kết thúc ở điểm nào.

    Tôi mạnh dạn bước vào xem thử ra sao, vì vậy bài viết này như một dạng biên khảo rồi đúc kết lại, tôi phải lục tìm rất nhiều trang tài liệu trên hệ thống Google Search nhận ra có nhiều nhà văn nhà thơ đã viết về chủ đền này, mỗi bài đều có sắc thái riêng. Tôi đọc rất nhiều, rút tỉa những điểm có ý nghĩa nhất về chủ đề Thơ Là Gì? Để nêu ra những điểm chính trong bài viết này. Nếu có sai sót xin quý độc giả bỏ qua cho.

              Thơ có một lịch sử lâu dài nhất. Thơ có một định nghĩa sớm nhất tại Châu Âu qua sự nhận xét của nhà triết học Hy Lạp Aristotle (384-322 TCN).  Aristotle sinh ra vào khoảng năm 384 TCN tại Macedonia thời Hy Lạp cổ đại nơi cha ông từng là một bác sĩ hoàng gia. Ông được xem như nhà triết học, có ảnh hưởng nhất với biệt danh khiêm tốn được mọi người gọi là “Thầy” hay chỉ đơn giản là “triết gia”.

    Đối với Aristotle, những khuôn mẫu đặc thù của âm thanh và nhịp điệu, văn phong và thi pháp, chỉ có tầm quan trọng thứ yếu. Cái chính đối với ông là những gì bài thơ nói tới, nó là một chuỗi nối tiếp những động thái có quan hệ hỗ tương của con người.

    Ông nói tiếp:

    Tôi muốn biết yếu tính của thơ là gì, cái gì làm cho nó khác với các loại trước tác khác. Có phải nó là vấn đề những giá trị vững chãi, vấn đề sắc thái và nhịp điệu của âm tiết, từ ngữ, và các dòng chữ? Hay yếu tính của thơ nằm trong một cảm tưởng, một sự nhạy cảm, hoặc một thái độ nào đó đối với sự vật?

    Aristotle, trong tiểu luận của mình về thơ, nói rằng thơ là sự mô phỏng động thái con người, được biểu hiện trong ngôn ngữ, với sự trợ giúp của hòa âm và nhịp điệu. Từ ngữ “mô phỏng” ông không có ý nói là bản sao của những biến cố thực tế, như cái máy ghi âm hay máy quay phim có thể đem lại. Ông muốn nói đến việc trình bày lại của những phương diện phổ quát của kinh nghiệm nhân sinh được tâm trí nhà thơ thu nhận.

    Nhà thơ khác với nhà điêu khắc, họa sĩ, nhạc sĩ và các nghệ sĩ khác, nhà thơ làm việc với từ ngữ sử dụng ngôn ngữ để sáng tạo.

    Nhà thơ, đối với Aristotle, căn bản là người kể chuyện, người sáng tác huyền thoại, người viết truyện mang tính chất hư cấu.

              Nếu chúng ta chỉ nghĩ đến thực chất của thơ, như Aristotle khuyên, chúng ta nhất định sẽ xếp các tiểu thuyết và các vở kịch văn xuôi vào loại thơ. Nên chúng ta đừng ngạc nhiên khi nghe những nhà văn như: Cervantes, Fielding, và Melville, tự xem mình là nhà thơ. Thật vậy, các nhà phê bình đương thời đọc những tiểu thuyết lịch sử về Scotland của Scott và gọi chúng là những bài thơ. Và chúng ta sẽ hoàn toàn đúng khi gọi Hemingway, Faulkner, Arthur Miller, và Tennessee Williams là những nhà thơ.    

                 Tuy nhiên, Plato ông cho rằng thơ mang lại sự thích thú và sự thanh thoát cảm xúc đáng ao ước. Mặt khác, ông nói rằng thơ tượng trưng cho những phương diện phổ quát của hiện hữu. Sự tưởng tượng của thơ, đối với Aristotle, trình bày những thực thể thiết yếu nên phải hết sức coi trọng nó.

                 Nhà phê bình Nga Bielinski từng nói: “Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật.” Quả thật một bài thơ có giá trị là khi nó thể hiện được tư tưởng tình cảm của người nghệ sĩ, là khi nó viết lên bằng những dòng thơ, những câu thơ chân thành, bắt nguồn từ thẳm sâu trái tim người viết.

                Tuy nhiên nếu muốn thơ là cầu nối giữa tác giả và bạn đọc thì “nội dung và hình thức luôn đồng nhất chặt chẽ với nhau”.

                Trở về với quan niệm Đông Phương vể thơ. Chúng ta không thể bỏ qua nền văn học Trung Hoa

    Bàn về giá trị của thơ, trong tập thơ cổ “Trung Hoa Cổ kim hoàn ca tập”, Viên Mai đã viết:

    “Thơ bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ.”

    Bạch Cư Dị, sinh ngày 28 tháng 2 năm 772 SCN tại Hà Nam, tên tự là Lạc Thiên. Ông là một trong những nhà thơ hàng đầu của lịch sử thi ca Trung Quốc, đời nhà Đường. Đối với một số người yêu thơ văn thì người ta chỉ xếp ông sau Lý Bạch, Đỗ Phủ.

    Bạch Cư Dị, cùng với Nguyên Chẩn, Trương Tịnh, Vương Kiến, chủ trương thơ phải gắn bó với đời sống, phản ánh được hiện thực xã hội, chống lại thứ văn chương hình thức.

    Ông nói: “Làm văn phải vì thời thế mà làm. Làm thơ phải vì thực tại mà viết”, mục đích của văn chương là phải xem xét chính trị mà bổ khuyết, diễn đạt cho được tình cảm của nhân dân.

    Ông chủ trương thơ ca phải giản dị để dân chúng đều hiểu được. Không những thế, tình cảm, tư tưởng phải giầu tính nhân bản, nói lên được nỗi lòng của mọi người trước thời thế, phản ánh được nổi thống khổ của người dân sống trong xã hội.

    Bạch Cư Dị, nổi tiếng qua hai bài thơ Tỳ Bà Hành và Trường Hận Ca đã đủ chứng tỏ tài làm thơ của Bạch Cư Dị. Bằng lối kể chuyện miêu tả, với chủ đề khác nhau, hai bài thơ dài của ông, bài thì bay bướm, hình ảnh đẹp, lời bình trầm lắng, ý ngoài lời, ca tụng, mỉa mai đều kín đáo.

    Có thể nói rằng nếu không có một cuộc đời gian truân, hẳn là Bạch Cư Dị khó mà cảm thông với muôn sự éo le của mỗi số phận. Và nhiều khi, đọc thơ ông, ta còn thấy rõ cả tâm sự của ông khi ông kể và tả về người khác. Bài “Tỳ bà hành” là một ví dụ. Trong bài thơ dài này, khi thuật lại hành trạng đáng thương của người kỹ nữ, Bạch Cư Dị cũng đã giãi bày nỗi phiền muộn xót xa cho chính thân phận mình là người có tâm đức, tài năng mà bị bọn quyền thế gạt bỏ. Thơ của ông chính là sức mạnh lên án, tố cáo thực trạng vô nhân đạo của xã hội phong kiến trong sáng tác thơ ca Bạch Cư Dị chính là ở đó.                                   

     

                                                  Tỳ Bà Hành                                                   

    “Bản dịch Phan Huy thực”

     

    Bến Tầm Dương, canh khuya đưa khách.

    Quạnh hơi thu, lau lách đìu hiu.

    Người xuống ngựa, khách dừng chèo,

    Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ty.

    Say những luống ngại khi hầu rẽ,

    Nước mênh mông đượm vẻ gương trong.

    Tiếng tỳ chợt vẳng trên sông,

    Chủ khuây khoả lại, khách dùng dằng xuôi.

    Lần tiếng sẽ hỏi ai đàn tá?

    Lửng tiếng đàn, nấn ná làm thinh.

    Dời thuyền theo hỏi thăm tình,

    Chong đèn, thêm rượu, còn dành tiệc vui.

    Mời mọc mãi thấy người bỡ ngỡ,

    Tay ôm đàn che nửa mặt hoa.

    Vặn đàn vài tiếng dạo qua,

    Tuy chưa trọn khúc, tình đà thoảng hay.

    Nghe não nuột mấy dây bứt rứt,

    Dường than niềm tấm tức bấy lâu.

    Chau mày, tay gảy khúc sầu,

    Giãi bày mọi nỗi trước sau muôn vàn.

    “Trích đoạn trong bài thơ Tỳ Bà Hành”

    Bạch Cư Dị tiễn chân người bạn ra bến sông Tầm Dương lên thuyền về nhà, tại đây ông tình cờ nghe tiếng đàn tỳ bà của một kỹ nữ về già, ông liên tưởng đến thân phận mình, vì ông lên tiếng phản đối quan lại, nên bị bọn quyền thế lưu đầy. Ông đã gửi gấm tâm sự của mình qua bài thơ Tý Bà Hành.

    Trong thời gian tù tập trung cải tạo tại trại 6 Nghệ Tĩnh. Tôi bị tập trung cải tạo cùng trại tù số 6 với Cụ Hà Thượng Nhân tức Trung Tá Phạm Xuân Ninh, ông có nhắc đến bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Bạch Cư Dị, đó là bài Tỳ Bà Hành.

     Bài thơ diễn tả tâm trạng của hai người bạn, tiễn đưa khách tại bến Tầm Dương, chắc có lẽ vì (Bến Tầm Dương), cùng âm với Huyện Thanh Chương, (nơi đây có dòng sông Lam) cụ Hà đang bị giam cầm tập trung cải tại tại đây, cho nên cụ Hà đã viết:

    Ý tưởng bài thơ Tỳ Bà Hành, như gợi nhớ lại âm điệu đoạn trường của tiếng đàn ngày xưa, trên bến Tầm Dương, sông nước mênh mộng, nhưng cũng chính là tiếng lòng rung động của một người bị trói buộc vào những cảnh ngộ đau lòng. Cho đến ngàn năm sau vẫn còn lại một mình ta.

    Cụ Hà đã viết:

    “Ôi cơn gió heo may thuở trước

    Lạnh ngàn năm sông nước Tầm Dương

    Về đây rừng núi Thanh Chương

    Nghe heo may nổi canh trường ngẩn ngơ.

    Trước đã có nhà thơ cùng quẫn

    Ngàn năm sau sao vẫn còn ta?

    Đời gần tưởng đã rất xa

    Bâng khuâng vì tiếng tỳ bà chưa nghe.”

    Thông qua giao tiếp giữa các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Thơ đã chuyển biến từ những cấu trúc đơn giản đến những cấu trúc phức tạp. Những xu hướng gần đây cho thấy, cấu trúc không còn là yếu tố quan trọng trong thơ.

    Trong các thể loại thơ ở Việt Nam, chúng ta có thể kể đến vài thể thơ như:

    Lục bát, Song thất lục bá, thơ Đường luật Thất ngôn bát cú, Thất ngôn tứ tuyệt, Ngũ ngôn bát cú rồi đến các loại thơ mới và thơ tự do.

    Ngoại trừ thơ tự do, một hình thức hầu như không có một cấu trúc rõ rệt, các loại thơ khác đều phải tuân theo một cấu trúc nhất định.

    Nhà thơ giống như một con ong biến trăm hoa thành mật, tha về một giọt mật trong một chuyến bay của hàng ngàn con ong. Chính là những ngôn từ được chọn lựa cho một bài thơ.

    Cho dù bất cứ thể loại nào của thơ cũng cần phải có hồn. Hồn thơ làm cho nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của tác phẩm sinh động, có sức sống và mang một bản sắc riêng của nhà thơ.

    Hồn thơ là mẫu số chung:

    Hồn thơ chính là nguồn cảm xúc đầu tiên của một tác phẩm. Hồn thơ chính là mẫu số chung cho toàn thể các loại thơ khác nhau. Hồn thơ không chỉ hàm chứa bên trong một nội lực, sáng tạo nhiều cảm xúc cho thi nhân, mà hồn thơ còn là yếu tố tạo thành điểm đặc trưng, nét đặc biệt của người nghệ sĩ thể hiện qua từng trướng phái khác nhau của thơ.

    Tiếng nhạc trong thơ:

    Ngoài ra trong thơ phải có tiếng nhạc, đây chính là yếu tố làm cho bài thơ dễ được cảm nhận bởi người nghe hay người đọc. Câu chữ trong thơ văn, hay trong ngôn ngữ, giúp con người tái tạo lại hình ảnh mà nó miêu tả, song âm thanh và vần điệu của các từ lại gây cảm xúc về âm nhạc.

    Hình ảnh trong thơ:

    Tính chất hội họa trong thơ, hay còn gọi là tính tạo hình, là một tính chất cơ bản. Người làm thơ, trước khi viết thơ, thường rơi vào tình trạng mà người ta gọi là “cảm hứng”. Trong tình trạng này, các hình ảnh thu được trong trí nhớ, có thể bao gồm tất cả những khung cảnh ở bên ngoài quan sát được, liên kết với nhau, tạo nên một bức tranh trong một thế giới nhỏ bé. Hình ảnh có thể rõ đến mức người ta gần như cảm thấy như có thể động vào những vật thể, hay ngửi thấy mùi vị, thấy được màu sắc và sự chuyển động thật sự trong bài thơ.

    Bạch Cư Dị đã nêu lên những yếu tố then chốt trở thành điều kiện, để sáng tác một bài thơ và giữ được cái hồn của thơ đó là:

    Cái cảm hoá được lòng người:

    –        Chẳng gì trọng yếu bằng tình cảm,

    –        Chẳng gì đi trước được ngôn ngữ,

    –        Chẳng gì gần gũi bằng âm thanh,

    –        Chẳng gì sâu sắc bằng ý nghĩa”

    Có bốn nguồn gốc gắn bó cấu tạo cho thơ:

    1-    Gốc là tình cảm,

            2-    Mầm lá là ngôn ngữ,

    3-    Hoa là âm thanh,

    4-    Quả là ý nghĩa.

    Quan niệm này không chỉ dừng lại ở việc nêu lên các yếu tố cấu thành tác phẩm mà còn chỉ ra mối quan hệ gắn bó giữa chúng, giống như gốc rễ, mầm lá, hoa, quả, gắn liền với nhau trong một thể thống nhất hoàn chỉnh và sống động. Đây có thể coi là quan niệm về thơ toàn diện và sâu sắc nhất trong nền lý luận văn học cổ điển Trung Hoa.

    Nữ văn hào Emily Dickinson là cây bút thơ đặc sắc nhất của Mỹ thế kỉ XIX.  Bà đã để lại cho hậu thế tới 2000 bài thơ với nhiều bài có ý tưởng hết sức độc đáo. Trong quan điểm về thơ ca, bà cũng có cách nhìn rất ấn tượng.

    “Nếu một cuốn sách làm cho tôi cảm thấy giá lạnh mà không một ngọn lửa nào có thể sưởi ấm, tôi biết đó là thơ”

    “Nếu tôi cảm thấy mình đang cất cánh, tôi cũng biết đó là thơ. Đó là cách duy nhất để tôi biết những điều này, liệu còn cách nào khác nữa không?”

    Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu viết rằng:

    Triết lý khô như vách đá. Thi ca ướt như sương đẫm. Vách đá nhuốm hơi sương. Sương đẫm tươi vách đá, cả hai hỗ tương nhau tạo thành sức sống như năng lượng phù trầm, tương dung tương nhiếp, một mực không rời.” 

    Thơ ướt át nhiều tình cảm mang đậm nét trữ tình

    Thơ trữ tình phản ánh cuộc sống qua những rung động của tình cảm. Thế giới nội tâm của nhà thơ không chỉ biểu hiện bằng ý nghĩa của từ ngữ mà còn bằng cả âm thanh, nhịp điệu của từ ngữ ấy. Nếu như trong văn xuôi, các đặc tính thanh học của ngôn ngữ (như cao độ, cường độ, trường độ…) không được tổ chức thì trong thơ, trái lại, những đặc tính ấy lại được tổ chức một cách chặt chẽ, có dụng ý, nhằm tăng hàm nghĩa cho từ ngữ, gợi ra những điều mà từ ngữ không nói hết.

    Bởi thế, đặc trưng tính nhạc trong thơ, được coi như điểm trọng yếu nâng cao hồn thơ lên tầm mức thi ca làm rung động lòng người.

    Hiện nay, thơ trở thành hình thức nghệ thuật hầu như ai cũng biết đến. Không

    một ai đã từng ngồi ghế nhà trường thông qua giáo dục mà không biết vài câu thơ.

    Thơ còn trở nên hình thức để bày tỏ tâm tư và chứa đựng tính sáng tạo của con người. Có thể nói, sự tồn tại của thơ đi song song với sự tồn tại của ngôn ngữ.

    Thơ bắt nguồn và đơm hoa kết trái từ sự rung động của tác giả, chuyển hóa tư tưởng qua vần điệu thi ca gửi đến người đọc bằng cảm xúc mãnh liệt.

    Tiếng lòng chính là nội dung của bài thơ, được ví như gốc rễ, phần nằm sâu trong lòng đất, là bộ phận quan trọng, hút dinh dưỡng nuôi sống thân cây. “Rễ” quan trọng như vậy nhưng nó lại khó thấy, vì nằm sâu trong lòng đất.

