• Lê Tuấn,  Thơ,  Tin tức,  Tin Văn Thơ Lạc Việt,  Video

    Video Tang Lễ Cựu Trung Tá Nguyễn Đình Tạo – Nhà thơ Đông Anh – Thành viên VTLV tiễn đưa.

     
    Chiều chủ nhật ngày 16 tháng 7, 2023. Thành viên VTLV đã đến thăm viếng tang lễ Cố Trung Tá Nguyễn Đình Tạo tức nhà thơ Dông Anh, ông cũng là người đồng sáng lập VTLV, Cựu chủ tịch VTLV.
    Phân ưu chia buồn một nhà thơ, chỉ có ngôn tử của thơ mới diễn tả hết ý nghĩa của sự lắng đọng trong ngô ngữ.
    Xin gửi đến tang quyến bài thơ. Tưởng nhớ nhà thơ Đông Anh.
     

    Tưởng nhớ nhà thơ Đông Anh

     
    Lắng nghe hạt bụi vô thường
    Đời vừa khép lại nẻo đường trần gian
    Thi nhân bút hiệu Đông Anh
    Trở về cát bụi cao xanh mây trời.
    Vẹn toàn bổn phận ở đời
    Chinh nhân thao lược đổi dời bao phen
    91 năm thơ phú ngợi khen
    Đường trần mãn hạn ngọn đèn tắt hương.
    Một đời mưa gió bụi đường
    Lao xao tiếng gọi vô thường đổi thay
    Ngậm ngùi tiễn biệt hôm nay
    Nguyễn Đình Tạo trời mây vĩnh hắng.
    Lê Tuấn
    Thành kính phân ưu
     

    CÁO PHÓ

    Trong niềm tin vào Chúa Phục Sinh, Gia Đình chúng tôi trân trọng kính báo cùng Thân Bằng Quyến thuộc và bạn hữu xa gần:
    Chồng, Cha, Ông Nội, Ông Ngoại, Ông Cố của chúng tôi là:
    ÔNG GIACÔBÊ NGUYỄN ĐÌNH TẠO
    -Nguyên Sĩ Quan Huấn Luyện Viên Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam
    -Nguyên Trung Tá Quận Trưởng Bảo Lộc, Tuyên Đức
    -Nguyên Ủy Viên Thường Vụ Liên Hội Người Việt Quốc Gia Bắc Cali
    -Nguyên Chủ Tịch, Sáng Lập Văn Thơ Lạc Việt
    Sinh ngày 02 tháng 2 năm 1933 tại Dục Nội, Đông Anh, Phúc Yên Việt Nam
    Đã được Chúa gọi về lúc 0 giờ 45 sáng ngày 28 tháng 6 năm 2023 tức ngày 11 tháng 5 Năm Quý Mão tại San Jose California, USA
    HƯỞNG THỌ 91 TUỔI
    Linh cửu được quàn tại Darling Fisher Garden Chapel
    471 East Santa Clara Street, San Jose CA 95112
    CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ
    CHÚA NHẬT 16 THÁNG 7, 2023
    03:00PM: LỄ NHẬP QUAN VÀ PHÁT TANG
    4:00PM -6:00PM
    NGHI THỨC TƯỞNG NIỆM & VINH DANH
    4:00PM: Lễ Phủ Quốc Kỳ (Khóa 110 Phụ Trách)
    4:15PM- 5:00PM: Phần Tưởng Niệm & Vinh Danh
    Quan Khách, Hội Đoàn Phát Biểu
    5:00PM-8:00PM: Thăm Viếng
    THỨ HAI 17 THÁNG 7, 2023
    THÁNH LỄ TIỄN ĐƯA: 12:30PM
    CHAPEL OF THE VIETNAMESE MARTYRS (ĐỀN THÁNH TỬ ĐẠO)
    685 Singleton Road, San Jose CA 95111
    Sau Thánh Lễ Tiễn Đưa là Lễ Di Quan về Los Gatos Memorial với nghi thức Hỏa Táng
    TANG GIA ĐỒNG KÍNH BÁO
  • Lê Tuấn,  Thơ,  Video

    Tôi Mơ Ước Điều Gì? – Nhe Nhạc Xuân Vẫn Mang U Hoài – Sáng Tác Lê Tuấn

     

    Tôi mơ ước điều gì?

     

    Tôi mơ ước một điều thật đơn giản

    Sống bình an không tham vọng cao sang

    Một ngôi nhà trải mộng thênh thang

    Mưa bão phải dừng lại trước cửa

    Cho bình yên nương tựa

    Bên trong nhà

    Nghe tiếng em cười

    Nguồn hạnh phúc ấm áp tình người.

     

    Tôi mơ ước một buổi sáng bình yên

    Một tách cà phê nồng ấm trên tay

    Thơm hương vị tình thân cho ngày mới

    Ở ngoài sân chim vui hót trên cây

    Đón chào thêm một ngày

    Chuyện buồn ngày hôm qua

    Đã lùi lại thật xa.