    Do đó thơ bắt nguồn từ thẳm sâu trong trái tim người viết, từ những xúc cảm ngọt ngào, êm ái khi hấp thụ chất phù sa, sau khi hút chất dinh dưỡng ấy, nó sẽ dơm hoa kết trái.

    Đó là sự thăng hoa của nghệ thuật, mà cụ thể ở đây là “từ ngữ”. Từ ngữ trong thơ ca cũng chính là chất liệu được thi sĩ mã hóa, sàng lọc từ cuộc đời để tạo ra những câu thơ tinh túy nhất. Chính nhờ những ngôn từ bay bổng, cảm xúc từ tận đáy tâm hồn của tác giả mới được thăng hoa.

    Trong thang bậc giá trị nghệ thuật, thơ đứng vị trí đầu tiên. Thơ tạo cảm hứng, sự rung động có một giá trị tinh hoa, đó cũng là một dạng đời sống khác biệt của thi nhân.

    Họa sĩ giúp ta nhìn bằng chất liệu là màu sắc, nghề cầm bút thì chất liệu giúp ta nhìn là ngôn từ.

    Có thể nói ở Việt Nam khi bất kỳ ai đó cất lên vài câu nghe có vần có vè thì mọi người cho đó là thơ. Vậy làm thơ dễ dàng như thế sao? Thơ là loại hình nghệ thuật ngôn từ cao cấp, là tinh túy của ngôn ngữ.

    Có rất nhiều người làm thơ mà không hiểu thơ là gì, thậm chí ngay cả những người phê bình thơ, cũng không hiểu thơ là gì. Ngày nay thơ đã trở nên bội thực vì có quá nhiều nhà thơ, tuy nhiên nếu xem xét trên thực tế, thì liệu có bao nhiêu tác phẩm được cho là thơ đúng với khái niệm mà nó hàm chứa?

    Không phải ai muốn viết cũng viết được, không phải ai có vốn sống phong phú cũng có thể viết được, nhưng tất nhiên, nếu họ muốn viết thì một ngày nào đó họ cũng sẽ viết được và cũng không phải ai cũng cứ ngồi xuống là có thể viết được (đó là những người siêu đẳng).

    Điều quan trọng nhất đối với người cầm bút, là không được tách rời giữa việc viết với đời sống thực sự. Nhờ sự tiếp xúc, cọ sát thường xuyên mà ý tưởng mới căng tròn, và một lúc nào đó thích hợp, ta vui sướng viết ra ý tưởng đó.

    Nhà thơ người Mỹ (W. H. Auden) nêu ra ý tưởng mang tính chất định nghĩa này đối với Thơ:

    “Thơ là biểu đạt trong sáng của những cảm xúc rối bời” 

    (Poetry is the clear expression of mixed feeling).

    Chúng ta có thể chứng minh định nghĩa này qua bài thơ Ru con của tác giả vô danh có lẽ đây là một người đàn bà đang nuôi con nhỏ ở một vùng thôn quê nào đó tại Việt Nam. Chúng ta thử tìm hiểu qua bài thơ này để chứng minh một cảm xúc rối bời được viết ra như thế nào.

    Ru con

    Bồng bồng con nín con ơi

    Dưới sông cá lội, ở trên trời chim bay.

    Ước gì mẹ có mười tay

    Tay kia bắt cá, còn tay này bắn chim.

    Một tay chuốt chỉ luồn kim

    Một tay đi làm ruộng, một tay tìm hái rau.

    Một tay ôm ấp con đau

    Một tay vay gạo, một tay cầu cúng ma.

    Một tay khung cửi guồng xa

    Một tay lo bếp nước, lo cửa nhà nắng mưa.

    Một tay đi củi muối dưa

    Còn tay để van lạy, để bẩm thưa, đỡ đòn.

    Tay nào để giữ lấy con

    Tay nào lau nước mắt, mẹ vẫn còn thiếu tay.

    Bồng bồng con ngủ cho say

    Dưới sông cá vẫn lội, chim vẫn bay trên trời.

     

              Người đàn bà vô danh tác giả của bài thơ Ru con, đang muốn nói điều gì trong cảm xúc rối bời đó. Có muốn nhăn nhủ gì đó với người chồng của minh, hay với mẹ chồng, em chồng hay không?

              Người đàn bà chân quê tác giả bài ru con, có biết chữ hay không? Hay chỉ là một cảm xúc rối bời, buột miệng nói lên những suy nghĩ của mình, bài thơ như một câu vè hay lời ru con trong ca dao tục ngữ.

    Hay giống như người cổ đại xa xưa vẽ tranh trong hang động mà họ không cần biết chữ, những bức tranh trong hang động có thể là một bài thơ nhắn nhủ cho hậu thế.

    Đại thi hào Nguyễn Du đã viết lên tác phẩn Truyện Kiều qua hình thức thi ca dài hơn 3000 câu thơ, cậu chuyện như một tiếng kêu xé ruột, đau lòng. Khi viết xong tập thơ Truyện Kiều, Nguyễn Du chưa thấy ai có thể đồng cảm với mình. 

    Ông đã viết:

    “Bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” 

    “Ai biết hơn ba trăm năm nữa, liệu có ai thầm khóc thương Tố Như này?” 

    Tố Như chính là Nguyễn Du

    Chưa thấy ai đồng cảm với mình, Nguyễn Du vẫn viết, cũng như người đàn bà vô danh không biết chữ vẫn hát lên bài Ru con.

    Như vậy chúng ta thấy rằng người làm thơ khi nói ra hoặc viết ra bài thơ thường là nói cho chính mình và viết cho chính mình, nói ra hoặc viết để làm vơi đi nỗi lòng đang thôi thúc trong tâm hồn của mình.

    Thơ là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện những tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ cô đọng đầy cảm xúc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu mang tính âm nhạc trong thơ.

    Qua kinh nghiệm của chính tôi, dường như tôi có một cơ duyên đến với thơ. Khi tôi bị tập trung cải tạo tại trại tù số 6 huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ Tĩnh, trong giai đoạn này tôi ở chung đội tù với nhà thơ Tô Thùy Yên tức Thiếu Tá Đinh Thành Tiên, hơn nữa tôi lại nằm cạnh ông, tôi thấy ông làm thơ, và tôi cũng bắt trước làm thơ nhờ ông đọc qua và nhận xét.

    Tô Thùy Yên đã nhân xét, ông nói với tôi:

    –        Tuấn à! Anh thấy thơ em viết cũng rất có hồn, nên viết nhều hơn nữa.

            Có lẽ từ đó tôi bắt đầu viết nhiều hơn, tuy nhiên theo tôi muốn làm thơ hay cần phải đọc thật nhiều, cả những bài hay và những bài không hay, vì bên trong những bài thơ này luôn ẩn giấu nhũng “mật ngữ” rất hay, chính điểm này sẽ làm cho thư viện từ ngữ trong tâm hồn mình có nhiều ngôn từ hơn để diễn tả.

            Thơ Là Gì? Đây là một câu hỏi rất lớn, nếu muốn giải thích hết ý nghĩa của câu hỏi, thì không có bút mực nào viết hết được.

    Tôi không phải là nhà phê bình và cũng không tự nhận là nhà thơ, tôi chỉ là người thích thơ và muốn tìm hiểu thêm về thơ, tự mình đi tìm tài liệu rồi viết lại như một dạng biên khảo hay dạng tài liệu để từ đó người đọc có thể tìm hiều thêm.

    Trong bài viết này chắc chắn có nhiều sai sót rất mong độc giả bỏ qua cho. Tôi xin dừng lại ở đây và mượn bài thơ Ngôn từ trong thơ do tôi viết để kết thúc bài biên khảo này.

    Ngôn Từ Trong Thơ

    Chữ trong thơ chợt ngoi lên

    Bồng bềnh ngôn ngữ nằm bên cuộc tình

    Thả trôi theo khóm lục bình

    Hỏi em che dấu bóng hình nơi đâu.

     

    Gió đưa dải yếm qua cầu

    Hương thơm tơ lụa tầm dâu ngỡ ngàng

    Soi nghiêng vạt áo lụa vàng

    Dáng em quyến rũ dịu dàng bước đi.

     

    Dấu chân hoa nở xuân thì

    Môi xinh cười nụ tình si lạ thường

    Đồng xanh bát ngát quê hương

    Cỏ mền ướt đọng giọt sương bàng hoàng.

     

    Nhớ em thung lũng hoa vàng

    Thương nhau ôm cả hành trang vào đời

    Dù mai góc bể chân trời

    Theo em phố núi rong chơi tháng ngày.

     

    Tóc em thơm ngát hương say

    Môi em mềm mại ngất ngây đậm đà

    Khói trầm hương phủ bóng tà

    Mắt xanh liếc nhẹ mặn mà trao duyên.

     

    Vai nghiêng suối tóc tơ huyền

    Đôi gò bồng đảo hai miền tuyết băng

    Đêm huyền ảo dưới bóng trăng

    Tay em dài nụ búp măng gợi tình.

     

    Tình yêu không phải vô hình

    Chạm môi mới biết chân tình thật hư

    Yêu là hiện hữu thiên thu

    Quanh co dấu hỏi trầm tư mập mờ.

     

    Tế Luân

    Xin kết thúc bài viết nơi đây.

     

    Louis Tuấn lê

    Viết xong 08-06-23

     

    Ghi chú:

    Tài liệu tham khảo từ nhiều nguồn trên Google Search

    Và trang Vikipedia.                                                                        

  • Biên khảo,  Lê Tuấn,  Tin tức,  Văn

    Minh Đức Hoài Trinh & Phạm Duy

     Tế Luân

    Tôi tình cờ lướt trên Facebook và bắt gặp một bài viết khá hấp dẫn về sự cảm nhận qua hai ca khúc phổ thơ của Minh Đức Hoài Trinh, đó là “Kiếp nào có yêu nhau” và “Đừng bỏ em một mình”, nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc.

    Bài viết này đã tạo cho tôi chất kích thích từ đó tôi đã tham khảo thêm nhiều trang website để tìm hiểu thêm.

    Trước khi đi vào hai ca khúc “Kiếp nào có yêu nhau” và “Đừng bỏ em một mình” nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc.

    Cá nhân tôi hiện tại là thành viên mới của VBVNHN DBHK, cũng tìm hiểu chút ít về sự hình thành của VBVNHN. Tôi xin nhắc đến vai trò chủ tịch VBVNHN của nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh

    Hơn nữa nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh là người có công tái lập Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại (1978-1979)

    Sau khi Cựu Chủ tịch VBVN Cộng Hoà là thi bá Vũ Hoàng Chương (1969-1973), từ nhà tù khám Chí Hoà (Do cộng sản bắt giam) vì bệnh nặng được thả ra, 5 ngày sau ông đã qua đời vào ngày 6 tháng 9 năm 1976 tại Sài Gòn hưởng thọ 60 tuổi (1916-1976). 

    Chức vụ Chủ Tịch Văn Bút Việt Nam kể từ ngày đó xem như bỏ trống, trong thời gian này chính quyền cộng sản đã chiếm Miền Nam VN.

    Năm 1978. Trước tình trạng đàn áp nhân quyền khốc liệt tại Việt Nam, vài cựu hội viên VBVN tị nạn tại Âu Châu:

    Đứng đầu là Ký giả Đạo Cù Trần Tam Tiệp, cùng với nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh, Luật sư Trần Thanh Hiệp và thi sĩ Nguyên Sa, tích cực vận động tái thành lập Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Lưu Vong (sau này đổi thành Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại) và chính thức ra mắt vào ngày 25-6-1978 tại Paris. 

    Một năm sau (1979) Đại hội PEN lần thứ 44 tại Brazil đã công nhậnVăn Bút Việt Nam Hải Ngoại là thành viên chính thức của PEN

    Nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh là chủ tịch đầu tiên VBVNHN nhiệm kỳ (1978-1979)

    Sau này nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh phụ trách vai trò chủ tịch VBVNHN thêm một lần nữa nhiệm kỳ (2001-2002)

     Bài viết này tôi chỉ ghi lại một vài điểm chính và nổi bật nhất về tiểu sử của nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh. (Theo nguồn Wikipedia tiếng Việt).

    Minh Đức Hoài Trinh tên thật là Võ Thị Hoài Trinh sinh ngày 15 tháng 10 năm 1930 tại Huế, thân phụ là ông Võ Chuẩn Tổng Đốc Tỉnh Quảng Nam. Bà mất ngày 9 tháng 6 năm 2017 tại Huntington Beach, California USA.

    Bà là nữ Văn Sĩ, Phóng Viên chiến trường. Bà mang tên một số bút hiệu

    khác như Hoàng Trúc, Nguyễn Vinh, Bằng Cử


    Vốn là một tiểu thư xứ Huế, thuộc dòng tộc quan lại, cha bà là Tổng đốc tỉnh

    Quảng Nam. Năm 17 tuổi (1947) nàng ra Thanh Hóa để vào chiến khu kháng Pháp.

    Duyên gặp gỡ nhạc sĩ Phạm Duy.

    Phạm Duy gặp cô lần đầu khi theo gánh hát lưu diễn ở Huế, lần thứ hai trong chiến khu và lần thứ ba tại Paris Pháp.

    “Phạm Duy đã viết về nàng một đoạn trong hồi ký như sau:

    Tôi bấy giờ đang là quân nhân, bỗng gặp lại Minh Đức Hoài Trinh lúc đó được mười bảy tuổi từ thành phố Huế thơ mộng chạy ra với kháng chiến. Nàng còn đem theo đôi gót chân đỏ như son và đôi mắt sáng như đèn pha ô tô.

    Từ tướng Tư lệnh Nguyễn Sơn cho tới các văn nghệ sĩ, già hay trẻ, độc thân hay đã có vợ con, ai cũng đều mê mẩn cô bé này.

    Năm 1954, tôi gặp Minh Đức Hoài Trinh lần thứ ba khi tôi tới Paris ở khoảng hai năm. Nàng đã rời Việt Nam, đang sống với một người em trai trong một căn phòng nhỏ hẹp.

    Ba lần gặp nhau là rất hy hữu, tôi bèn giao lưu với nàng và soạn được hai bài ca bất hủ.”

    Cây đũa thần âm nhạc của Phạm Duy khi đã phổ nhạc cho bất cứ bài thơ nào thì bài thơ đó cùng với thi sĩ sẽ được chắp cánh bay cao.

    Thiên tài âm nhạc Phạm Duy còn có một tâm hồn rất nhạy bén với thơ, mang đầy cảm xúc rất dễ hoà nhập và rung động vào từng ý thơ, đôi khi ông đã thay đổi lời thơ, thêm vào những câu thơ nhưng vần điệu mà vẫn chảy xuôi theo ý thơ và phù hợp với tổng thể của bài thơ, ông đã thực sự chắp cánh cho những bài thơ.

    Trở lại với hai ca khúc Phạm Duy phổ thơ của Minh Đức Hoài Trinh. Cả hai ca khúc đều trở nên nổi tiếng trong nền âm nhạc VN. Kiếp Nào Có Yêu Nhau và Đừng Bỏ Em Một Mình.

    Riêng ca khúc “Đừng bỏ em một mình” thơ Minh Đức Hoài Trinh, Phạm Duy phổ nhạc, là ca khúc nghe qua là cảm nhận được sự ma quái, lạnh người nhất từ lời thơ cho đến phần âm nhạc và phối âm. Tôi sẽ trình bày sau.

    Cảm nhận về ca khúc “Kiếp nào có yêu nhau”. Chúng ta nên đi vào những chi tiết đặc biệt của từng câu thơ lời nhạc, để nhận thấy tài năng cảm nhận và hoà nhập vào hồn thơ của nhạc sĩ Phạm Duy.

    Nguyên bản bài thơ (Kiếp nào có yêu nhau) tác giả Minh Đức Hoài Trinh.

    Anh đừng nhìn em nữa
    Hoa xanh đã phai rồi
    Còn nhìn em chi nữa
    Xót lòng nhau mà thôi

    Người đã quên ta rồi
    Quên ta rồi hẳn chứ
    Trăng mùa thu gãy đôi
    Chim nào bay về xứ

    Chim ơi có gặp người
    Nhắn giùm ta vẫn nhớ
    Hoa đời phai sắc tươi
    Đêm gối sầu nức nở

    Kiếp nào có yêu nhau
    Nhớ tìm khi chưa nở
    Hoa xanh tận nghìn sau
    Tình xanh không lo sợ

    Lệ nhoà trên gối trắng
    Anh đâu, anh đâu rồi
    Rượu yêu nồng cay đắng
    Sao cạn mình em thôi

    MDHT

    Mở đầu ca khúc là câu hát “Đừng nhìn em nữa anh ơi! Hoa xanh đã phai rồi. Hương trinh đã tan rồi.

    Trong nguyên bản bài thơ không có câu “Hương trinh đã tan rồi” đây là một trong những câu nhạc sĩ Phạm Duy đã tự ý thêm vào, một cách cố ý, khi phổ nhạc bài thơ. Tuy nhiên khi viết thêm lời thơ lại rất hợp với ý thơ.

    Chúng ta thử so sánh lời ca khúc do nhạc sĩ Phạm Duy viết và nguyên bản bài thơ của Minh Đức Hoài Trinh.

    Phải nói rằng nhạc sĩ Phạm Duy chỉ mượn ý bài thơ để viết nhạc, lời ca khúc được nhạc sĩ thay đổi, chỉ giữ lại ý thơ.

    Đừng nhìn em nữa anh ơi
    Hoa xanh đã phai rồi
    Hương trinh đã tan rồi (bài thơ không có câu này)
    Đừng nhìn em, đừng nhìn em nữa anh ơi
    Đôi mi đã buông xuôi, môi răn đã quên cười. “được thêm vào”
    Hẳn người thôi đã quên ta
    Trăng Thu gẫy đôi bờ
    Chim bay xứ xa mờ.
    Gặp người chăng, gặp người chăng, nhắn cho ta
    Hoa xanh đã bơ vơ đêm sâu gối ơ thờ.

    Kiếp nào có yêu nhau
    Thì xin tìm đến mai sau
    Hoa xanh khi chưa nở
    Tình xanh khi chưa lo sợ
    Bao giờ có yêu nhau
    Thì xin gạt hết thương đau
    Anh đâu anh đâu rồi?
    Anh đâu anh đâu rồi?

    Đừng nhìn nhau nữa anh ơi
    Xa nhau đã xa rồi, quên nhau đã (đã) quên rồi
    Còn nhìn chi, còn nhìn chi nữa anh ơi
    Nước mắt đã buông rơi theo tiếng hát qua đời
    Đừng nhìn nhau nữa… anh ơi!

    Đến cả lời thơ cũng được thay đổi từng câu, từng chữ, để lời thơ mang thêm

    tiếng nhạc vừa để tương ứng với âm vực thấp cao, trầm bổng của nốt nhạc:

    Ví dụ:
    “Trăng mùa thu gãy đôi” đổi thành Trăng thu gãy đôi bờ
    “Chim nào bay về xứ” đổi thành Chim bay xứ xa mờ
    “Hoa đời phai sắc tươi” đổi thành Hoa xanh đã bơ vơ
    “Đêm gối sầu nức nở” đổi thành Đêm sâu gối ơ thờ.

    Tâm hồn nhạc sĩ Phạm Duy rất đồng cảm và nhạy bén với thơ, sự rung động

    trong tâm hồn ông như hoà nhập vào hồn thơ, những ngôn từ của ông thay đổi làm thăng hoa thêm cho bài thơ và chắp cánh cho ca khúc và tên tuổi thi sĩ bay cao.

    Nếu không nhờ nhạc sĩ Phạm Duy, thì tác giả bài thơ Kiếp Nào Có yêu Nhau, cũng không hề nổi tiếng đến như thế,

    Thái Thanh, giọng hát vẫn được xem là gắn liền với nhạc Phạm Duy, cũng gắn liền với bài hát này. Những giọng ca sĩ khác, mỗi giọng hát có cách thể hiện riêng, với nhiều người yêu nhạc và yêu bài hát này, Thái Thanh vẫn là giọng

    hát thể hiện được trọn vẹn cái hồn của bài nhạc.

    Đến ngày nay nhiều người vẫn còn nhớ giọng hát cao vút của Thái Thanh và “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” trong vở kịch “Áo Người Trinh Nữ” trình diễn trên Đài Truyền Hình Việt Nam (1967).

    Vào thời điểm đó vở kịch đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả.

    Gần đây nhất ca khúc “Kiếp nào có yêu nhau” do ca sĩ Thái Thanh trình bày đã tạo cảm hứng cho đạo diễn điện ảnh trẻ tuổi người Mỹ gốc Việt Dustin Nguyễn, mới hoàn thành bộ phim tình cảm mang tên (Bao Giờ Có Yêu Nhau)

    Bộ phim đã ra mắt khán giả ngày 9 tháng 5 năm 2016. Đây cũng là tác phẩm thứ 3 của đạo diễn Dustin Nguyễn.

    Đạo diễn Dustin Nguyễn đã tâm sự:

    “Tôi chọn ca khúc ‘Kiếp Nào Có Yêu Nhau’ làm nhạc phim vì nội dung bài hát quá phù hợp với chuyện phim. Ca khúc bất hủ ấy không chỉ nói về kiếp người, sự luân hồi, mà còn khắc họa cả câu chuyện tình bất hạnh, tiếc nuối. Bên cạnh đó, giọng ca của nghệ sĩ Thái Thanh mang màu sắc liêu trai, ám ảnh và cực kỳ ma mị. Ca khúc này được lồng ghép vào phim chắc hẳn sẽ chạm được đến trái tim khán giả.”

    Ca khúc “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” phù hợp với giọng nữ hơn là giọng nam, dạo gần đây có nhiều ca sĩ tự ý đổi lời bài hát, nhất là những chữ (Em) sang (Anh) không phù hợp chút nào.

    Ví dụ: Nam ca sĩ đổi chữ (Em) sang (Anh) nghe nó chướng làm sao, vì từ ngữ Hoa Xanh và Hương Trinh để dành cho phụ nữ, nếu anh ca sĩ nam (đàn ông) mà hát đổi lời thì hoá ra anh ta lại cái, đồng bóng hay BD (Gay) hay xao?

    Đừng nhìn anh! Đừng nhìn anh nữa…, em ơi!
    Hoa xanh đã phai rồi!
    Hương trinh đã tan rồi!

    Trở lại với ca khúc (Đừng bỏ em một mình) Nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ

    Minh Đức Hoài Trinh.

    Chúng ta hãy đọc lại nguyên bản bài thơ:

    Đừng bỏ em một mình
    Khi trăng về lạnh lẽo
    Khi chuông chùa u minh
    Chậm rãi tiếng cầu kinh

    Đừng bỏ em một mình
    Khi mưa chiều rào rạt
    Lũ chim buồn xơ xác
    Tìm nhau gục vào mình

    Đừng bỏ em một mình
    Trời đất đang làm kinh
    Rừng xa quằn quại gió
    Thu buốt vết hồ tinh

    Đừng bỏ em một mình
    Đừng bắt em làm thinh
    Cho em gào nức nở
    Hoà đại dương mông mênh

    Đừng bỏ em một mình
    Biển đêm vời vợi quá
    Bước chân đời nghiêng ngả
    Vũ trụ vàng thênh thênh

    Đừng bỏ em một mình
    Môi vệ thần không linh
    Tiếng thời gian rền rĩ
    Đường nghĩa trang gập ghềnh

    Đừng bỏ em một mình
    Bắt em nghe tiếng búa
    Tiếng búa nện vào đinh
    Hoà trong tiếng u minh

    Đừng bỏ em một mình
    Bóng thuyền ma lênh đênh
    Vòng hoa tang héo úa
    Yêu quái vẫn vô tình

    Đừng bỏ em một mình
    Cho côn trùng rúc rỉa
    Cỏ dại phủ mộ trinh
    Cho bão tố bấp bênh

    Đừng bỏ em một mình
    Mấy ngàn năm sau nữa
    Ai mái tóc còn xinh
    Đừng bỏ em một mình

    MDHT

     

    Khi ᴄa sĩ Hᴏànɡ Oanh thựᴄ hiện ᴄhươnɡ tɾình ρhát thanh Thi Văn Taᴏ Đàn

    năm 1995, nữ ᴄa sĩ ᴄó hỏi Minh Đức Hᴏài Tɾinh νề hoàn cảnh nào bà sáng tác bài thơ này.

    Nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh ᴄhᴏ biết như saᴜ:

    “Một hôm tôi đến thăm νiếnɡ νiện bảᴏ tànɡ Mᴜséе dᴜ Léᴏn ở Pháρ, tôi thấy ᴄái xáᴄ ướρ khô ᴄủa 1 nɡười đàn bà 800-900 năm νề tɾướᴄ. Tôi ᴄhợt nɡhĩ đến ᴄᴏn nɡười này thời xᴜân tɾẻ ᴄó mái tóᴄ dài bᴜônɡ xᴜốnɡ lưnɡ. Mớ tóᴄ ᴄòn đó khá nɡᴜyên νẹn nhưnɡ ᴄòn đượᴄ baᴏ lâᴜ?

    Tôi νiết bài thơ này khônɡ ρhải là lời ᴄủa 1 nɡười ᴄᴏn ɡái nói νới 1 nɡười ᴄᴏn tɾai, mà là lời ᴄủa ᴄᴏn nɡười bé nhỏ nói νới νũ tɾụ đứnɡ tɾướᴄ mặt đại dươnɡ mônɡ mênh. Thеᴏ tôi khônɡ ᴄó âm thanh nàᴏ ɡhê ɾợn bằnɡ âm thanh ᴄủa búa nện tɾên đinh ᴄùnɡ nhịρ điệᴜ ᴄủa tiếnɡ ᴄầᴜ kinh. Phải thứᴄ sᴜốt đêm mới hiểᴜ đượᴄ sự bᴜốt ɡiá ᴄủa νết ᴄhân lũ hồ tinh.”

    Đừnɡ bỏ еm một mình đừnɡ bỏ еm một mình, trời lạnh qúa, trời lạnh qúa sao đành bỏ em một mình.

    Câu nói được lập lại hai lần như nhắc nhở như nỉ nᴏn, như νan nài ᴄủa một ᴄô ɡái sớm lìa tɾần ở tᴜổi đời ᴄòn ɾất tɾẻ. Tɾᴏnɡ một bᴜổi ᴄhiềᴜ lộnɡ ɡió, áᴏ qᴜan ᴄủa ᴄô đượᴄ hạ xuống huyệt sâu nơi nɡhĩa tɾanɡ bᴜồn νà lạnh lẽᴏ.

    Bài hát νới nhữnɡ từ “đừnɡ bỏ еm một mình” đượᴄ lặρ lại liên tụᴄ, tănɡ thêm ρhần ai ᴏán, bi thươnɡ, như là đặt nɡười nɡhе νàᴏ đúnɡ bối ᴄảnh ᴄủa một buổi chiều gió lộng trong nghĩa trang buồn, nɡhе ɾõ từnɡ lời ᴄầᴜ kinh đưa nɡười xuống mộ sâu đất lạnh

    Đừng bỏ em một mình
    Đừng bỏ em một mình
    Trời lạnh quá trời lạnh quá sao đành bỏ em một mình

    Đừng bỏ em một mình
    Đừng bỏ em một mình
    Chiều lộng gió chiều lộng gió sao anh đành bỏ em

    Lời nào đó lời nào đó
    Tiếng ân tình hay tiếng cầu kinh
    Nhạc nào đó nhạc nào đó
    Nhạc gọi người hay nhạc gọi hồn

    Đừng lặng thinh đừng lặng thinh
    Với tiếng chày tiếng búa nện đinh
    Đừng toả hương đừng toả hương
    Khói hương vàng che khuất người thương

    Đừng bỏ em một mình
    Đừng bỏ em một mình
    Đường về nghĩa trang mông mênh đừng bỏ em

    Đừng bỏ em một mình
    Đừng bỏ em một mình
    Đường về nghĩa trang lênh đênh đừng bỏ em

    Đừng bỏ em một mình
    Đừng bỏ em một mình
    Cùng một lũ cùng một lũ côn trùng rỉa rúc thân hình

    Đừng bỏ em một mình
    Đừng bỏ em một mình
    Một mồ trinh chênh vênh chờ cỏ xanh

    Đừng bỏ em một mình
    Đừng bỏ em một mình
    Đường về nghĩa trang mông mênh đừng bỏ em

    Đừng bỏ em một mình
    Đừng bỏ em một mình
    Đường về nghĩa trang lênh đênh đừng bỏ em

    Đừng bỏ em một mình
    Đừng bỏ em một mình
    Cùng một lũ cùng một lũ côn trùng rỉa rúc thân hình

    Đừng bỏ em một mình
    Đừng bỏ em một mình
    Một mồ trinh chênh vênh chờ cỏ xanh

    Đừng bỏ em một mình
    Đừng bỏ em một mình
    Vài ngàn đời sau nữa
    Vài ngàn đời sau nữa
    Vài ngàn đời sau nữa
    Ai mái tóc còn xanh

    (Lời ca khúc do nhạc sĩ Phạm Duy viết)


    Lắng nghe lời ca khúc hoà quyện trong những nốt nhạc và phần hòa âm,

    nghe mà rợn người như Thần Chết đang hiện diện đâu đây.

    Nhạc gọi hồn hay nhạc gọi người, với tiếng chày tiếng búa nện đinh, rồi nghe tiếng côn trùng rúc rỉa thân mình

    Nghe mà nổi cả da gà, ớn lạnh xương sống. Nghe trọn ca khúc là lời của cô gái trẻ vừa mới lìa đời, nằm trong quan tài mà tâm hồn vẫn quyến luyến cõi trần gian.

    Nằm trong quan tài mà linh hồn còn nghe được tiếng búa đóng những cái đinh sắt trên nắp hòm gỗ, vang vọng tiếng cầu kinh của người thân và ngửi mùi nhang khói thoảng bay.

    Rồi tiếng động va chạm khiêng quan tài, trên con đường ra nghĩa trang gập gềnh chao nghiêng.

    Nghe tiếng sợi dây thừng kéo xuống huyệt sâu, những nắm đất ào ạt đổ lên huyệt mộ rồi lấp lại. để cho một lũ côn trùng rúc rỉa thân hình.

    Đừng bỏ em một mình. Một mồ trinh chênh vênh chờ cỏ xanh. Thật là buồn thảm xót xa cho thân phận một kiếp người.

    Nhạc sĩ Phạm Duy đã để lại một ca khúc thật tuyệt vời, nói lên thân phận con người, cát bụi trở về với cát bụi. đây cũng là lẽ vô thường của tạo hoá.

    Chúng ta hãy dành cho nhạc sĩ Phạm Duy và nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh lòng tri ân và lời cảm tạ chân tình, vì chỉ có những người nghệ sĩ tài năng mới để lại những tác phẩm tuyệt vời trong kho tàng văn học nghệ thuật.

    “Không có thi nhân, không có nghệ sĩ, con người sẽ chán ngấy vì sự đơn điệu của tự nhiên.” Danh hoạ Vincent Van Gogh.

    Bài viết xin chấm dứt tại đây.

    Viết xong ngày 25 tháng 2 năm 2023

    Tế Luân

    Tài liệu tham khảo:

    • wikipedia
    • Lê Hữu – net
    • Hình ảnh minh hoạ “Google Images”

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

  • Biên khảo

    NGƯỜI VIỆT LÀM THƠ TIẾNG ANH -Người Thơ

    NGƯỜI VIỆT LÀM THƠ TIẾNG ANH

    (THƠ SONG-NGỮ VIỆTANH)

          bài của Người Thơ

    *

    Chúng ta đã bước vào thiên-niên-kỷ thứ ba, và sống trong một thời-đại mà các sinh-hoạt chính của mỗi nước, và do đó của mỗi người, đều có chiều-hướng toàn-cầu-hóa — nói nôm-na là mở cửa để tiếp-thu từ toàn-cầu, đồng-thời dấn thân để hòa-nhập vào toàn-cầu.

    Trong hoàn-cảnh đó, thơ là một trong các sinh-hoạt nói trên.  Bởi thế, đã có khá nhiều bài thơ, tập thơ, hợp/tuyển-tập thơ, của khá nhiều nhà thơ, từ tiếng nước mình được dịch sang tiếng nước ngoài.

    Một trong những ngôn-ngữ thông-dụng nhất trên thế-giới hiện nay là tiếng Anh.  Cho nên, ngoài thơ của các tác-giả nói-tiếng-Anh (như Anh, Mĩ, Úc, Canada,,..) từ lâu đã có khá nhiều thơ của các người nước khác được dịch sang tiếng Anh.

    Trong thời-gian qua, Việt-Nam cũng đã bắt đầu giới-thiệu thơ của mình với người nước khác, bằng cách sáng-tác trực-tiếp, hoặc phiên-dịch (hay chuyển-ngữ) từ tiếng Việt sang tiếng Anh.

    Có sáng-tác bằng tiếng Anh hay phiên-dịch sang tiếng Anh, thì mới mong được người nước ngoài đọc đến, chia-sẻ với chúng ta những gì mỗi một nhà thơ, đại-diện phần nào cho tâm-hồn Việt-Nam, dân-tộc Việt-Nam, dù trong một hoàn-cảnh nhất-định, gửi-gắm trong từng vần điệu thi-ca.

    *

    Sinh-hoạt thơ tiếng Anh của Người Việt Hải-Ngoại được thể-hiện qua hai dòng chính:

    · thơ của các tác-giả ở trong nước Việt-Nam; và

    · thơ của các tác-giả định-cư/tị-nạn cộng-sản ở các nước nói-tiếng-Anh.

    I

    Về dòng thơ tiếng Anh của Việt-Nam quốc-nội, ta thấy hầu như chỉ là thơ phiên-dịch (hoặc chuyển-ngữ), chứ không phải là sáng-tác trực-tiếp bằng tiếng Anh.