     

    Chỉ còn lại những niềm tin thứ tha

    Chia hạt giống

    Cho con chim đang hót

    Đợi chờ bàn tay em

    Rải hạt giống yêu thương.

     

    Tôi có mơ ước gì đâu

    Xóa tan đi những u sầu

    Và yêu em đến ngàn sau

    Cuộc đời này thật giản dị

    Cứ vui, cứ sống, cứ yêu thôi

    Tình yêu vốn dĩ là phép mầu.

     

    Lê Tuấn

     

    Bản dịch từ Chat GPT

    What do I Dream of

     

    I harbor dreams, though simple they may seem,

    To dwell in tranquil realms devoid of strife,

    Within a dwelling born of idyllic themes,

    Where tempests yield before its gates of life.

    For there, serenity shall find its rest,

    And in its hallowed chambers,

    I shall hear,

    The melodic strains of my wedding blessed me,

    As love’s warm currents soothe away all fear.

    I yearn for morns imbued with gentle peace,

    A cup of coffee’s warmth held in my hand,

    Where friendship’s fragrant whispers never cease,

    And avian choruses in trees expand.

    With open arms, a fresh day I will embrace,

    As the sorrows of the past recede and wane,

    Replaced by seeds of hope, love’s tender trace,

    Awaiting your touch, like gentle spring rain.

    And what, you may inquire, fuels my dreams?

    To banish sadness, cleanse my soul’s terrain,

    And love you ’til eternity’s bright beams,

    This life is so pure, yet infinitely plain.

    To revel in joy’s ethereal domain,

    To live, to love, unburdened by the norm,

    For love, indeed, a mystic force to gain,

    A miracle profound, love’s vibrant form.

     

    By Le Tuan  

     

    Mời nghe nhạc Xuân Vẫn Mang U Hoài

    Đây là ca khúc do tôi viết vào dịp Tết năm Tân Dậu 1981. Vào thời gian này tôi đang bị tập trung tù cải tạo tại trại tù số 6, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ Tĩnh. 

    Trong thời gian này tôi đã viết khoảng 5 bản nhạc tù ca. Đã phổ biết trên youtube; 

    Vết Loang Đọa Đầy 
    Như Cơn Gió Lốc 
    Xuân Vẫn Mang U Hoài. 
    Sẽ còn tiếp khi tôi soạn lại.
    Trân trọng
          Lê Tuấn     
                                                                                              

     

  • Âm Nhạc,  Lê Tuấn,  Video

    Ca Khúc “Vết Loang Đoạ Đầy” – Nhạc Và Lời: Louis Tuấn Lê – Ca Sĩ Anh Bằng

    Xin trân trọng giới thiệu Tù Ca Vết Loang Đoạ ĐầyLời Tác Giả Lê Tuấn

    Đây là ca khúc thứ 2 tôi viết trong tù. Tôi chỉ là một nhạc sĩ (amater) không thường xuyên sáng tác nhạc, học sáng tác từ một người anh ở trong tù và tôi học rất nhanh, sáng tác một số ca khúc trong tù. Vết Loang Đoạ Đầy tôi viết năm 1978 khi ấy chúng tôi đang bị lưu đầy tại vùng rừng núi Hoàng Liên Sơn. Vào giai đoạn này, nhà tù mọc lên như nấm, nó như vết dầu loang lổ trên mặt nước. Do đó tôi lấy tựa đề Vết Loang Đoạ Đầy.

    Trong giai đoạn tù đầy, tôi chỉ viết nốt nhạc trên tờ giấy bao xi măng, lời bài hát thì học thuộc. Sau này tôi mới nhớ lại. Tôi nhờ nhạc sĩ Thái Phạm, hiệu đính lại và giúp tôi làm thành bản PDF Music sheet. Tôi gửi về VN nhờ viết hoà âm và ca sĩ trình bày.

    Vết Loang Đoạ Đầy do chính tôi thực hiện Music Video và chia sẻ trên Youtube.

    Trân trọng

    Lê Tuấn

    Vết Loang Đoạ Đầy

    Một ngày mùa thu

    Hoàng Liên Sơn, ngập trời mưa lũ anh đi

    Lạnh lùng đồi hoang

    Vai anh mang xiềng xích lênh đênh.

    Nhìn về dòng sông

    Mây giăng ngang khung trời đen tối.

    Cuộc đời dần trôi

    Quê hương tôi loang vết đọa đầy.

    *

    Đêm nhìn sao rơi

    Ngoài rừng hoa chuối đỏ.

    Nghe hồn chơi vơi

    Rừng vê đêm giá lạnh.

    Nghe hồn buốt giá

    Bạn bè tôi đói lạnh.

    Ôi đời đau thương

    Buồn về chốn xa xôi.

    *

    Đêm nghe suối đổ

    Bờ đá mòn lãng quên

    Mưa giăng ưu phiền

    Chiều Nghĩa Lộ nhớ em.

    *

    Mai anh sẽ về

    Dệt nốt màu áo xưa

    Mai anh sẽ về

    Làm giáng hồng môi em.

    *

    Mặt trời rạng đông

    Đường anh đi ngập tràn ánh sáng vinh quang.