    Hiện nay đã có một số thi-tuyển-tập (của nhiều tác-giả) và thi-tập (của một tác-giả), mà đáng chú í nhất là các ấn-phẩm do nhóm Nguyễn Bá Chung, thuộc Trường Đại-Học UMB (University of Massachusetts) ở Boston (USA) ấn-hành:

    MOUNTAIN AND RIVER” (Núi SôngSông Núi, hoặc Non Sông), do Kevin Bowen, Nguyễn Bá Chung, và Bruce Weigl phiên-dịch.   Thơ trong tuyển-tập này gồm có những bài được sáng-tác trong khoảng từ 1948 đến 1993, qua 2 cuộc chiến kháng Pháp và chống Mỹ, từ thơ của Hồ Chí Minh đến thơ của Nguyễn Quang Thiều;

    SIX VIETNAMESE POETS” (6 nhà thơ Việt-Nam), gồm có Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Khoa Ðiềm, Xuân Quỳnh, Ý Nghi, Nguyễn Ðức Mau, và Phạm Tiến Duật, mà tác-phẩm được viết trong thời-gian “chống Mỹ”, do Kevin Bowen và Nguyễn Bá Chung chuyển-ngữ;

    DEDICATED TO A DREAM”, “THE ADVENTURE OF THE PHOENIX”, chuyển-ngữ, của Lâm Thị Mỹ Dạ, chung với Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Dũng, và Anh Thơ, trong bộ AMERICAN WAR AND POST-WAR POETRY;

    DISTANT ROAD” (Ðường Xa), thơ của Nguyễn Duy, do Nguyễn Bá Chung và Bruce Weigl phiên-dịch;

    THE WOMEN CARRY RIVER WATER” (Các Cô Gánh Nước), thơ của Nguyễn Quang Thiều, thuộc thế-hệ sau-1975, do Martha Collins và Nguyễn Quang Thiều chuyển-ngữ.

    Nhóm Nguyễn Bá Chung cũng giới-thiệu các thi-sưu-tập:

    VIETNAMESE POETRY FROM THE WARS” (Thơ Việt Qua Các Cuộc Chiến), một thi-sựu-tập; và “POEMS FROM CAPTURED DOCUMENTS” (Thơ Trong Tài-Liệu Ðịch), nguyên-tác và phiên-dịch sang tiếng Anh những bài thơ lẫn-lộn trong các tài-liệu bắt được (của Cộng-Sản Việt-Nam).

    Nguyễn Bá Chung và các nhân-vật liên-hệ đều thuộc Trung-Tâm William Joiner (WJC) của Trường Đại-Học UMB, là nhóm chủ-trương viết lại lí-lịch và vị-trí của Người Việt Tị-Nạn Cộng-Sản, mà lại thuê các nhà văn chịu ảnh-hưởng cộng-sản từ trong nước ra thực-hiện dự-án nói trên, nên bị cộng-đồng Người Việt Hải-Ngoại khắp nơi chống-đối quyết-liệt nhiều năm trước đây…

    V.v…

    Nói chung, các tập thơ tiếng Anh dịch từ thơ tiếng Việt ở trong nước đều được một số nhân-vật hay tổ-chức ở nước ngoài mà có thiện-cảm với Việt-Nam nội-địa phiên-dịch và ấn-hành.  Nội-dung tổng-quát là để đề-cao cộng-sản Việt-Nam, dù có những bài “vô thưởng, vô phạt” thì cũng là để chứng-tỏ rằng công-việc sáng-tác hiện nay ở Việt-Nam đã được tự-do (?).

    (Nhân đây chúng tôi cũng kể thêm SPRING ESSENCE (Hương Xuân, tức Xuân Hương), gồm có một số bài thơ của nữ-sĩ Hồ Xuân Hương, do John Balaban, giáo-sư thi-sĩ người Mĩ, ở North Carolina, giới-thiệu. Hồ Xuân Hương là của dân-tộc Việt-Nam, chứ không thuộc riêng hàng-ngũ của các nhà thơ hiện nay ở Việt-Nam; nhưng chúng tôi tạm kê vào đây để ghi nhận việc làm của thi-sĩ Mĩ này, đã tìm-tòi và trân-quý những vần thơ có giá-trị trường-cửu của Việt-Nam, một cách khách-quan và vô-tư, chứ không có hậu-í hay mưu-đồ gì như ai kia.)

    Ðiều đặc-biệt là tất cả các ấn-phẩm ấy đều đã được kí-nạp vào thư-viện Quốc-Hội Hoa-Kì, và một số thư-viện các trường đại-học ở Mĩ và ở các nơi khác, do có chính-sách của nhà cầm quyền từ trong nước, hoặc chủ-trương của các giới-chức chuyên-môn liên-quan ở nước ngoài.

    II

    Về dòng thơ tiếng Anh của Người Việt Hải-Ngoại, ta thấy có hai nguồn song-song:

    · thơ trực-tiếp sáng-tác bằng tiếng Anh, và

    · thơ phiên-dịch hay chuyển-ngữ sang tiếng Anh.  

    Thơ trực-tiếp sáng-tác bằng tiếng Anh thì được phổ-biến qua ba con đường: đăng-tải rời-rạc, in chung trong các sưu/tuyển-tập, và xuất-bản thành tập riêng.

    Vì là thơ sáng-tác bằng tiếng Anh, nên các tác-giả đã đi thẳng vào các tạp-chí thi-ca của Mĩ, các diễn-đàn/nhà-mạng thi-ca của Mĩ thực-hiện trên mạng lưới thông-tin toàn-cầu, các sưu/tuyển-tập thơ quốc-tế của Mĩ, Anh; cũng như xuất-bản thành tập theo cung-cách của phương Tây.  

    Riêng thơ tiếng Anh đã được ấn-hành thành tập, thì ta thấy có các tác-giả và dịch-giả cũng như tuyển-tập sau đây:

    BARBARA TRAN với thi-tập sáng-tác “IN THE MYNAH BIRD’S OWN WORDS” xuất-bản ở Hoa-Kì năm 2002;

    BRIGHT QUANG với các thi-tập sáng-tác “POETRY AND ART” ấn-hành ở Redwood City, Bắc California (USA) năm 1998, “MY TORCH” (Ngọn Ðuốc của Tôi) năm 2003;

    CAO NGUYÊN với thi-tập song-ngữ “NHÀ VIỆT NAM” (VIETNAM MY HOMELAND) do Nguyễn Hữu Thời chuyển-ngữ và Về Nguồn ở Virginia, USA xuất-bản năm 2017;

    CHRISTINE SA với thi-tập sáng-tác “THE PARTING YEAR” xuất-bản ở Toronto, Canada;

    DU TỬ LÊ với một số thi-tập: “HOA NÀO TIN QUẢ ÐẮNG ÐẾN KHÔNG NGỜ / FLOWERS CAN’T BELIEVE FRUITS WOULD GROW THAT BITTER” do Như Hạnh, Nhan Chung chuyển-ngữ, xuất-bản ở Mĩ man 1999, “TRUỜNG KHÚC MẸ VỀ BIỂN ĐÔNG/ TRIBUTES TO MOTHER ON HER WAY HOME VIA PACIFIC OCEAN” do Thiên Nhất Phương và Trần Lệ Khánh chuyển-ngữ, năm 2002, v.v…;  

    ĐINH LINH với các thi-tập sáng-tác ALL AROUND WHAT EMPTIES OUT” xuất-bản năm 2004, “AMERICAN TATTS” năm 2005, “BORDERLESS BODIES” năm 2006; 

    ĐỖ VINH [Joseph Đỗ Vinh Tài] với thi-tập sáng-tác “GREEN PLUMS“ xuất-bản ở California (USA) năm 2005;

    FLOWERS OF LOVE / FLEURS D’AMOUR” (Cụm Hoa Tình Yêu), tuyển-tập tam-ngữ Việt-Anh-Pháp, sáng-tác trực-tiếplẫn chuyển-ngữ, Tập I (40 tác-giả), Tập II (45 tác-giả), Tập III (66 tác-giả); Tập IV (32 tác-giả); với các tác-giả tiếng Anh: Ðình Duy Phương, Doan Nam Nhan, Hoài Việt, Hoàng Hoa, Hồng Phương, Hương Nam, Kim Phuong Tran, Lê Khắc Lý, Lê Sỹ Ðông, Lê Trọng Nghĩa, Le Van Ba, Lưu Hoài, Lưu Trần Nguyễn, Ly Châu, Như-Hoa, Nguyễn Phúc Sông Hương, Nguyễn Thị Sen Trắng, Nguyễn Thùy Linh, Paul Cao, Phạm Ngọc, Phạm Nhã Dự, Thanh-Thanh, Thu-Vân, Tina Thanh Hương, Trac Pham, Trần Tịnh Như, Tyna, Vinh Hồ,; với các dịch-giả: Ali Smaoui, Be Davison Herrera, Charles Nguyen, Christopher Vũ, Du Phước Long, Duy Tường, Ðào Thanh Khiết, Elsie Whitlow Feliz, Hoài Việt, Huỳnh Sanh Thông, Joyce Odam, Lê Cao Phan, Lê Sỹ Ðông, Ngọc Nguyệt, Ngô Ða Thiện, Nguyễn Ðại Thanh, Nguyễn Ðắc Khoa, Nguyễn Trọng Bình, Nhã Dự, Như Hoa, Nhựt Nguyệt, Phạm Ngọc, Phạm Phan Thị Bạch Nga, Thanh-Thanh, Thu Vân, Trần Minh Hiền, Vo Tinh, Võ Thị Xuân Hiệp, Vũ Ðức Tô Châu, Vũ Lang, Ý Nga; do “Hội Thơ Tài-Tử Việt-Nam” của Như-Hoa Lê Quang Sinh ấn-hành, ở Sacramento, Bắc California (nay đã dời qua Dallas, Texas), USA;

    HÀ HUYỀN CHI với tập thơ song-ngữ “SHARPENING THE SWORD ON THE SIDELINE” (Bên Trời Mài Kiếm) do Ngô Ðình Chương phiên-dịch, Ðàm Trung Pháp hiệu-đính, ấn-loát ở Washington, và “THE BEST OF HA HUYEN CHI do Binh Nhung phiên-dịch; xuất-bản ở Hoa-Kì;

    HẠ ÁI KHANH với thi-tập “SPEECHLESS (NGHẸN NGÀO)” sáng-tác và tự chuyển-ngữ dưới bút-danh Dien Viet Duong [Dương Viết Điền], xuất-bản năm 1998;

    HOA NGUYEN với các thi-tập sáng-tác “YOUR ANCIENT SEE THROUGH” năm 2002, “AS LONG AS TREES LAST” xuất-bản tại Hoa-Kì năm 2012, “HECATE LOCHIA” năm 2012, RED JUICE năm 2014;

    HOÀNG DU THỤY trong các tuyển-tập sáng-tác: “A BREAK IN THE CLOUD” xuất-bản năm 1993, và “DANCE ON THE HORIZON” năm 1994;

    HOÀNG NGỌC VĂN với thi-tập sáng-tác và tự chuyển-ngữ “CUỘC ĐỜI (ONE’S LIFE)” ra mắt tại San Jose, California (USA);  

    HUYỀN CHƯƠNG QUÝ với tập thơ tự chuyển-ngữ “KHÁT VỌNG TỰ DO” (The War and The Americas in My Country); 

    HUỲNH SANH THÔNG biên-khảo phiên-dịch “AN ANTHOLOGY OF VIETNAMESE POEMS – FROM THE ELEVENTH THROUGH THE TWENTIETH CENTURIES” xuất bản ở New Haven, Connecticut (USA) và London (Anh);

    HƯƠNG CAU CAO TẦN với tập thơ song-ngữ “CÁC BÀI THƠ KHÓ QUÊN  UNFORGETTABLE VIETNAMESE POEMS”. Sách dày khoảng 300 trang, gồm có 100 bài thơ, của 16 tác-giả, qua nhiều thời-kì (từ Bà Huyện Thanh Quan đến Nguyên Sa),  được in song-hành để dễ-dàng đối-chiếu, xuất-bản  từ Canada vào cuối năm 2021;

    JOSEPH DO VINH TAI với các tập thơ Mĩ-Việt sáng-tác và chuyển-ngữ GREEN PLUMS (Đào Non) “APOLOGIES TO THE MOON” (Tạ Tội Cùng Trăng), do Broken-Heart Press ấn-hành năm 2008;  

    KHẾ IÊM với tác-phẩm “BLANK VERSE (THƠ KHÔNG VẦN)” cùng Đỗ Vinh phiên-dịch ấn-hành ở California (USA) năm 2006; với tác-phẩm “KHE IEM’S SELECTED POEMS”, ấn-bản song-ngữ Việt–Anh, dày 242 trang, mà nhan-đề tiếng Việt là THƠ KHÁC, và phần đầu do J. Do Vinh dịch sang tiếng Anh, nhưng từ trang 215 thì chỉ có phần tiếng Việt, do Nhóm Tân Hình Thức ở Garden Grove, CA, USA, xuất-bản năm 2011;

    KIM VŨ với các thi-tập Việt-Anh sáng-tác và tự chuyển-ngữ “SUCH IS MY LOVE, SWEETHEART” (Tình Anh Như Thế Ðấy), WHEN I LOVE YOU” (Khi Yêu Em); và các tuyển-tập “VIETNAMESE POETRY: A SAMPLER” (Việt Nam: Những Áng Thơ Tuyệt Tác), “THE FINEST PIECES OF MODERN VIETNAMESE POETRY” (Những Áng Thơ Tuyệt Tác Hiện Ðại) do Kim Vũ phiên-dịch, tự xuất-bản, ở San Jose, Bắc California, (USA);

    LẠI THANH HÀ sáng-tác “INSIDE OUT & BACK AGAIN” (Đi Rồi Lại Về) tiểu-thuyết bằng 121 bài thơ, xuất-bản năm 2011;

    LÊ PHẠM LÊ với các thi-tập sáng-tác “FROM WHERE THE WIND BLOWS” (Gió Thổi Phương Nào)và “WAVES BEYOND WAVES” ấn-hành ở San Francisco, Bắc California (USA);

    LÊ THỊ THẤM VÂN (Lê Thị Hoàng Mai) với thi-tập sáng-tác “YELLOW LIGHT” xuất-bản năm 1998; 

    LÊ VĂN TÀI với tuyển-tập sáng-tác “EMPTY ARMS SURROUNDED BY WARM BREATH” ra mắt năm 1987;

    LINH ÐINH (Ðinh Hoàng Linh) với các tác-phẩm sáng-tác “DRUNKARD BOXING” (Võ Say) xuất-bản năm 1998, “A SMALL TRIUMPH OVER LASSITUDE”, “A GLASS OF WATER”, đều ở Philadelphia, Pennsylvania (USA), năm 2001;

    LOVE POEMS” (Thơ Tình), tuyển-tập chuyển-ngữ, xuất-bản ở Nam California (USA);  

    MAI NGUYÊN với tuyển-tập-thơ sáng-tác và phiên-dịch VAP” (?);

    MINH VIÊN với các thi-phẩm “THE UNHEALED WOUND” (Vết Thương Chưa Lành), “A NIGHTMARE WAR” (Cuộc Chiến Ác-Mộng), “BLUE RAIN” (Mưa Xanh), sáng-tác, ấn-hành ở San Francisco, Bắc California, Hoa-Kì, v.v…;

    MỘNG LAN với thi-tập sáng-tác “SONG OF THE CICADAS” xuất-bản ở Massachusetts (USA) năm 2001;

    NGÔ ÐÌNH CHƯƠNG với “QUIET ALLEY IN THE EVENING” (Chiều Ðêm Xóm Vắng), song-ngữ, do tác-giả sáng-tác và tự chuyển-ngữ, ấn-hành ở San Jose, Bắc California (USA);  

    NGÔ TẰNG GIAO tự chuyển-ngữ các tập thơ “MƯA XUÂN” ấn-hành năm 2000, “HƯƠNG MÙA VU LAN” năm 2007;

    NGUYỄN CHÍ THIỆN với các tác-phẩm được Nguyễn Ngọc Bích phiên-dịch sang tiếng Anh: “NGỤC CA / PRISON SONGS” xuất-bản năm 1982, “HOA ĐỊA NGỤC / THE FLOWERS OF HELL” năm 1996, “HẠT MÁU THƠ / BLOOD SEEDS BECOME POETRY” năm 1996;

    NGUYỄN ĐỖ với hợp-tuyển-tập “THƠ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI” cùng Paul Hoover chuyển-ngữ, do University of Iowa ấn-hành; 

    NGUYỄN HỮU LÝ đã chuyển-ngữ và cho ra đời các tác-phẩm: “TÌNH MẸ TRONG THƠ VIỆT NAM: Collection of Poems on Motherly Love”, “QUÊ HƯƠNG QUA THI CA: Anthology of Homeland in Vietnamese Poetry and Songs”, “XUÂN VÀ TUỔI TRẺ VIỆT NAM: Anthology of Springs and Youth of Vietnamdo Nhóm Văn Hóa Pháp-Việt ở Paris giới-thiệu, và“NHỮNG CON ĐƯỜNG LƯU VONG: Les Sentiers de l’Exile – The Paths of Exiledo Hội Thơ Tài Tử Việt Nam của Như Hoa phổ-biến;

    NGUYỄN MẠNH QUANG với “A POEM FOR MY CHILDREN” (Bài Thơ Cho Con) do tác-giả sáng-tác và tự chuyển-ngữ, xuất-bản ở Tacoma, Washington (USA);

    NGUYỄN NGỌC BÍCH với các tác-phẩm biên-khảo và phiên-dịch: “THE POETRY OF VIETNAM” xuất-bản năm 1969, “A THOUSAND YEARS OF VIETNAMESE POETRY” năm 1975, “A MOTHER’S LULLABY” (“Trường Ca Lời Mẹ Ru” của Trương Anh Thụy) năm 1989, “THE FLOWERS OF HELL” (“Hoa Ðịa Ngục” của Nguyễn Chí Thiện) năm 1995, “BLOOD SEEDS BECOME POETRY” (“Hạt Máu Thơ” của Nguyễn Chí Thiện) năm 1996, v.v…;

            NGUYEN, NHIEN D. (sau tên có ghi “M.D.”) với tác-phẩm “CAT PARADISE: 230 SELECTED CAT POEMS” (THIÊN ĐƯỜNG CỦA LOÀI MÈO) gồm có 115 bài thơ tiếng Anh và 115 bài thơ tiếng Việt, xuất-bản năm 2019;

    NGUYỄN PHÚC SÔNG HƯƠNG (Thái Luân) với “AMONG PEOPLE” (Giữa Những Con Người), sáng-tác trực-tiếp, xuất-bản ở Sacramento, Bắc California (USA) năm 1995;

    NHƯ-HOA Lê Quang Sinh với “THE OLD DAYS / LE VIEUX TEMPS” (“Chuyện Ngày Xưa”), thi-tập tam-ngữ Việt-Anh-Pháp, với các dịch-giả: Duy Tường, Lê Sỹ Ðông, Như Hoa, Thanh-Thanh, Thu Vân; do “Hội Thơ Tài-Tử Việt-Nam Quốc-Tế” xuất-bản, ở Sacramento, Bắc California (USA);

    OCEAN VƯƠNG tức Đại Dương với các thi-tập sáng-tác “BURNING” xuất-bản năm 2010, “NO” năm 2013, “NIGHT SKY WITH EXIT WOUNDS” năm 2016, v.v…;

    PHAN NHIÊN HẠO với các thi-tập sáng-tác “PARADISE OF PAPER BELLS”xuất-bản năm 1998, “MANUFACTURING POETRY”năm 2004, v.v…;                       

    SONG HỒ (Nguyen Thanh Dam) với “ROCK AND FLOWER tự phiên-dịch từ “Đá và Hoa” (1992), xuất-bản năm 2000;   

    SÓNG VIỆT-ĐÀM GIANG với “TÌNH CÒN SAY – FOREVER LOVE”do tác-giả ở Memphis, Tennessee (USA), xuất-bản năm 2005, giới-thiệu 77 bài thơ của mình với 77 bài dịch sang tiếng Anh của Thomas D. Le, cùng với 21 bài thơ của mình với 21 bài dịch sang tiếng Anh do chính cô tự thực-hiện;

    THANH LAN (ca-sĩ, diễn-viên) với tập thơ “TÌNH ĐẦU” xuất-bản tại Hoa-Kỳ năm 2002 gồm có 80 bài thơ tiếng Việt, đồng-thời với 2 phiên-bản bằng tiếng Anh và tiếng Pháp do chính Thanh Lan chuyển-ngữ;

    THANH-THANH (Nhuan Xuan Le) với “POEMS BY SELECTED VIETNAMESE” do Xây-Dựng xuất-bản năm 2005, “VIETNAMESE CHOICE POEMS” (tuyển-tập 146 bài thơ tiếng Anh, dịch từ nguyên-tác thơ tiếng Việt của 81 tác-giả hiện sống tại Mĩ, Gia-Nã-Đại, Úc, Pháp, Đức, Bỉ, Na-Uy, Việt-Nam), là tập-hợp nhiều nhất số thi-sĩ và số bài dịch sang thơ Anh, do Nhà Xlibris ở Indiana (USA) xuất-bản năm 2013; được Nhà Tổng-Phát-Hành Amazon đưa vào danh-sách “Favorite Books of the Year” trong Mục “Best Books of 2014”; và “DRAGON & FAIRY IN POETRY” do Xây-Dựng xuất-bản, Lulu ấn-hành năm 2021, là tuyển-tập 102 bài thơ tiếng Anh dịch từ nguyên-tác tiếng Việt của 70 tác-giả khác, sống tại 8 quốc-gia trên thế-giới;

    THE SILENCE OF YESTERDAY” (Sự Im-Lặng của Ngày Hôm Qua), song-ngữ, sáng-tác trực-tiếp lẫn chuyển-ngữ, của 22 tác-giả, với các tác-giả tiếng Anh: Ngô Ðức Diễm, Ngô Ða Thiện, Nguyễn Phúc Sông Hương, Phạm Ngọc, Song Nhị, Thanh-Thanh, Ý Yên; với các dịch-giả: Hoài Vân Tử, Huỳnh Sanh Thông, Ngô Ða Thiện, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Phúc Sông Hương, Phạm Ngọc, Song Nhị, Thanh-Thanh, Thy Vũ, Vĩnh Sinh, Vi-Khuê, Võ Ðình, Ý Yên; do “Cơ-Sở Thi Văn Cội Nguồn” của Song Nhị và Diên Nghị giới-thiệu, ấn-hành ở San Jose, Bắc California (USA);  

    THOAI Q. TRAN (Trần Quý Thoại) có các thi-tập sáng-tác: “RANDOM THOUGHTS” xuất-bản năm 2000), “QUE SERA năm 2001, “REFLECTIONS” năm 2001;

    TÌNH YÊU, CUỘC SỐNG VÀ LƯU ĐÀY (LOVE, LIFE, and… ”thơ Việt-Anh;

    TRANG ĐÀI GLASSEY-Trầnguyễn với 3 tập thơ: “ANH HOA” Anh-Việt tự chuyển-ngữ, ấn-hành ở Saigon năm 1967, tái-bản ở Mĩ năm 2005; “MARS& VENUS” sáng-tác, ở Hoa Kì năm 2001; “IN HARMONY” sáng-tác, ở Hoa Kì năm 2008;

    TRẦN MỘNG TÚ với 2 bài thơ “THE GIFT IN WARTIME” (Quà Tặng Trong Chiến Tranh) và “DREAM OF PEACE (Giấc Mơ Hòa Bình) do Vann Phan phiên-dịch sang Anh-ngữ; bài trước được in trong “American Literature Textbook” (sách giáo-khoa, của nhà xuất-bản Mĩ Glencoe/Mc.Gnaw-Hill), bài sau được in trong “Vision of War, Dream of Peace” là tuyển-tập thơ của các cựu Nữ Quân-Nhân và Y-Tá phục-vụ trong Chiến-Tranh Việt-Nam;  

    TRÚC LANG [Vĩnh Đỗ] với thi-tập sáng-tác “SEA AND SKY” do Ngày Nay xuất-bản năm 2005;

    TRƯƠNG ANH THỤY với thi-tập song-ngữ “GỬI MƯA CHO NẮNG” tự chuyển-ngữ sang tiếng Anh;

    VI KHUÊ với “POEMS IN RAIN & FLOWERS” (Thơ Trong Mưa & Hoa), thi-tập song-ngữ, với các dịch-giả: Bernard Detrez, Chử Nhất Anh, Chử Nhị Anh, Huỳnh Sanh Thông, Nguyễn Huỳnh Diệp, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Phương Viên, Thanh-Thanh, Trần Nhã Hoa, Tường Minh, Vi Khuê, Võ Ðình, Vũ Ðức; do “Sao” xuất-bản, ở Virginia (USA);  

    VĨNH LIÊM với tập thơ “WITHOUT BEGINNING WITHOUT END” (Vô Thủy Vô Chung), do Nhà Lulu xuất-bản năm 2008;

    VÕ ÐÌNH (Võ Ðình Mai) phiên-dịch sang Anh-ngữ: tập thơ Thiền của Thích Nhất Hạnh “ZEN POEMS OF NHAT HANH” xuất-bản ở N. Carolina, năm 1976; 18 bài thơ thiền từ chữ Hán “FRAGRANCE OF ZEN / HƯƠNG THIỀN ở Los Angeles, năm 1981; (cùng Công Huyền Tôn nữ Nha Trang) 30 bài thơ Thiền và Kệ (của các Thiền sư Việt Nam) “MỘT CÀNH MAI” ở Paris và San Jose, California (USA) năm 2005;

    VŨ HỐI có tập thơ “VẦN THƠ MÀU TRẮNG (La Póesie de Couleur Blanchephiên-dịch sang Anh- và Pháp-ngữ, xuất-bản tại Sài-Gòn năm 1959;

            VƯƠNG THANH với tác-phẩm “A GARDEN OF VIETNAMESE LYRICS AND POETRY” (Một Khu Vườn Thơ Nhạc Việt Nam) Volume 1, Bilingual Edition, November 2019.  

    Sách dày 562 trang, gồm có một số bài nhạc quen-thuộc của một số nhạc-sĩ tên-tuổi cùng với một số bài thơ nổi tiếng của một số nam+nữ thi-sĩ Việt-Nam từ xưa đến nay, và đặc-biệt là một số bài thơ của chính Vương Thanh, cả thơ tự-do lẫn thơ Đường-luật. Tác-giả sưu-tập và dịch sang tiếng Anh.

    *

    WORLD POETRY” (Thơ Thế-Giới) do “Quality Paperback Book Club” (Câu-Lạc-Bộ Sách Bìa Mỏng) ở New York xuất-bản, là một hợp-tuyển-tập thơ, trong đó có một số bài do Nguyễn Ngọc Bích chuyển-ngữ từ tác-phẩm của một số tác-giả Việt-Nam, từ xưa như Hồ Xuân Hương, Khuông Việt, Lê Thánh Tông, Mãn Giác, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Trãi, Trần Nhân Tông, Trần Tế Xương Vạn Hạnh, đến tiền-chiến (Ðệ-Nhị Thế-Chiến) như Thế Lữ, Tú Mỡ, đến cả những tác-giả mới như Ðoàn Văn Khâm, Hà Thị Thảo, Lê Ngọc Hiệp, Nguyễn Văn Lạc.  Trong số những nhà thơ kể trên, có một tác-giả lúc đó còn sống, được nhiều người chú í, mà lại là thành-viên của Cộng-Ðồng Người Việt Tị-Nạn tại Hải-Ngoại, đó là Du Tử Lê.

    V.v…

    *

    Ngoài các thi-tập và thi-sưu-tập (được in thành sách), chúng tôi ghi nhận có những bài thơ được sáng-tác trực-tiếp bằng tiếng Anh và được in rời-rạc:

    *của BÙI TIÊN KHÔI, qua giải “Golden Poet Award”, ở Texas;

    *trong các sưu-tập thơ của Hoa-Kì, do các nhà xuất-bản “THE NATIONAL (sau này là INTERNATIONALLIBRARY OF POETRY” (Thư-Viên Thi-Ca Quốc-Gia/Quốc-Tế) ở Maryland, “FAMOUS POETS SOCIETY” (Hiệp-Hội Thi-Nhân Tài-Danh) ở Oregon, “WHO’S WHO IN NEW POETS” (Thi-Nhân Tài-Danh Ðợt Mới) ở New York, “NOBLE HOUSE” (Dưới Mái Thanh-Tao) ở London, “POETRYFEST” (Hội Thơ) ở Oregon, của: Châu Mỹ, Ðặng Nguyệt, Ðỗ Huyền Châu, Hà Bỉnh Trung, Lê Ái, Lê Ðạt, Lê Trâm, (Nguyễn) Minh Viên, Nguyễn Lương, Nguyễn Phúc, Nguyễn Vy Kim Ái, Phạm Henry Tước, Phạm Kim Khôi, Phạm Thị Lý, Thanh-Thanh, Trần Bảo, Trần Thị Diệp, Trần Văn Trương, v.v…;

    *trong đặc-san “WORDBRIDGE” của “THE WRITERS POST” do N. Saomai chủ-trương, ở Florida, với thơ của: Hoàng Xuân Sơn, Ngô Ðức Diễm, N.Saomai, Song Nhị, Sông Hồ, Thanh-Thanh, Uyên Nicole Dương, v.v…

    *trong các đặc-san: “CỎ THƠM” của Nguyễn Thị Ngọc Dung ở Virginia, “ÐẤT ÐỨNG” của Nhật-Thịnh và Khuê Dung ở Sacramento, California; v.v…

    *trong các bán-nguyệt-san “VĂN NGHỆ TIỀN PHONG” của Hồ Anh ở Virginia, “VIỆT BÁO” của Thủy Lâm Synh ở Chicago; các tuần-báo “SAIGON TIMES” của Thái Tú Hạp, “SAIGON POST” của Ðặng Nguyên Phả ở Nam California; lưỡng-tuần-báo “THẾ-GIỚI MỚI” của Trương Sĩ Lương ở Texas; các nguyệt-san: “NGƯỜI VIỆT” của Trần Thiện Ðạt ở New York, “THẾ-GIỚI NGÀY NAY” của Lê Hồng Long ở Kansas, “SUỐI VĂN” của Ngọc Thủy ở San Jose; tuần-san “VIET MAGAZINE” của Nguyễn Châu ở San Jose, CA; v.v…

    Ngoài ra, còn có những thi-tập tiếng Việt có xen lẫn một số bài thơ tiếng Anh do chính tác-giả sáng-tác hay do người khác dịch, chuyển-ngữ giùm, thí-dụ:

    CÒN LẠI CHÚT TÌNH” của Nguyễn Phú Long, có bài dịch của Thanh-Thanh;

    CAO NGỌN CỜ VÀNG” của Việt Tâm, có bài sáng-tác của tác-giả;

    CHẮP CÁNH THƠ” của Khang Lang, có bài dịch của Ngô Ða Thiện, Song Nhị, Thanh-Thanh;

    CƠN ÁC-MỘNG” của Thanh-Thanh, có bài sáng-tác của tác-giả;

    GIỮA DÒNG” của Lê Nguyễn, có bài dịch của Ngô Ða Thiện, Minh Khoa, Phạm Ngọc, Song Nhị, Thanh-Thanh, Thu Vân, Vô Tình;

    NGÀN NĂM GỬI MÂY BAY” của Hồ Mộng Thiệp, có bài dịch của Phan Viết Phùng, Thanh-Thanh;

    RU THẦM TIẾNG GỌI VIỆT NAM” của Ngọc An, có bài dịch của Thanh-Thanh;

    RỪNG THU XƯA VẪN NHỚ” của Ngọc An, có bài dịch của Dư Phước Long, Ngô Ða Thiện, Nguyễn Gia Liên, Phan Viết Phùng, Thanh-Thanh;

    SUỐI NGUÒN TÂM THỨC” của Thái Tú Hạp, có bài dịch của Thanh-Thanh; 

    THƠ VIỆT HẢI-NGOẠI” của Thụy-Cầm và Dương Huệ Anh, có bài sáng-tác của Thanh-Thanh;

    TIẾNG HÓT CỦA LOÀI CHIM DI” của Song Nhị, có bài dịch của Ngô Ða Thiện, Thanh-Thanh, Tony O’Donnell;

    TIẾNG HỜN CHIẾN MÔ (tái-bản) của Song Nhị, có bài dịch của Hồ Thị Tâm, Ngô Ða Thiện, Thanh-Thanh;

    TUYỂN-TẬP THƠ LÊ MAI” của Lê Mai, có bài dịch của Thanh-Thanh;

    VIET PEN” của “Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại” qua Yên Sơn, có bài dịch của Thanh-Thanh;

    V.v…

    *

    Bên cạnh hoạt-động của các nhà thơ đã ra công-chúng, còn có nỗ-lực của những cây bút còn ngồi trên ghế học-đường, mà thơ của họ được in trên các nội-san, ít được phổ-biến ra ngoài.

    Cũng có những nhà thơ mà vì hoàn-cảnh sinh sống đặc-biệt ít có cơ-hội tiếp-xúc với các “đồng-nghiệp” từ phía cộng-đồng gốc Việt, thí-dụ một số sinh ra, lớn lên, ở lâu, tiếp-xúc phần lớn thời-gian với người chính gốc sở-tại, nên đã sinh-hoạt văn-học nghệ-thuật, và thơ, trong cùng một giới với nhau, thí-dụ: các Ban Văn-Nghệ & Báo-Chí, các Hội Sinh-Viên, tại các trường trung-học, đại-học; các thành-viên của các tổ-chức chính-lưu như Nhà Hát Lớn, Viện Bảo-Tàng, Cơ-Sở Văn-Hóa, điển-hình là NHÓM Ý THỨC (Friday@5PM) của Liên Trường Ðại-Học Bắc Cali; NHÓM THƠ SLAM MAI PIECE, ở San Francisco, CA, gồm có Anh Ðào Ðỗ Lê, Bảo Phi, Jenni Thanh Trang Lê, Long Nguyễn, và Taylur Thu Hiền Nguyễn,…

    Ngoài ra, cũng có một số cá-thể sáng-tác bằng tiếng Anh: Mong-Lan, Quan Barry…

    *

    Tưởng cũng nên nhắc đến các hoạt-động thơ trên Internet.  Ðây là phương-tiện dễ-dàng, nhanh-chóng, rẻ tiền, nhất là tự-do, để các nhà thơ, dù đã hay chưa thành-danh, phóng thơ của mình, hoặc của người khác mà mình ưa thích, qua các diễn-đàn liên-mạng, ra khắp bốn phương trời.  Các diễn-đàn chú-trọng thơ là: CÂY ME của Ðàm Quang Vinh, SILICON BANDVIỆT-NAM THI-ÐÀN của Lê Hoàng Phong, VUI CƯỜI của Văn Bia, VƯỜN THƠ TAO ÐÀN, v.v…

    Có một số diễn-đàn hoặc tạp-chí ảo, mở hẳn một mục thơ thường-trực, như: ÁNH DƯƠNG của Hoàng Vân; ÐẶC TRƯNG của Nhật Huy; ÐỐI-LỰC (Viet Marketing) của Nguyễn Bá Long; GIA MYGIAO MÙA của Trung Kỳ; HỒN QUÊ của Nhật Vũ; MỰC TÍM của Giọt Nắng và Diên Vy; MIỀN TRUNG VIỆT-NAM của Bùi Ngọc Hiệp; SUỐI NGUỒN của Thơ Thơ; SUỐI NGUỒN TÂM TƯ của Thiện Doãn; THỜI NAY của Trần Việt Hải và Ðạm Thủy; THI UYỂN của Ðặng Hiền; TRINH NỮVĂN HỌC NGHỆ THUẬT của Lan Phạm; VĂN NGHỆ NGÀN PHƯƠNG của Tường Vi; VIỆT BÁOVIỆT MESSENGERVIETNAM JOURNAL của Ðoàn Ðức Tâm; VIỆT NAM THƯ QUÁNVIETNAMESE YOUTHVIET-USA của Tri Nguyen và Nguyễn Quang Dinh; VN LITERATURE; và một số Web site của các nhà thơ: Bright Quang; Hà Huyền Chi (trên Mạng của TRINH NỮ và Mạng của Hà Phương Hoài); Song Nhị (trên Mạng Cơ-Sở Thi+Văn “CỘI NGUỒN”); Thanh-Thanh (trên Mạng THINHANVIETNAM và POETFROMVIETNAM), Trần Trung Ðạo, v.v…

    Trên một số diễn-đàn ảo, mới đây thỉnh-thoảng có thêm thơ tiếng Anh sáng-tác của Trúc Lang.