    Trở về làng xưa

    Anh trao em ngàn đóa hoa xuân

    *

    Ruộng đồng vàng lên

    Cho quê hương ngập tràn lúa chín

    Cờ vàng rợp bay

    Cho non sông rạng rỡ nụ cười.

    *

    Ghi chú: Câu hát (Cờ Vàng rợp bay. Cho non sông rạng rỡ nụ cười) Phòng thâu nhạc tại Việt Nam không dám hát chữ Cờ Vàng, do đó họ chuyển thành câu “Rộn Ràng niềm vui”

  • Âm Nhạc,  Lê Tuấn,  Thơ,  Video

    Chào Mừng Ngày Quân Lực VNCH – 19 Tháng 6, 2022. Tại Thành Phố San Jose. California

    Mừng Ngày Quân Lực VNCH

    Cơn đau che giấu tiếng thời gian

    Tiếng động âm vang những bạo tàn

    Trời tháng tư chuyển dời chiến sử

    Nỗi đau buồn đổ vỡ chen ngang.

     

    Còn đâu nữa những hẹn hò xưa

    Nỗi nhớ thương thân phận đẩy đưa

    Em có về vấn vương luyến tiếc

    Tháng tư buồn lất phất cơn mưa.

     

    Tần ngần lòng dạ bỗng bâng khuân

    Thấy bóng quê hương đến thật gần

    Hoa sứ trổ bông trời tháng sáu

    Nhớ ngày Quân Lực bước phong trần.

     

    Hùng binh dồn dập bước qua nhanh

    Rợp bóng cờ vàng trời nắng hanh

    Dòng máu anh hùng vang chiến sử

    Mừng ngày Quân Lực bước quân hành.

    AET Lê Tuấn

    Ngày Quân Lực 19 tháng 6, 2022

     

     

     

     

  • Hồi ký,  Lê Tuấn,  Video

    Đọc truyện đêm khuya Hồi ký đội đập đá trại 6 Nghệ Tĩnh. Phần 6

    Xót Xa Phận Tù.

    Ta gom hết nước mắt thành dòng
    Cho mặt đất hoá thành con sông
    Cuộc vay trả, tháng năm tù tội
    Cho đoá hồng, nở giữa hư không.
     
    Đời mất đi từng mảng xót xa
    Chắp vá nốt, nỗi đau thịt da
    Vạn ngày dài, đêm chừng mắt đợi
    Kiếp trầm luân, gió bụi bay qua.
     
    Tám năm, giấu mình trong bóng tối
    Đợi lửa mặt trời, đốt cháy ngày
    Tung kiếm giang hồ cơn gió lốc
    Nợ tang bồng vay trả, trả vay
     
    AET Lê Tuấn
  • Video,  Võ Tá Hân

    ĐỔI CẢ THIÊN-THU TIẾNG MẸ CƯỜI

    Hơn mười năm trước, tôi có viết một bài thơ về mẹ, trong đó có hai câu đã trở thành quen thuộc:

    Ví mà tôi đổi thời gian được

    Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.

    Bài thơ ra đời trong một đêm mưa, sau lần điện thoại đầu tiên với mẹ tôi từ Việt Nam. Giọng của mẹ như vọng lại từ một thế giới khác xa xôi. Tôi viết rất nhanh, nhanh hơn khi viết những bài thơ khác nhiều. Những dòng chữ, những câu thơ đúng ra là từ mơ ước, thao thức đã ấp ủ trong tâm thức tôi từ lâu lắm, chỉ chờ dịp để tuôn ra. Tôi không làm thơ, tôi chỉ chép như có một người nào đang nhắc nhở bên tai mình. Nguyên văn bài thơ như thế này:

    Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người

    Tiếng ai như tiếng lá thu rơi

    Mười năm mẹ nhỉ, mười năm lẻ

    Chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi

    Buổi ấy con đi chẳng hẹn thề

    Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê

    Mười năm tóc mẹ màu tang trắng

    Trắng cả lòng con lúc nghĩ về

    Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn

    Bên đời gió tạt với mưa tuôn

    Con đi góp lá nghìn phương lại

    Đốt lửa cho đời tan khói sương

    Tiếng mẹ nghe như tiếng nghẹn ngào

    Tiếng Người hay chỉ tiếng chiêm bao

    Mẹ xa xôi quá làm sao vói

    Biết đến bao giờ trông thấy nhau

    Đừng khóc mẹ ơi hãy ráng chờ

    Ngậm ngùi con sẽ giấu trong thơ

    Đau thương con viết vào trong lá

    Hơi ấm con tìm trong giấc mơ

    Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người

    Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi

    Ví mà tôi đổi thời gian được

    Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.

    Bài thơ đơn giản và dễ hiểu, không có gì phải cần bình giải. Tất cả chỉ để nói lên tâm trạng của một người con xa mẹ, bay đi như chiếc lá xa cành, mười năm chưa về lại cội. Năm tôi viết bài thơ, mẹ tôi, đã ngoài 60 tuổi và đang sống trong căn nhà tôn nghèo nàn ở Hòa Hưng Sài Gòn. Căn nhà nhỏ có giàn hoa giấy đỏ đó là nơi tôi đã sống tám năm.