    Trên Mạng có một danh-mục các tác-giả và tác-phẩm do Luân Hoán sưu-tầm; một “THƯ VIỆN VIỆT NAM” của Tâm Vô Lệ, tập-trung khá nhiều tác-phẩm, trong đó có thơ, của hầu hết mọi tác-giả gần xa, từ trước đến nay trên toàn-cầu; v.v…

    III

    Sách nói chung, thơ nói riêng, mà được kí-nạp tại Thư-Viện của Quốc-Hội Hoa-Kỳ, thư-viện của các trường đại-học Mĩ cũng như các nước khác, là một hình-thức và phương-tiện phổ-biến văn-hóa, nếu không muốn nói là tuyên-truyền, rất hữu-hiệu.

    Hiện nay, số sách [trong đó có thơ] của Việt-Nam nội-địa thì đã hiện-diện tại các nơi ấy rất nhiều, trong lúc sách của Cộng-Ðồng Người Việt Tị-Nạn Cộng-Sản ở Hải-Ngoại thì ít hơn.  

    Riêng Thư-Viện của Quốc-Hội Hoa-Kì được xem như là thư-viện chung cho cả hoàn-cầu.

    Do đó, có một số nhà thơ, và nhà xuất-bản, muốn phổ-biến rộng-rãi tác-phẩm của mình, đã không chỉ trông-cậy vào các buổi trình-mại sách, các bài giới-thiệu trên báo & đài, các sạp bày bán, mà còn gửi tặng cho càng nhiều thư-viện càng tốt  hiển-nhiên Thư-Viện Quốc-Hội Hoa-Kì là nơi lí-tưởng nhất.  

    Các thi-sĩ, và nhà xuất-bản mà chỉ lâu lâu mới xuất-bản một tập thơ, thì việc có hay không có kí-nạp sách của mình vào Thư-Viện Quốc-Hội Hoa-Kì, không thành vấn-đề; nhưng có một số nhà xuất-bản in sách thường-xuyên mà lại không chú-í đến vấn-đề này thì là một nhược-điểm.  Nhà xuất-bản “XÂY-DỰNG” của Thanh-Thanh, Cơ-Sở Thi Văn “CỘI NGUỒN” của Song Nhị, nhà xuất-bản “SAO” của Vi Khuê, thì có lưu-tâm đến nơi lưu-trữ bảo-đảm và trường-cửu ấy cho tác-phẩm của mình; còn “HỘI THƠ TÀI-TỬ VIỆT-NAM” của Như Hoa, nhà xuất-bản “PHƯƠNG ÐÔNG” của Dương Huệ Anh, Tủ Sách “PHỤ NỮ THỜI NAY” của Diễm Châu, v.v… thì không kí-nạp sách của mình vào kho tàng văn-học và văn-hóa ấy của toàn-cầu, thật là đáng tiếc.  

    Ðể giải-quyết vấn-đề này, chúng tôi đề-nghị các tác-giả, các Hội Văn-Học Nghệ-Thuật, các nhà xuất-bản, dù là chuyên-nghiệp hay tùy-hứng, của Người Việt Hải-Ngoại, lưu-í kí-nạp ấn-phẩm của mình vào Thư-Viện nói trên (vì có khá nhiều tác-phẩm giá-trị hiện-diện trên thị-trường mà không có mặt trong thư-viện ấy).

    Riêng về việc ghi danh vào Thư-Mục Quốc-Tế và kí-nạp vào Thư-Viện, xin đề-nghị lập thủ-tục xin số “ISBN” (International Standard Book Number) và cả số “LCCN” (Library of Congress Control Number), để người nghiên-cứu dễ tìm thấy sách của mình trong thư-viện mênh-mông.  

    IV

    Ðã nói về thơ thì không thể không nói về thể thơ, nhất là vần thơ.

    Thơ Anh cũng như thơ Việt đều có cả thơ-có-vần lẫn thơ-không-vần (tức thơ tự-dothơ buôngthơ văn xuôi, v.v…).

    Nhìn qua các bài tiếng Anh đã có, dù là sáng-tác trực-tiếp hay phiên-dịch, chúng tôi thấy rõ phần nhiều đều không có vần.  Có thể tác-giả và dịch-giả cho đó là thơ tự-do; nhưng, theo chúng tôi nghĩ, tuy có hình-thức là câu văn xuôi như nhau, nhưng các câu thơ phải có cái gì khác hơn một đoạn văn xuôi  vì nếu chỉ là văn xuôi thì hóa ra đoạn văn nào, trong một bài dài, trong một đoạn dài, mà chỉ cần được ngắt câu xuống hàng, thì cũng đều là thơ-không-vần?

    Ðó là chưa kể, dù là văn xuôi, trong nhiều trường-hợp, chính các tác-giả là người Mĩ (Anh, Úc) chính-thống mà cũng còn cần phải được các nhà viết thuê (ghost-writer) hiệu-chỉnh, huống gì chúng ta đa-số không phải là dân sinh ra đã nói/viết tiếng Anh, mà nay lại làm thơ tiếng Anh.  (Xin xem về nạn dùng sai chữ, dịch phản nghĩa, viết trật văn-phạm tiếng Anh ở phần dưới).  

    Tuy nhiên, nói thế không phải là để chúng ta ngại-ngần trong việc làm thơ tiếng Anh hay dịch thơ tiếng mình sang thơ tiếng Anh.

    Xin đề-nghị các bạn hãy mạnh-dạn sáng-tác trực-tiếp, hoặc đẩy mạnh việc dịch/chuyển-ngữ các tác-phẩm của mình qua tiếng Anh, bắt đầu bằng từng bài một.  Có ai mà không có dịp gặp-gỡ chuyện-trò với người nước ngoài; và nếu mình được giới-thiệu là một nhà-thơ mà lại có sẵn cả bản tiếng Anh để đưa cho họ đọc thì cả họ lẫn mình sẽ thích-thú đến ngần nào; huống hồ đăng lên báo, in thành sách, gửi vào thư-viện cho mọi người có thể đọc được, tức là góp phần giới-thiệu văn-học, văn-hóa của nước mình, đến độc-giả các nước ngoài.

    V

    Về việc phiên-dịch/chuyển-ngữ thơ, dịch-giả không phải chỉ cần giỏi tiếng Anh, mà còn cần phải sành thơbiết thêm đặc-ngữ, điển-tích, v.v…  

    Xin đơn-cử vài thí-dụ:  

    1) Trong cuốn “The Silence of Yesterday” (Sự Im Lặng của Ngày Hôm Qua) của “Cội Nguồn”, có bài thơ tiếng Việt “Lui Về Tiền Sử” của Khang Lang, trong đó có đoạn “Ta, hề!”  Một dịch-giả được gọi là học-giả, đã dịch 2 chữ “Ta, hề” ra là “It’s laughable!” (Nực cười thay!).  Người rành thơ Việt hẳn biết giai-thoại Kinh Kha với các câu “Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn, Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn” (Gió hiu hắt thổi, sông Dịch lạnh, Tráng sĩ ra đi không trở về).  Nhiều thi-sĩ Việt đã dùng chữ “hề”, thí-dụ Trần Hoan Trinh trong bài “Tráng Sĩ Hành Ca”:

                    Vung kiếm ta ca, hề, Sát Thát

                    Vỗ gươm ta hát, hề, Nam chinh

                    Vẫy súng ta thề, hề, Bắc phạt

                    Gãy đàn, ta mơ, hề, thái bình…

    Có người Việt-hóa (Nôm-hóa) chữ “hề” thành chữ “chừ”, thí-dụ Minh Đức dịch bài “Phóng Cuồng Ngâm” của Tuệ Trung Thượng Sĩ, với các câu:

                    Trời đất liếc trông chừ, ôi mênh mang!

                    Chống gậy rong chơi chừ, phương ngoài phương

                    Dạo chốn cao cao chừ, mây đỉnh núi

                    Hoặc nơi sâu sâu chừ, nước trùng dương…

    Chữ “hề” ở đây không có nghĩa là “làm hề”, “như một tên hề”, mà là một thán-từ (interjection) tương-đương với “Hey! Ho!” trong tiếng Anh, dùng để nhấn mạnh một cảm-xúc, trong các lời ca, tiếng hát, thí-dụ Ban Nhạc The Lumineers của Mĩ nổi tiếng với bài:

                    (Ho!) I’ve been trying to do it right

                    (Hey!) I’ve been living a lonely life

                    (Ho!) I’ve been sleeping here instead

                    (Hey!) I’ve been sleeping in my bed…  

    2) Trong cuốn “Ru Thầm Tiếng Gọi Việt Nam” của Ngọc An, có bài thơ “Biển Nhớ” trong đó có câu “Bao nhiêu hạnh phúc chắt chiu, Đào Nguyên một thuở Nguyễn Lưu lạc đường”, mà người dịch, được giới-thiệu là một giáo-sư tiến-sĩ, đã dịch ra là “So much bliss had been spared, Of a happy land, now Nguyen Luu lost his way!” lại còn chú-thích là: “Nguyen Luu, an imaginary person in a historical myth who had visited the paradise in Heaven” (Nguyễn Lưu là một nhân-vật tưởng-tượng trong thần-thoại lịch-sử cho rằng ông đã viếng thăm thiên-đường trên Trời”).  Nguyễn Lưu thực ra là Lưu+Nguyễn, là hai nhân-vật Lưu Thần và Nguyễn Triệu, đời Hán, đã từng lạc vào Thiên-Thai, chứ không phải là một ông Nguyễn Lưu.  

    3) Trong tác-phẩm “cuối đời” của Hà Huyền Chi, “The Best of Ha Huyen Chi”, người dịch, cũng là nhà-thơ/nhà-văn, đã dịch bừa-bãi rất nhiều câu thơ trong nhiều bài thơ.  Vài thí-dụ:  Bài số 591, có câu “Dăm thùng sách mới nằm say ngủ”, mà lời dịch là “Some new book boxes do not open” (Mấy thùng sách mới không mở ra). “Open” là một ngoại/tha-động-từ (mở [cái gì] ra), mà “thùng sách” là tĩnh-vật, không thể làm chủ-từ cho “open”, làm sao tự mở ra được.  Bài số 592, có câu “Nói gì câu đá mòn sông cạn”, mà lời dịch là “We no need to talk about the fervid loyalty”.  Nếu “need” là danh-từ thì nó phải là “We don’t have the need to”; nếu nó là động-từ thì nó phải là “We don’t need to”; không thể nói/viết “We no need”.  Bài 594, có câu “Yêu nhau là chuyện hoang đường, Không yêu đời lãng, lại thương tiếc đời”, mà lời dịch là “Falling into our affections are a fabulous story, But if we do not love We will be regret all our lives”.  Động-danh-từ “falling” là số ít, làm chủ-từ cho “to be”, thì “to be” phải ở số ít (“is”) chứ không thể ở số nhiều (“are”); “to be” là động-từ bất-quy-tắc, nếu đứng trước một động-từ thứ hai, thì động-từ thứ hai phải ở thể tiến-hành (“be regretting”) hoặc quá-khứ phân-từ (It will be regretted),…

    VI

    Riêng về việc sáng-tác trực-tiếp, hoặc dịch/chuyển-ngữ thơ tiếng Việt sang thơ tiếng Anh, mà muốn thành thơ-có-vần, chúng tôi xin các bạn để í một điểm, đó là vần thơ (rhyme) trong tiếng Anh.  

    Lâu nay, có nhiều bài thơ tiếng Anh mà tác-giả và dịch-giả người Việt muốn viết ra như-có-vần nhưng đều thực-sự không-có-vần.  

    Thử dịch mấy chữ “sướng-thỏa” và “hể-hả” (chúng ăn vầnhợp vần với nhau):

    Tiếng Việt là tiếng đơn-âm (monosyllabic), nên ta có thể dễ-dàng chọn tiếng hợp vần ở cuối câu thơ.

    Thí-dụ: câu trên tận cùng bằng chữ “sướng-thỏa”

                 câu dưới tận cùng bằng chữ “hể-hả”

    Âm cuối của câu trên là “thỏa”, thì nó ăn vần [hợp vần] với “hả” của câu dưới.

    Vậy, xét trong tiếng Việt, thì “sướng-thỏa” và “hể-hả” ăn vần với nhau, vì ta dùng các âm cuối là “thỏa” và “hả”.

    Tiếng Pháp là tiếng đa-âm (polysyllabic), nhưng âm (syllable) nào cũng được phát-âm (nhấn giọng) giống nhau, nên nó cũng giống tiếng Việt ở điểm: có thể dùng âm cuối chữ tiếng Pháp để chọn vần.

    Thí-dụ: câu trên tận cùng bằng chữ “heureux”

                 câu dưới tận cùng bằng chữ “joyeux”

    Âm cuối của câu trên là “reux”, thì nó ăn vần [hợp vần] với “yeux” của câu dưới.

    Vậy, xét trong tiếng Pháp, thì “heureux” và “joyeux” ăn vần với nhau, vì Pháp dùng các âm cuối là “reux” và “yeux” để làm vần cho thơ.  

    Tiếng Anh cũng là tiếng đa-âm, nhưng có điểm khác tiếng Pháp là, trong tiếng Pháp thì âm (syllable) nào cũng được phát-âm (nhấn giọng) giống nhau; tuy-nhiên, trong tiếng Anh thì chỉ có một hoặc một số âm là được nhấn giọng (stress, emphasize) để định vần; còn các âm khác thì không được nhấn giọng; cho nên, dù là âm cuối của chữ cuối câu, vẫn không được xem là một âm trong việc chọn âm để định vần cho thơ.

                     Thí-dụ: câu trên tận cùng bằng chữ “happy”

                                  câu dưới tận cùng bằng chữ “merry”

    Âm cuối của câu trên là “py”, âm cuối của câu dưới là “ry”: mới thấy thì tưởng là chúng ăn vần với nhau.

    Thế nhưng, ngược lại; vì trong tiếng Anh, các âm cuối “py” (trong “happy”) và “ry” (trong “merry”) là âm không được nhấn giọng, nên không được dùng làm vần cho thơ; trong lúc đó thì “hap” (trong “happy”) và “mer” (trong “merry”) mới là âm được nhấn giọng; nhưng chúng lại không ăn vần với nhau, vì một bên là “hap” và một bên là “mer”. 

    Vậy, xét trong tiếng Anh, thì “happy” và “merry” tuy đều tận cùng bằng âm “y” (py và ry), nhưng vì “hap” và “mer” không ăn vần với nhau, nên ta không thể dùng “happy” và “merry” làm 2 chữ cuối-câu cho 2 câu thơ-có-vần. “Happy” và “Merry” không ăn vầnkhông hợp vần với nhau.

    Người nào chỉ mới nhìn thấy các âm cuối của chữ cuối câu có vẻ ăn vần [hợp vần]với nhau, thí-dụ:

    giữa batman với saucepan, fundament với present, education với suggestion, amazon với echelon, immune với opportune, v.v… 

    mà đã cho là chúng ăn vần [hợp vần] với nhau, thì tức là đã làm thơ hoặc dịch thơ tiếng Anh lạc vần rồi vậy.

    *

    Tóm lại, chúng ta cần sáng-tác trực-tiếp hoặc phiên-dịch hay chuyển-ngữ thơ tiếng Việt sang thơ tiếng Anh, để tiếng nói đầy tình-tự dân-tộc của Người Việt nói chung, của Người Việt Hải-Ngoại nói riêng, không bị quên lãng, hoặc bị lấn-át bởi tiếng nói phi-dân-tộc, trước “bốn biển, năm châu”, trong bối-cảnh toàn-cầu-hóa mọi sinh-hoạt hiện nay.