    Nhớ lại đêm cuối cùng ở Sài Gòn, tôi đón xe xích-lô từ cửa sông về chào mẹ. Trời mưa lớn. Nhưng khi gặp mẹ, với tâm trí ngàn ngập những lo âu, hồi hộp cho chuyến đi, tôi không kịp nói một câu cho trọn vẹn ngoài ba tiếng “Con đi nghe”. Và như thế tôi đi, đi không ngoảnh lại, đi như chạy trốn. Để rồi hai ngày sau, khi chiếc ghe nhỏ của chúng tôi được hải quân Mỹ cứu vớt trên biển Đông vào khuya ngày 13 tháng 6 năm 1981, đứng trên boong chiến hạm USS White Plains nhìn về phía Nam, tôi biết quê hương và mẹ đã ngoài tầm tay vói của mình. Đời tôi từ nay sẽ như chiếc lá, bay đi, bay đi, chưa biết ngày nào hay cơ hội nào trở về nguồn cội.

    Nếu có một quốc gia mà những người dân của quốc gia đó đã phải từ chối chính đất nước mình, từ chối nơi đã chôn nhau cắt rốn của mình, tôi nghĩ, đất nước đó không còn bao nhiêu hy vọng. Việt Nam sau 1975 là một đất nước sống trong tuyệt vọng như thế. Dân tộc Việt Nam những năm sau 1975 là một dân tộc sống trong tâm trạng những kẻ sắp ra đi. Sài Gòn giống như một sân ga. Chào nhau như chào nhau lần cuối và mỗi ngày là một cuộc chia ly. Bắt tay một người quen, ai cũng muốn giữ lâu hơn một chút vì biết có còn dịp bắt tay nhau lần nữa hay không. Gặp người thân nào cũng chỉ để hỏi “Bao giờ anh đi, bao giờ chị đi”, và lời chúc nhau quen thuộc nhất mà chúng thường nghe trong những ngày đó vẫn là “Lên đường bình an nhé.”

    Đất nước tuy đã hòa bình rồi, quê hương đã không còn tiếng súng nhưng lòng người còn ly tán hơn cả trong thời chiến tranh. Đêm cuối ở Sài Gòn lòng tôi ngổn ngang khi nghĩ đến ngày mai. Ngày mai sẽ ra sao? Nếu bị bắt tôi sẽ ở tù như lần trước nhưng nếu đi được thì sẽ trôi dạt về đâu?

    Suốt sáu năm ở lại Sài Gòn, tôi chỉ nghĩ đến việc duy nhất là ra đi. Khi chiếc ghe nhỏ bị mắc cạn trong một con lạch ở Hải Sơn buổi sáng ngày 11 tháng 6 năm 1981, trời đã sáng, nhiều người, kể cả một trong hai người chủ ghe, cũng bỏ ra về nhưng tôi thì không. Tôi phải đi dù đi giữa ban ngày. Tôi phải tìm cho được tự do dù phải bị bắt và ngay cả phải trả giá bằng cái chết. Tự do đầu tiên, biết đâu cũng sẽ là cuối cùng và vĩnh viễn. Nhưng hai ngày sau, khi đứng trên boong tàu Mỹ, tôi biết mình vừa mất một cái gì còn lớn hơn ngay cả mạng sống của mình. Đó là đất nước, quê hương, bè bạn, con đường, tà áo, cơn mưa chiều, cơn nắng sớm, và trên tất cả, hình ảnh mẹ. Không phải những người ra đi là những người quên đất nước hay người ở lại bám lấy quê hương mới chính là người yêu nước. Không. Càng đi xa, càng nhớ thương đất nước, càng thấm thía được ý nghĩa của hai chữ quê hương. Không ai hiểu được tâm trạng người ra đi nếu không chính mình là kẻ ra đi.

    Nói như thế không có nghĩa là tôi hối hận cho việc ra đi. Không, tôi phải đi. Nhưng chọn lựa nào mà chẳng kèm theo những hy sinh đau đớn. Bài hát Sài Gòn Vĩnh Biệt, tôi thỉnh thoảng nghe trên đài VOA khi còn ở Việt Nam như những mũi kim đâm sâu vào tâm thức. Bao nhiêu điều hai ngày trước tôi không hề nghĩ đến đã bừng bừng sống dậy. Bao nhiêu kỷ niệm tưởng đã chìm sâu trong ký ức đã lần lượt trở về. Tự do, vâng, tôi cuối cùng đã tìm được tự do nhưng đó chỉ là tự do cho chính bản thân mình. Những gì tôi đánh mất còn lớn hơn thế nữa.

    Nhớ lại đêm thứ hai trên biển, khi biết chiếc ghe chiều dài vỏn vẹn mười mét rưỡi nhưng chứa đến 82 người của chúng tôi vừa cập vào thành tàu chiến của Mỹ thay vì Ba-Lan hay Liên-Xô như mọi người trên ghe lo sợ, ai cũng hân hoan mừng rỡ. Đám bạn tôi, có đứa thậm chí còn hô lớn “USA, USA” và ôm chầm lấy những người lính hải quân Mỹ đang dang tay đỡ từng người bước lên khỏi chiếc cầu dây đang đong đưa trên sóng.

    Tôi cũng vui mừng, biết ơn và cảm động nhưng không ôm chầm hay hô lớn. Lòng tôi, trái lại, chợt dâng lên niềm tủi thẹn của một người tỵ nạn. Chiếc cầu dây mong manh tôi bám để leo lên chiến hạm, trở thành chiếc cầu biên giới, không chỉ cách ngăn giữa độc tài và tự do, của quá khứ và tương lai, mà còn giữa có quê hương và thiếu quê hương. Tôi nghĩ thầm, cuối cùng, tôi cũng như nhiều người Việt Nam khác, lần lượt bỏ đất nước ra đi mà thôi. Dù biện minh bằng bất cứ lý do gì, tôi cũng là người có lỗi với quê hương.

    Tôi nhớ đến mẹ, người mẹ Hòa Hưng vất vả nuôi nấng bảy đứa con, trong đó tôi là con lớn nhất, trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn. Mẹ tôi bán bánh bèo ở đầu đường để nuôi chúng tôi ăn học. Mẹ tôi tình nguyện đi kinh tế mới ở Sông Bé để các em tôi còn được phép ở lại Sài Gòn học hết bậc phổ thông. Mẹ tôi đi mót lúa, mót khoai gởi về nuôi nấng chúng tôi trong những ngày đói khổ.

    Trong tâm trí tôi, hình ảnh bà mẹ Hòa Hưng, đêm đầu tiên trong căn nhà không vách trên vùng Kinh Tế Mới, khoảng 20 cây số phía nam thị trấn Đồng Xoài vào năm 1976. Cánh rừng vừa được khai hoang vội vã này không ai nghĩ một ngày sẽ được gọi bằng một cái tên rất đẹp, khu Kinh Tế Mới. Kinh Tế Mới là những căn nhà lá mỗi chiều chỉ hơn mười mét do những bàn tay học trò của thanh niên xung phong dựng lên, nối nhau chạy dọc theo cánh rừng hoang.

    Tôi kính yêu me. Mẹ Hòa Hưng là người săn sóc tôi trong những tháng ngày khó khăn nhất của tôi và người đã thôi thúc tôi viết nên bài thơ Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười trong đêm mưa hơn mười năm trước. Tuy nhiên, mẹ của Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười không phải là người đã mang tôi vào cuộc đời này.

    Người mẹ sinh ra tôi đã chết khi tôi còn rất nhỏ. Nhỏ đến nỗi tôi gần như không biết mặt mẹ mình. Trong tuần hoàn của vũ trụ, giọt nước còn biết mẹ mình là mây, chiếc lá còn biết mẹ mình là cây, còn tôi thì không. Tôi là đứa bé cô độc, một con người cô độc, không anh em, không chị em. Tôi lớn lên một mình với cha tôi trong cảnh gà trống nuôi con trong căn nhà tranh nhỏ ở làng Mã Châu, quận Duy Xuyên. Đêm đêm nằm nghe cha kể chuyện thời trai trẻ buồn nhiều hơn vui của đời ông. Những ngày tản cư lên vùng núi Quế Sơn. Những ngày sống trong túp lều tranh dưới hàng tre Nghi Hạ. Và dưới hàng tre Nghi Hạ nắng hanh vàng đó, cha mẹ tôi đã gặp nhau, đã chia nhau ly nước vối chua chua thay cho chén rượu tân hôn nồng thắm. Dù sao, bên khung cửi vải, bên lò ươm tơ, họ đã cùng nhau dệt một ngày mai đầy hy vọng. Mặt trời rồi sẽ mọc bên kia rặng tre già, mặt trăng rồi sẽ tròn bên kia giòng sông Thu, những ngày chiến tranh, tản cư cực khổ sẽ qua đi nhường bước cho hòa bình sẽ đến.

    Nhưng rồi chiến tranh như một định nghiệp, đeo đuổi theo số phận của đất nước chúng ta, đeo đuổi theo số phận của đời tôi. Năm tôi 13 tuổi, chiến tranh đã cướp đi cha tôi, người thân yêu cuối cùng của tôi. Chiến tranh lan tràn đến làng Mã Châu, đẩy tôi ra khỏi xóm lụa vàng thân quen để làm người du mục trên quê hương đổ nát của mình. Từ đó tôi ra đi. Từ chặng đường đầu tiên trên căn gác hẹp trong con hẻm 220 Hùng Vương Đà Nẵng, đến chùa Viên Giác Hội An, xóm nghèo Hòa Hưng, trại tỵ nạn Palawan và hôm nay trên nước Mỹ, nơi cách chặng đầu tiên trong hành trình tỵ nạn của tôi hàng vạn dặm.