                                         NGƯỜI THƠ

                       Hội-Viên Văn-Bút Quốc-Tế, Trung-Tâm PEN America

  • Biên khảo,  Giao Chỉ

    GIAO CHỈ San Jose: Tổng Thống Hoa Kỳ và Tỵ Nạn Việt Nam

    Tổng thống Hoa Kỳ và tỵ nạn Việt Nam

    ·         Giao Chỉ San Jose

    ·          

    Nhân ngày quốc lễ President’s Day xin ghi lại mối liên hệ Hoa Kỳ Việt Nam từ tổng thống thứ 34 vào năm 1953

     Vài nét về cng đồng Việt tại Mỹ qua 11 đời tổng thống.

    Trước năm 1975 kiều dân Việt tại Mỹ chỉ có 15 ngàn. Cuộc di tản tháng 4-75 đem vào Mỹ 150 ngàn và sau đây là con số mỗi kỳ kiểm kể từng thập niên. 1980 có 250 ngàn,1990 có 600 ngàn, năm 2000 có 1 triệu và 100 ngàn. Năm 2010 có 1 triệu và 700 ngàn. Năm sau cùng hiện nay 2020 có 2 triệu và 200 ngàn. Con số này chưa được là 1% dân số Hoa Kỳ nhưng lại là một thành phần rất quan trọng so với dân số tại Việt Nam về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Tìm hiểu thêm với một vài chi tiết so sánh với dân Mỹ cũng có nhiều điều lý thú. Lợi tức trung bình của một gia đình Việt có 20 ngàn 1 năm với nhân khấu là 3.8 gần 4 người một nhà. Gia đình Mỹ tính chung có 26 ngàn 1 năm với 3.2 tức là hơn 3 người trong 1 nhà. Người Việt chưa tốt nghiệp trung học là 26% người Mỹ là 15%. Nói chung trình độ học thức người Việt thấp, nhưng tuổi trẻ Việt Nam tốt nghiệp đại học lên đến19% trong khi Mỹ chỉ có 17%. Tuổi trung bình của Mỹ là 36 nhưng Việt Nam có 34.  Thành phần cao niên của Hoa Kỳ trên 70 tuổi lên đến 6% trong khi Việt Nam chỉ có 3%. Nước Mỹ hiện có 1 triệu 100 ngàn dân ở lậu. Trong số này Việt Nam cũng có 160 ngàn dân lậu. Các con số thống kê này cho chúng ta nhiều điều đáng lưu ý.

    Tổng kết về các tổng thống Hoa Kỳ                                                  Hơn nửa thế kỷ vừa qua 9 vị tổng thống Mỹ, từ Eisenhower đến Obama đều là ân nhân của người Việt và di dân gốc Việt. Trong chiến tranh với 58 ngàn chiến binh Hoa Kỳ hy sinh và 300 ngàn thương binh, các vị tổng thống đều quyết tâm nhưng không vượt qua đươc hoàn cảnh. Sau chiến tranh nước Mỹ đã thực sự chào đón tỵ nạn. Chúng ta không bao giờ quên được tấm lòng hào hiệp của người dân Hoa Kỳ.

    Trải qua 5 đời tổng thống Hoa Kỳ thời hậu chiến dù là Cộng Hòa hay Dân Chủ di dân Việt Nam luôn luôn được chào đón và trở thành con số vào Mỹ cao nhất cuối thế kỷ 20.

     Chúng ta có thể quản ngại cho tương lai. Nhưng cũng ghi nhận sự vui mừng đã đạt được con số người Việt đáng kể tại Hoa Kỳ để làm thành một cộng đồng vững mạnh. Nếu Hoa Kỳ không tham dự vào Việt Nam từ 1954, dân Việt miền Nam không có được 2 thập niên tự do dân chủ. Nếu tổng thống, chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ không chủ trương bao dung với di dân, chúng ta không có mặt tại Mỹ. 

    Giao Chỉ, San Jose

    Sơ lược tổng quát34-Dwight_D._Eisenhower,_ .jpg35 -John_F._Kennedy, _portrait.jpg36_Lyndon_Johnson_3x4.jpg37-Richard_Nixon_ ait_(1).jpg38-Gerald_Ford_ _ .jpg

    Eisenhower 34,CH     Kennedy 35 DC       Johnson 36 DC          Nixon 37 CH           Ford 38 CH   

    Bắt đầu từ 1954 với tổng thống thứ 34 là ông Eisenhower, Việt Nam mới có cơ hội đóng vai trò trong lịch sử Hiệp Chủng Quốc. Vào cuối thập niên 50, trong chuyến đi Mỹ, chúng tôi thấy hình ảnh ông Eisenhower đón chào tổng thống Ngô Đình Diệm và ca ngợi vị nguyên thủ Việt Nam là vĩ nhân của Đông Nam Á. Chẳng bao lâu sau đó, vị tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ là ông Kennedy đã gián tiếp trách nhiệm về cuộc đảo chánh và việc hạ sát anh em ông Diệm năm 1963 tại Sài Gòn. Ông Kennedy tuy giải tỏa được một chế độ cản đường nhưng cũng rất ân hận về cái chết của ông Diệm. Cả hai ông Ngô Đình Diệm và Kennedy đều là Thiên Chúa Giáo. Nhưng niềm ân hận cũng không lâu, chỉ sau một thời gian ngắn đến lượt ông Kennedy bị ám sát chết tại Dallas, Texas. Cái chết của cả hai vị tổng thống vẫn còn nhiều bí ẩn cho đến ngày nay. Ông Johnson lên thay trong vai trò tổng thống thứ 36 với gánh nặng chiến tranh Việt Nam. Ông là người quyết tâm chiến thắng nhưng vẫn không thành công và để gánh nặng cho ông Nixon với chiêu bài Việt Nam hóa chiến tranh, rút quân về bằng mọi giá. Năm 1974, Nixon, vị tổng thống thứ 37 vì Watergate phải từ chức. Ông Gerald Ford thứ 38 lên thay, thể theo lòng dân và quốc hội, quay lưng cuộc chiến tranh Việt Nam. Từ nay đối với Hoa Kỳ, Việt Nam chỉ còn là vấn đề nhân đạo. Với 5 vị tổng thống can dự vào chiến tranh Việt Nam, bắt đầu từ Eisenhower, Kennedy, Johnson, Nixon và Ford, người Mỹ gọi đây là The War of the Presidents. Ý nói là cuộc chiến riêng tư của các vị tổng thống, không can dự gì vào nước Mỹ và dân Mỹ. Làn sóng chống chiến tranh của dân Mỹ dâng cao với các cuộc xuống đường hàng triệu người. Bây giờ sống tại đây chúng ta mới có thể hiểu được là lòng dân của Mỹ quốc thực sự ảnh hưởng đến chính quyền ra sao. Không cần đúng hay sai, không cần giữ lời cam kết. Đối với dân chúng Hoa Kỳ, lòng kiên nhẫn và sự chịu đựng, hy sinh có giới hạn. Đánh không xong thì rút, sống chết mặc bay. Từ các quan niệm đó, định mệnh đưa chúng ta đến Hoa Kỳ. Sau đây là phần chi tiết.


    Người Mỹ tại Việt Nam


    1) Eisenhower,34 Chính sách ngăn chặn (1953-1961)

    Sau cuộc vây hãm kéo dài 56 ngày, đầu năm 1954, Pháp đã phải chịu thất bại tại Điện Biên Phủ. Kết quả là Hiệp định Geneve 1954 chia Việt Nam làm hai phần ở vĩ tuyến 17. Hoa Kỳ bác bỏ hiệp định Geneve và giúp đỡ một chính quyền quốc gia ở Nam Việt Nam vào tháng 6 năm 1954. Ngô Đình Diệm, một người Công giáo chống Cộng từng sống ở Mỹ, đã trở lại Việt Nam với vai trò thủ tướng và năm sau lên làm tổng thống của một nước miền Nam Việt Nam độc lập. Hiệp định Geneve trở thành bàn khai sinh của Việt nam Cộng Hòa.

    Khi những binh lính Pháp cuối cùng ra đi vào tháng 3 năm 1956, Mỹ đã thay thế, và Nam Việt Nam trở thành tiền tuyến trong cuộc chiến nhằm ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản tại Đông Nam Á. Chính quyền Eisenhower đã phải gửi 200 triệu đôla viện trợ một năm và 675 cố vấn quân sự đầu tiên. Tổng thống Eisenhower vốn là anh hùng nước Mỹ sau đệ nhị thế chiến trải qua 2 nhiệm kỳ từ 1953 đến 1961. Ông đón tiếp long trọng tổng thống Việt Nam thăm Hoa Kỳ năm 1957 và ca tụng ông Diệm là vĩ nhân châu Á.

    2) Kennedy, 35 vấn đề nan giải.(1961-1963)

    Khi Kennedy trở thành tổng thống, ông thừa kế di sản Việt Nam từ Eisenhower. Nhưng điều thực sự lôi cuốn ông là cơ hội để thử nghiệm học thuyết chống chiến tranh du kích cùng với chiến lược quân sự đáp trả linh hoạt.

    Đến năm 1961, cộng sản Bắc Việt đã thành lập tại miền Nam một phong trào nổi dậy với cái tên Mặt trận giải phóng dân tộc (NLF). Trong một buổi phỏng vấn của đài CBS, Kennedy đã nhận định rằng tùy thuộc vào người Nam Việt Nam mà “Cuộc chiến của họ” sẽ thắng hay bại. Trong khi đó tình hình miền Nam ngày càng xấu. Nông thôn mất an ninh, cường độ chiến tranh gia tăng. Tại thành thị dân chúng và Phật giáo chống chính phủ. Vào thời điểm đó, đã có khoảng 16.000 “cố vấn” Mỹ tại Việt Nam. Mất kiên nhẫn với ông Diệm, Kennedy cho Sài Gòn biết rằng Mỹ sẽ ủng hộ một cuộc đảo chính quân sự. Vào 1/11/1963, chính quyền Diệm bị lật đổ và tổng thống Việt Nam bị giết chết, một kết cục mà Kennedy đã không đoán trước được. Nhưng ông phải chịu trách nhiệm về cái chết của nhà lãnh đạo mà tổng thống Eisenhower gọi là vĩ nhân châu Á. Ba tuần sau, chính ông Kennedy cũng bị ám sát chết.

    3) Lyndon Johnson, 36 Quyết tâm sa lầy, (1963-1969)

    Giống như Kennedy nhận lãnh Việt Nam từ Eisenhower, Lyndon Johnson cũng thừa hưởng Việt Nam từ Kennedy. Tuy nhiên di sản mà Johnson nhận được phiền toái hơn, bởi đến lúc này một cuộc can thiệp qui mô lớn của Mỹ mới có thể ngăn chặn sự sụp đổ của Nam Việt Nam. Johnson thề trong buổi nhậm chức,“Tôi sẽ không để mất Việt Nam”, Sau đó chiến tranh Việt Nam thực sự nằm trong quyết tâm của ông. Trong mùa hè 1964, Johnson nhận được báo cáo về những tàu ngư lôi của Bắc Việt Nam đã tấn công khu trục Maddox. Trong cuộc tấn công đầu tiên, vào ngày 2 tháng 8, tổn thất chỉ giới hạn ở một lỗ đạn; cuộc tấn công thứ hai, vào ngày 4 tháng 8, sau đó được chứng minh là nhầm lẫn của radar. Điều đó không quan trọng. Trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia, dù có thực hay tưởng tượng, lời kêu gọi vũ trang của tổng thống khó có thể cưỡng lại. Trong cả Quốc hội, chỉ có hai thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống. Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ đã ủy thác cho Johnson quyền được mở các chiến dịch ở Việt Nam. Với cuộc bầu cử năm 1964 đã gần sau lưng, Johnson bắt đầu một chương trình để người Mỹ trực tiếp đảm nhiệm cuộc chiến ở Việt Nam. Chến tranh leo thang, bắt đầu từ đầu năm 1965, bao gồm 2 hình thái: Gia tăng bộ binh Mỹ và đẩy mạnh đánh bom miền Bắc. Ngày 8/3/1965, những người lính thủy quân lục chiến đầu tiên đã đặt chân lên bờ biển Đà Nẵng, bề ngoài là để bảo vệ căn cứ không quân ở đây. Nhưng họ sớm phải chạm trán với kẻ thù. Năm 1966, hơn 380.000 lính Mỹ đã đóng quân ở Việt Nam; năm 1967, 485.000 quân; và 1968 là 536.000. Mỹ tiến hành chiến dịch có tên Rolling Thunder, leo thang đánh bom Bắc Việt Nam. Mục tiêu đặc biệt là Đường mòn Hồ Chí Minh, một mạng lưới tinh vi bao gồm đường mòn, cầu, và nơi trú ẩn trải dài từ Bắc Việt Nam qua Campuchia và Lào đến Nam Việt Nam. Đến năm 1968, một triệu tấn bom đã trút xuống Bắc Việt Nam.

    Johnson có lí do để tự tin về người dân Mỹ. Sự đồng thuận rộng rãi vững vàng được hình thành từ những năm trước đó là điều kiện thuận lợi để Washington tiến hành cuộc chiến. Cả Đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều chấp thuận cho Johnson leo thang chiến tranh ở Việt Nam, và điều tương tự đối với những cuộc khảo sát ý kiến công chúng trong năm 1965 và 1966. Nhưng sau đó quan điểm bắt đầu thay đổi.

    Mỗi buổi tối người Mỹ lại thấy trên truyền hình cảnh tàn sát của cuộc chiến và những người Mỹ thương vong. Những phóng viên bắt đầu viết về một “Sự khủng hoảng lòng tin “

    Nhưng kinh tế đặt ra cho Johnson nhiều vấn đề hơn. Chiến tranh Việt Nam tiêu tốn 27 tỉ đô-la vào năm 1967, đẩy thâm hụt ngân sách từ 9,8 tỉ đô-la lên 23 tỉ đô-la. Chi tiêu quân sự đã thúc tỉ lệ lạm phát lên cao. Chỉ trong mùa hè năm 1967, Johnson đã yêu cầu đánh thêm 10% thuế thu nhập. Cho đến lúc đó, vòng xoáy lạm phát sẽ gây họa cho nền kinh tế Mỹ trong suốt thập niên 1970 đang đến rất gần.

    Phong trào phản chiến :Trong hoàn cảnh đó phong trào phản chiến bắt đầu hình thành. Hạt nhân của nó, cùng với những nhóm ủng hộ hòa bình lâu năm, là một thế hệ mới những nhà hoạt động hòa bình như SANE, nhóm đã biểu tình chống thử vũ khí hạt nhân vào những năm 1950. Phong trào phản chiến nhanh chóng có khả năng tạo ra những cuộc biểu tình lớn ở Washington, đem đến 20-30 ngàn người một lúc. Mặc dù bao gồm nhiều thành phần đa dạng, tất cả những người theo phong trào đều chia sẻ một mối hoài nghi về chính sách của Mỹ ở Việt Nam. Tổng thống Johnson năm 1965 đã hy vọng vào một chiến thắng chớp nhoáng ở Việt Nam, trước khi cái giá chính trị của việc leo thang đến hạn. Nhưng đã không có chiến thắng nhanh chóng. Các lực lượng của Bắc Việt Nam và Việt Cộng đồng loạt tấn công, chính quyền Nam Việt Nam mất đất, và thương vong của Mỹ tăng lên. Vào đầu năm 1968, tỉ lệ tử vong đã chạm đến mức vài trăm người một tuần. Johnson và các tướng lĩnh của ông vẫn khăng khăng cho rằng có “ánh sáng ở cuối đường hầm”. Thực tế trên chiến trường đã cho thấy điều ngược lại.

    Vào 30/1/1968, Việt Cộng mở một cuộc tấn công lớn ở Nam Việt Nam. Thời điểm trùng với Tết, kỳ nghỉ đón năm mới của người Việt, cuộc tấn công đánh vào 36 thủ phủ của các tỉnh và 5 trong số 6 thành phố lớn, bao gồm Sài Gòn, nơi Việt Cộng đã gần như lọt vào Sứ quán Mỹ vốn được cho là không thể đánh chiếm được. Về mặt quân sự, cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân là một thất bại, với con số thương vong nặng nề của Việt Cộng. Nhưng về mặt tinh thần, hậu quả là rất lớn. Truyền hình đã đem đến tận nhà người Mỹ những hình ảnh gây sốc.

    Đến cuối một bài phát biểu truyền hình vào ngày 31/3, Johnson đã làm cả nước sửng sốt khi tuyên bố ông sẽ không tái ứng cử. Ông cũng kêu gọi tạm ngưng một phần chiến dịch đánh bom và hứa sẽ dùng những tháng trong nhiệm kỳ còn lại để tìm kiếm hòa bình. Vào 10/5/1968, Hoa Kỳ và Bắc Việt Nam bắt đầu vòng đàm phán hòa bình sơ bộ tại Paris.
    4) Cuộc chiến của Nixon 37 (1969-1974) Chiến lược Hòa hoãn.

    Khái niệm thế giới hai phe, vốn đã trở nên lỗi thời từ thời của Lyndon Johnson, lại càng bị chối bỏ khi Richard Nixon sử dụng sách lược hòa hoãn. Nhưng khi đối diện với cuộc chiến ởViệt Nam, Nixon thừa hưởng di sản mà Johnson để lại. Từ bỏ Việt Nam, theo Nixon, sẽ hủy hoại “uy tín” của nước Mỹ và khiến cho cường quốc này có vẻ giống như một “Người khổng lồ chân đất sét”. Và cũng giống như Johnson, Nixon có những toan tính riêng cho bản thân mình. Ông không được phép trở thành vị tổng thống đầu tiên để thua một cuộc chiến. Nixon muốn hòa bình, nhưng phải là “Hòa bình trong danh dự”.