    Hình ảnh duy nhất của tôi về mẹ là ngôi mộ đầy cỏ mọc dưới rặng tre già ở làng Mã Châu. Ngày tôi còn nhỏ, mỗi buổi chiều khi tan trường tiểu học, trên đường về tôi thường ghé thăm mộ mẹ. Nhổ những bụi cỏ hoang, trồng thêm những chùm hoa vạn thọ. Tôi ưu tư về cuộc đời và về thân phận của mình ngay từ thuở chỉ vừa năm, bảy tuổi. Tại sao tôi chỉ có một mình? Tại sao mọi người đều lần lượt bỏ tôi đi? Nếu mai mốt ba tôi cũng đi thì tôi sẽ sống với ai? Lớn lên tôi sẽ làm gì? Tại sao đất nước tôi lại có chiến tranh? Những người du kích bên kia sông là ai? Và ở đó những buổi chiều vàng, bên ngôi mộ nhỏ của mẹ, tôi để lòng tuôn chảy những suy tư, dằn vặt đang bắt đầu tích tụ. Từ khi năm bảy tuổi tôi đã linh cảm cuộc đời tôi sẽ là những ngày đầy biến cố. Tôi đã nghĩ đến chuyện một ngày nào đó tôi sẽ đi xa khỏi rặng tre già, khỏi ngôi làng tơ lụa Mã Châu dường như thôn làng nhỏ bé này sẽ không đủ lớn để chứa hết những buồn đau, u uất của tôi. Nếu tuổi thơ là tuổi hồn nhiên với những cánh diều bay, với những con bướm vàng thơ mộng thì tôi đã không có tuổi thơ. Tuổi thơ tôi là một chuỗi ngày ưu tư và chờ đợi một điều gì sắp đến.

    Mẹ tôi qua đời vì bịnh trong một xóm nhà quê nghèo khó nên không có ngay cả một tấm hình để lại cho tôi. Cha tôi thường bảo, tôi giống cha nhiều hơn giống mẹ. Tôi cũng chẳng có cậu hay dì nên tôi lại càng không thể tìm đâu ra được một nét nào của mẹ trong những người thân còn sống. Vì không biết mẹ, nên mẹ trở thành tuyệt đối. Khi nhìn ánh trăng tròn trong ngày rằm tháng Bảy, tôi nghĩ đó là khuôn mặt dịu dàng của mẹ, nhìn nước chảy ra từ dòng suối mát tôi nghĩ đến dòng sữa mẹ, nhìn áng mây trắng bay trên nền trời tôi nghĩ đến bàn tay mẹ, nhìn những vì sao trên dải thiên hà tôi nghĩ đến đôi mắt mẹ. Nói chung, hình ảnh nào đẹp nhất, tinh khiết nhất, thiêng liêng nhất, đều được tôi nhân cách hóa nên hình ảnh mẹ. Vẻ đẹp của mẹ tôi là vẻ đẹp không những tuyệt vời mà còn tuyệt đối.

    Tôi về thăm mộ mẹ lần cuối vào năm 1980 trước ngày vượt biển. Ngôi mộ đầy cỏ mọc hoang vu. Sau 1975, ngay cả người sống cũng không ai chăm nom đừng nói gì chuyện chăm nom cho người đã chết. Hôm đó, tôi ngồi nơi tôi đã từng ngồi trong thời thơ ấu và kể cho mẹ nghe đoạn đời chìm nổi của mình. Tôi nói với mẹ rằng tôi sẽ ra đi khỏi nước và hứa sẽ về dù biết nói như thế chỉ để an ủi hương hồn mẹ mà thôi. Tôi cầu mong mẹ phò hộ cho đứa con duy nhất của mẹ được bình an trong những ngày sóng gió sắp xảy ra.

    Ôi đời mẹ như một vầng trăng khuyết

    Vẫn nghìn năm le lói ở đầu sông.

    Vâng, vầng trăng bên dòng sông Thu Bồn từ đó không còn tròn như trước nữa.

    Ai cũng có một cuộc đời để sống. Nỗi bất hạnh nào rồi cũng nguôi ngoai. Vết thương nào cũng lành đi với thời gian. Tuy nhiên có một nỗi bất hạnh sau bao nhiêu năm dài vẫn còn, đó là bất hạnh của dân tộc Việt Nam. Điều làm tôi đau xót nhiều hơn cả, không phải vì tôi mất mẹ, không phải vì tôi xa mẹ nhưng chính là sự chịu đựng của hàng triệu bà mẹ Việt Nam triền miên suốt mấy chục năm qua, từ chiến tranh sang đến cả hòa bình.

    Trên thế giới này, bà mẹ Nga, mẹ Ý cũng thương con như một bà mẹ Việt Nam. Trong lúc tình yêu của một bà mẹ ở quốc gia nào cũng bao la, cũng rộng lượng, cũng vô bờ bến, tôi vẫn tin một bà mẹ Việt Nam thì khác hơn nhiều. Bà mẹ Việt Nam, ngoài là biểu tượng cho tất cả những nét đẹp của quê hương, đất nước, tình thương, còn là những hình ảnh đầy thương tích, tủi buồn nói lên sự chịu đựng, gian nan, khổ cực không thể nào đo lường hết được. Hình ảnh bà mẹ giăng tấm vải dầu trên một góc đường Trần Hưng Đạo để che nắng che mưa cho bầy con thơ dại đang đói khát. Hình ảnh bà mẹ chết đói sau khi ghe của mẹ đi lạc nhiều tuần trên biển. Hình ảnh bà mẹ chết trong mỏi mòn tuyệt vọng dưới gốc me già trên góc phố Sài Gòn vào một ngày mưa bão. Hình ảnh bà mẹ chết cô đơn trong chiếc thuyền chài nghèo nàn. Tất cả hình ảnh đau thương đó đã trở thành mối ám ảnh thường xuyên trong tâm trí tôi. Ám ảnh nhiều đến nỗi dù viết về bất cứ chủ đề gì, thể loại gì, văn hay thơ, cuối cùng tôi cũng trở về với hình ảnh mẹ. Mỗi bước chân tôi đi trên đường đời mấy chục năm qua vẫn còn nghe vọng lại tiếng khóc của những người phụ nữ Việt Nam bất hạnh, đã khóc trong chiến tranh, khóc trong hòa bình, khóc trong bàn tay hải tặc giữa biển Đông và khóc trên xứ người hiu quạnh.

    Mơ ước lớn nhất của tôi, vì thế, không phải cho tôi mà cho những người mẹ đang chịu đựng, để các mẹ có cơ hội được sống trong một đất nước không còn hận thù, rẽ chia, ganh ghét, một đất nước chan chứa tình đồng bào, một đất nước thật sự tự do, ấm no, hạnh phúc. “Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười” trong một ý nghĩa rộng hơn là ước mơ của tôi, của anh chị, của cô chú và của tất cả những ai còn nghĩ đến sinh mệnh của dân tộc, về một ngày đẹp trời cho đất nước mình.

    Quá nhiều máu và nước mắt đã đổ trên mảnh đất linh thiêng và thống khổ Việt Nam. Mỗi người Việt Nam, hơn bao giờ hết hãy trở về với mẹ như trở về với chính cội nguồn uyên nguyên của dân tộc mình. Trong đêm rằm tháng Bảy này, xin hãy cùng nhau thắp lên những ngọn nến, dù nhỏ, dù đơn sơ nhưng được làm bằng chất liệu dân tộc, nhân bản và khai phóng đã được tổ tiên chúng ta hun đúc sau hơn bốn ngàn năm lịch sử.

    Đời tôi là những cơn mưa dài. Mưa khi tôi rời làng Mã Châu, mưa trong đêm đầu tiên trong căn gác trên đường Hùng Vương Đà Nẵng, mưa dưới gốc đa già ở Chùa Viên Giác, mưa khi tôi vừa đặt chân đến Sài Gòn lần đầu tiên và mưa lớn trong đêm tôi rời đất nước ra đi. Nhưng tôi chưa bao giờ tuyệt vọng, chưa bao giờ cảm thấy cuộc đời là hố thẳm. Tôi không sống trong hôm qua, trái lại mỗi ngày là một chặng đường mới của đời mình. Tôi bình tĩnh đến độ hồn nhiên khi đón nhận những khắc nghiệt đến với đời tôi và tôi rất lạc quan trong khả năng chuyển hóa hoàn cảnh của chính mình.

    Trong cuộc đời này, tôi đã nhiều lần vấp ngã nhưng nhiều người cũng đã giúp vực tôi dậy, lau khô những vết thương trên thân thể và trong cả tâm hồn. Tôi mang ơn xã hội nhiều đến nỗi biết mình sẽ không bao giờ trả hết. Tôi biết ơn những người đã che chở cho tôi và cũng cám ơn cả những người đã dạy tôi hiểu giá trị của gian lao, thử thách. Cám ơn đất nước đã cho tôi được làm người Việt Nam, cám ơn mẹ Duy Xuyên mang tôi đến thế gian nầy, cám ơn mẹ Hòa Hưng nuôi nấng tôi trong những ngày bà con thân thuộc đã ruồng bỏ tôi, cám ơn cây đa già chùa Viên Giác che mát cho tôi suốt năm năm dài mưa nắng.

    Nếu một mai tôi ra đi không kịp viết điều gì, thì đây, những kỷ niệm của một lần ghé lại.

    Trần Trung Đạo

  • Âm Nhạc,  Video

    BẢN THÁNH CA: LỮ KHÁCH BÌNH AN -Văn Duy Tùng  

    LỮ KHÁCH BÌNH AN

               Bình an là một ân huệ cao quý mà Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại. Vì, bình an vừa là trạng thái hạnh phúc sống động lại vừa mang dấu ấn của Chúa Thánh Linh. Thật vậy, khi Chúa Giêsu phục sinh, Ngài chỉ ban cho các tông đồ một “món quà” duy nhất là  “Bình an cho anh em”. (Ga 20,19.20.26)

    Như thế, bình an là cái mà nhân loại luôn luôn khao khát và mong ước đạt đến, thế nhưng nhân loại sẽ không bao giờ đạt được nếu không có Đấng Phục sinh ban bình an. Thánh Luca đã thuật lại : khi Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau với dáng vẻ một lữ khách, nhưng rất bình an, bình an đến độ bình thường nên hai môn đệ không nhận ra Ngài. Khi Chúa lên tiếng hỏi họ : « Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ? » (Lc 24,17). Chưa được câu trả lời thì Chúa đã bị trách là người đứng ngoài cuộc : « Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay » (Lc24,18). Vì là khách nên bàng quang, nên không hay biết chuyện gì, chuyện cả thế gian đều biết riêng chỉ có mình ông là không biết… và vì là khách nên hai môn đệ mới mời Đức Giêsu ở lại: « Mời ông ở lại…» (Lc24, 28).