    Để làm dịu chỉ trích trong nước, ông bắt đầu giao việc chiến đấu cho những người lính Việt Nam Cộng Hòa. Với chính sách mới có tên “Việt Nam hóa chiến tranh”, số lượng lính Mỹ giảm xuống từ 543.000 năm 1968 xuống còn 334.000 năm 1971 và chỉ còn 24.000 vào đầu năm 1973. Tỉ lệ thương vong cũng như uy tín chính trị của họ cũng giảm theo. Nhưng cuộc giết chóc ở Việt Nam vẫn tiếp tục. Như lời đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Ellsworth Bunker, đã nói một cách mỉa mai, đó chỉ là vấn đề thay đổi “Màu da của những xác chết”.

    Vào tháng tư năm 1972, khi cuộc chiến trở nên khốc liệt, Nixon đã ra lệnh cho B-52 không kích miền Bắc Việt Nam. Một tháng sau đó, ông đồng ý cho gài mìn những bến cảng Bắc Việt, điều mà Johnson đã không bao giờ dám làm. Nixon có thể rảnh tay như thế là bởi, theo tinh thần hòa hoãn, Trung Quốc không còn đe dọa can thiệp nữa. Phía Nga, Brezhnev cũng làm ngơ khi chào đón Nixon vào tháng năm1972, thời điểm cao trào của những cuộc không kích B-52. Việt Cộng có thể cảm thấy bị cô lập, nhưng viện trợ từ Trung Quốc và Liên Xô vẫn tiếp tục đổ vào, và du kích Cộng sản vẫn tiếp tục chiến đấu.

    Ở trong nước, cuộc chiến của Nixon đã trở thành gánh nặng. Chẳng những không suy giảm mà phong trào phản chiến ngày càng rầm rộ. Tháng 11 năm 1969, nửa triệu người đã biểu tình ở Washington. Ngày 30/4/1970, trong chiến dịch ném bom bí mật những tuyến đường vận chuyển khí giới của Việt Minh ở nước Campuchia trung lập, binh lính Mỹ đã xâm nhập để tiêu diệt những cơ sở địch ở đó. Khi tin tức về việc đổ bộ vào Campuchia được loan ra, những trường đại học Mỹ như nổ tung vì căm giận, và lần đầu tiên, có sinh viên bị chết. 4/5/1970, tại trường đại học Kent State ở Ohio, lực lượng cảnh vệ quốc gia đã nổ súng vào đoàn người biểu tình, giết chết bốn sinh viên và làm bị thương mười một người. Tại trường đại học Jackson State ở Mississippi, lực lượng cảnh vệ đã tấn công vào một ký túc xá, giết chết hai sinh viên da đen. Hơn 450 trường đại học đã đóng cửa để phản đối. Trên khắp đất nước, khóa học mùa xuân đã bị hủy bỏ.

    Bất chấp tất cả, Nixon vẫn bền chí, phê phán kịch liệt những sinh viên biểu tình và tổ chức một cuộc biểu tình phản đối. Mũ bảo hộ lao động đã trở thành một biểu tượng yêu nước sau khi những công nhân xây dựng New York đánh bại những người biểu tình trong một cuộc biểu tình hòa bình vào tháng 5/1970. Dần dần, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” khiến phong trào phản chiến đi xuống. Khi nhân lực trong quân đội cần được cắt giảm, chế độ quân dịch cũng bị cắt bớt, làm xẹp đi lòng nhiệt tình của nhiều sinh viên phản chiến. Cuối cùng, Nixon đã đẩy lui được những chỉ trích. Nhưng cái mà ông không đẩy lui được là công sản Bắc Việt Nam.

    Khi cuộc bầu cử năm 1972 đang cận kề, Nixon đã gửi Henry Kissinger đến mở cuộc đối thoại hòa bình ở Paris. Ở đây Kissinger đã có một nhượng bộ quan trọng khi chấp nhận sự xuất hiện của binh lính Bắc Việt ở lại miền Nam. Với lời tuyên bố của Kissinger: “Hòa bình trong tầm tay”, Nixon đã có thêm số phiếu mà ông muốn, nhưng thỏa thuận đã bị phá bỏ bởi ông Nguyễn Văn Thiệu, tổng thống Nam Việt Nam. Bởi vậy Nixon, trong cuộc đổ máu cuối cùng, đã ra lệnh hai tuần “Ném bom giáng sinh”, sự kiện tàn khốc nhất trong cả cuộc chiến. Kết quả 27/1/1973, hai bên thỏa thuận hòa bình Paris, tái thỏa thuận việc ngừng bắn đã  bàn tháng mười năm trước. Nixon hi vọng rằng với sự viện trợ ồ ạt của Mỹ, chính quyền Thiệu có thể tồn tại. Nhưng Quốc hội đã từ chối cho phép ném bom Campuchia sau 15/8/1973, và từ từ cắt viện trợ  Nam Việt Nam. Tiếp theo ông Nixon bị truất phế vì Watergate 1974. Tháng ba năm 1975, các lực lượng Bắc Việt Nam đã phát động cuộc tấn công và Sài Gòn thất thủ. Liệu kết thúc như vậy có đáng buồn không?. Đúng, dĩ nhiên, đối với những người bạn Việt Nam của Hoa Kỳ, những người đã mất đi việc làm và tài sản, phải mất nhiều năm trong những trại cải tạo, hoặc phải rời khỏi quê hương. Đúng, đối với nước láng giềng Campuchia, nơi bọn Khơme đỏ điên cuồng lên nắm quyền, tàn sát 1,7 triệu người và đưa đất nước gần như quay trở về thời kì đồ đá. Đối với nước Mỹ, đúng, bởi sự lãng phí sinh mạng (58.000 người chết, 300.000 người bị thương), 150 tỉ đô-la, những vết thương bên trong lâu lành, và sự tự tin bị đánh mất đối với những nhà lãnh đạo nước Hoa Kỳ.
    Ghi chú. Các tài liệu về tổng thống Mỹ trong chiến tranh Việt Nam được lấy từ phần Việt Ngữ của tự điển điện toán Wikipedia
    Nhận định riêng.
    Điều thực sự quan trọng là, trước khi bỏ rơi Nam Việt Nam, các vị tổng thống Hoa Kỳ đã thực sự muốn hoàn thành sứ mạng bảo vệ Việt Nam.. Johnson quyết tâm chiến thắng. Nixon muốn có hòa bình trong danh dự. Nhưng họ không vượt qua được hoàn cảnh. Chính vì những lý do đó, người Mỹ đã mở vòng tay đón tỵ nạn Việt Nam trong hơn 40 năm qua. Đồng thời tìm cách trở lại Việt Nam để trực tiếp gặp người dân của nước cựu thù. Nước Mỹ tìm cách chinh phục lòng người, vận động đồng minh bằng vòng tay mở rộng thay vì B52 hay bom đạn chiến tranh..
    Sau đây là giai đoạn hậu chiến với các chương trình di dân và hình thành cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ.
    Tổng thống Cộng Hòa 38 Ford. (1974-1977)
    Trong phiên họp cuối cùng quốc hội Hoa Kỳ bàn về viện trợ cho miền Nam. Tổng thống Ford thông báo tài khóa 1973 đã dành cho VNCH 2 tỷ 8 trăm triệu. Tài khóa 1974 chỉ xin 700 triệu nhưng không được chấp thuận. Kịp đến đầu năm 1975 xin 300 triệu cũng bị từ chối. Quốc hội quyết định không cho 1 xu nhưng tuyên bố sẽ dành cho ngân khoản tối đa để đón người ty nạn. Ông Ford lên thay Nixon làm tổng thống thứ 38 chỉ còn công việc cuối dành cho VNCH là đến San Francisco đón đứa bé mồ côi Việt Nam chụp hình cho báo chí phổ biến. Với 3 năm sau cùng, vị tổng thống Cộng Hòa đã hoàn tất việc định cư cho 150 ngàn người di tản Việt đầu tiên đến Mỹ.39-JimmyCarter 2.jpg40- _President_Reagan_1981.jpg41-George_H._W._Bush_ ).jpg42-px-Bill_Clinton.jpg43- George-W-Bush.jpeg

     (Carter 39 DC)         (Reagan 40 CH)    (Bush Cha 41 CH)      (Clinton 42 DC)      (Bush Con 43 CH)

    Tổng thống Dân Chủ 39, Jimmy Carter. (1977-1981)

    Ngay khi chiến tranh chấm dứt, ông đã cử phái đoàn đến Hà Nội ngỏ ý muốn giúp kẻ thù cũ xây dựng đất nước. Việt Cộng đã ngạo mạn bỏ qua một cơ hội bằng vàng. Sau đó đã kéo lùi đất nước lại hơn 30 năm từ khi chiến thắng 75 đến 85 mới tỉnh ngộ. Trong một nhiệm kỳ ngắn ngủi 4 năm ông đã trở thành vị ân nhân số một mang danh hiệu tổng thống của thuyền nhân Việt Nam.Tại Hoa Kỳ, tổng thống Carter đã mở đầu chính sách ODP từ 1979 và cho lệnh vớt thuyền nhân trên biển Đông. Năm 1980 kiểm kê dân số lần đầu tiên dưới thời kỳ Carter người Việt đạt được trên 260 ngàn. Cũng trong triều đại Carter bộ luật về Ty Nạn được ban hành 1980 với danh hiệu Refugee Act.

    Tổng thống Cộng Hòa 40, Reagan (1981-1989)

    Không thể quên được hình ảnh tổng thống Reagan ký tài liệu mở đường cho chương trình nhận tù chính trị và gia đình định cư tại Mỹ và tiếp theo là chương trình con lai. Kiểm kê dân số 1990 với thời kỳ Reagan kết quả gia tăng và người Việt đạt được 600 ngàn. Trong số này có nhiều thuyền nhân từ các trại ty nạn Đông Nam Á.

    Tổng Thống Cộng Hòa 41, Bush Cha (1989-1993)

    Chương trình ODP, con lai và thuyền nhân tỵ nạn tiếp tục được nhận vào Hoa Kỳ. Có thể nói trong 4 năm ngắn ngủi của ông Bush Cha là giai đoạn thuyền nhân đến Mỹ nhiều nhất.

    Tổng Thống Dân Chủ 42 Clinton. (1993-2001)

    Thời kỳ 8 năm của ông Clinton con số ODP rất cao và số thuyền nhân xuống thấp vì các trại ty nạn đóng cửa năm 1995. Tuy nhiên tổng số dân ty nạn Việt Nam ghi lại trong kỳ kiểm kê 2000 đã lên gần gấp đôi là 1 triệu và 100 ngàn. Đặc biệt tổng thống Clinton đến thăm Việt Nam lần đầu tiên năm 2000 đã đem luồng gió tự do, dân chủ đến trực tiếp với dân Việt cả hai miền Nam Bắc. Một hiện tượng lịch sử có rất nhiều ý nghĩa.

    Tổng Thống Cộng Hòa 43. Ông Bush Con (2001-2009)

    Thuyền nhân không còn trực tiếp đến Mỹ nhưng các diện đoàn tụ, con lai và HO vẫn tiếp tục. Tổng thống Bush con cũng đến Việt Nam và đem lại rất nhiều ý nghĩa đặc biệt . Đồng thời kỳ kiểm kê dân số năm 2010 người Việt tại Mỹ gia tăng lên con số 1 triệu và 500 ngàn.44- Barack_Obama.jpg45-Donald_Trump_ .jpg46-Joe_Biden_ t.jpg

    Obama 44 DC      Trump 45 CH          Biden 46 DC

    Tổng thống Dân Chủ 44 ông Obama. (2009-2017)

    Trải qua 8 năm cầm quyền, hồ sơ đoàn tụ ODP và nhiều hình thức khác vẫn tiếp diễn. Thêm vào đó người Việt qua Mỹ theo diện kết hôn gia tăng đáng kể . Tính đến cuối năm 2016 dân số gốc Việt tại Hoa Kỳ vào khoảng 1 triệu 800 ngàn người. Đạt được rất nhiều thành quả đáng kể. Thế hệ thứ hai và thứ ba Việt Nam trở thành dân cử, các tướng lãnh, các chuyên gia và các công dân Hoa Kỳ gốc Việt gương mẫu. Chuyến thăm viếng Việt Nam của tổng thống Obama được coi là một thành quả ngoại giao vô cùng khích lệ không phải đối với chính quyền mà là trực tiếp đối với dân chúng Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ.

     Tổng Thống Cộng Hòa 45 Trump (2017-2020)

    Năm 2017 Hoa Kỳ có vị tổng thống mới. Một hiện tượng đặc biệt. Một đường lối khác biệt. Ông Trump có những suy nghĩ và hành động khác biệt hoàn toàn với tất cả các vị tổng thống tiền nhiệm dù Cộng Hòa hay Dân Chú Ông công khai bày tỏ ý kiến là việc Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam là một sai lầm. Với chủ trương hạn chế di dân thêm vào đó lại gặp nạn dịch Covid nên cộng động Việt Nam chia xẻ những khó khăn với nhân dân Hoa Kỳ trong vấn nạn chung của đất nước. Vị tổng thống 45 cũng không quan tâm đến đề tài nhân quyền nên các nhà đấu tranh tại Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn và thêm nhiều tù nhân của lương tâm bị tù đầy. Dưới triều đại của tổng thống Trump sự chia rẽ trầm trọng giữa 2 chính đảng Hoa Kỳ cũng đã tạo ảnh hưởng rất nhiều trong cộng đồng Việt Nam

    Tổng thống Dân Chủ 46 Joe Biden. Ông mới lên nhận chức vụ được 1 năm chủ trương gần như hoàn toàn đối lập với đường lối của tổng thống Cộng Hòa tiền nhiệm. Trong hoàn cảnh rất khó khăn về kinh tế, lạm pháp và việc chia rẽ ngày càng trầm trọng giữa 2 chính đáng. Chưa có nhiều dữ kiện để nhận định cho tương lai.

     Vài nét về cng đồng Việt tại Mỹ

    Trước năm 1975 kiều dân Việt tại Mỹ chỉ có 15 ngàn. Cuộc di tản tháng 4-75 đem vào Mỹ 150 ngàn và sau đây là con số mỗi kỳ kiểm kể từng thập niên. 80 có 250 ngàn,90 có 600 ngàn, năm 2000 có 1 triệu và 100 ngàn. Năm 2010 có 1 triệu và 700 ngàn. Năm sau cùng hiện nay 2020 có 2 triệu và 200 ngàn. Con số này chưa được là 1% dân số Hoa Kỳ nhưng lại là một thành phần rất quan trọng so với dân số tại Việt Nam về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Tìm hiểu thêm với một vài chi tiết so sánh với dân Mỹ cũng có nhiều điều lý thú. Lợi tức trung bình của một gia đình Việt có 20 ngàn 1 năm với nhân khấu là 3.8 gần 4 người một nhà. Gia đình My tính chung có 26 ngàn 1 năm với 3.2 tức là hơn 3 người trong nhà.Người Việt không tốt nghiệp trung học là 26% người Mỹ là 15% nhưng tuổi trẻ Việt Nam tốt nghiệp đại học lên den19% trong khi Mỹ chỉ có 17%. Tuổi trung bình của Mỹ là 36 nhưng Việt Nam có 34.  Thành phần cao niên của Hoa Kỳ trên 70 tuổi lên đến 6% trong khi Việt Nam chỉ có 3%. Nước Mỹ hiện có 1 triệu 100 ngàn dân ở lậu. Việt Nam cũng có 160 ngàn dân lậu. Các con số thống kê này cho chúng ta nhiều điều đáng lưu ý.

    Tổng kết về các tổng thống Hoa Kỳ                                                  Hơn nửa thế kỷ vừa qua 9 vị tổng thống Mỹ, từ Eisenhower đến Obama đều là ân nhân của người Việt và di dân gốc Việt. Trong chiến tranh với 58 ngàn chiến binh Hoa Kỳ hy sinh và 300 ngàn thương binh, các vị tổng thống đều quyết tâm nhưng không vượt qua đươc hoàn cảnh. Sau chiến tranh nước Mỹ đã thực sự chào đón tỵ nạn. Chúng ta không bao giờ quên được tấm lòng hào hiệp của người dân Hoa Kỳ.

    Trải qua 5 đời tổng thống Hoa Kỳ thời hậu chiến dù là Cộng Hòa hay Dân Chủ di dân Việt Nam luôn luôn được chào đón và trở thành con số vào Mỹ cao nhất cuối thế kỷ 20.

     Chúng ta có thể quản ngại cho tương lai. Nhưng cũng ghi nhận sự vui mừng đã đạt được con số người Việt đáng kể tại Hoa Kỳ để làm thành một cộng đồng vững mạnh. Nếu Hoa Kỳ không tham dự vào Việt Nam từ 1954, dân Việt miền Nam không có được 2 thập niên tự do dân chủ. Nếu tổng thống, chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ không chủ trương bao dung với di dân, chúng ta không có mặt tại Mỹ. 

    Giao Chi San Jose.   giaochi12@gmail.com  (408) 316 8393