    Cũng vậy, Thánh Gioan tường thuật, khi bà Maria Macdala đến mồ Chúa, không thấy Chúa, bà khóc lóc; nhưng khi Chúa đứng trước mặt thì bà lại tưởng là người làm vườn (Ga 20,15). Với Maria, Đức Giêsu chẳng những bình thường mà còn rất tầm thường nữa, bình thường như một người làm vườn và tầm thường như một người lấy cắp xác người chết : « Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về. » (Ga20, 15).

    Đức Giêsu, không vì là Đấng ban bình an nên Ngài phải bình an. Nhưng vì Ngài đã yêu đến cùng, yêu đến không còn giữ lại cho riêng mình một khoảng cách, một sự khác biệt nào đó để người khác có thể nhận diện. Ngài trở nên bình thường như một lữ khách, như người làm vườn và tầm thường như một người lấy cắp xác. Tuy nhiên, dung mạo của Đức Giêsu dù là bình thường đến tầm thường đi nữa, nhưng chỉ những ai nhìn ở góc độ tình yêu thì mới có thể nhận ra Ngài. Thật thế, hai môn đệ trên đường Emmau không nhận ra Chúa qua giọng nói, hình dáng, quần áo… mà nhận ra Chúa cầm bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ (Lc24, 30-31). Còn Maria chỉ nghe Chúa gọi “Maria” là đã nhận ra Thầy. Trong tình yêu có những bí mật thật dễ thương là thế. 

    Nếu Đức Giêsu được xem là một lữ khách bình an, thì hai môn đệ của Ngài là những lữ khách không bình an. Hai môn đệ trên đường trở về quê hương với sự thất vọng đến chán chường, thất vọng vì cho rằng  những quyết định của mình là sai lầm, có lẽ các ông tiếc nuối vì đã bỏ công lao, sức khỏe, thời gian đã qua để đi theo một con người và hy vọng người ấy sẽ khôi phục Israel, hy vọng mình sẽ có một chỗ đứng trong vương quốc ấy. Maria cũng thế, chắc hẳn tuyệt vọng lắm, vì chỉ còn cái xác của Thầy thôi mà cũng bị lấy cắp. So với các tông đồ; Maria đơn giản hơn nhiều, bà không hy vọng Thầy khôi phục Israel hay trông đợi Thầy làm việc gì lớn lao vĩ đại, bà cũng không tranh giành chỗ ngồi bên hữu và bên tả Thầy như hai anh em con ông Giêbêđê. Đối với Maria; đơn giản chỉ là tình yêu. Tuy nhiên với bà, tình yêu đối với Chúa Giêsu có phần trở nên ích kỷ, có phần như sở hữu Chúa cho riêng mình, đành rằng bà rất yêu Chúa. Vì thế, Chúa trong tâm trí bà là do bà vẽ nên – một hình ảnh có phần chủ quan mà bà đã yêu thương. Hơn thế, bà muốn giữ mãi tình yêu đó, muốn Chúa ở mãi trong cuộc đời bà theo cách thức của bà, theo một khuôn mẫu bà vạch sẵn… Nhưng Chúa Giêsu là con người cho mọi người và tình yêu của Ngài được dành cho tất cả nhân loại chứ không của riêng ai. Vì Chúa Giêsu không như bà nghĩ, cho nên, dung mạo Chúa Phục sinh đứng trước bà vừa thân thương nhưng lại vừa xa lạ là thế.

    Thế thì, các tông đồ, mỗi người suy nghĩ và muốn Chúa thực hiện chương trình cứu độ của Cha theo cách riêng của mình, nên khi không được như ý thì các ông lại không bình an. 

    Người lữ khách trong bài hát “LỮ KHÁCH BÌNH AN” của tôi là một lữ khách mang dấu ấn của người con được Thiên Chúa yêu thương. Người lữ khách này không đi trên đường về Emmau như hai môn đệ, cũng không trên đường ra mộ Chúa như Maria… mà đang lữ hành trong thân phận làm người, làm con Thiên Chúa của mình, người lữ khách ấy đang lữ hành trên con đường trần gian và đang tiến về miền đất yêu thương vĩnh cửu. 

    Khi viết bài hát này, hơn bao giờ hết tôi đã cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa và cảm nghiệm rất sâu sắc thân phận làm người của mình, một người con đã ngụp lặn trong thân phận bất toàn và đã cảm nghiệm hơn bao giờ hết nỗi bất lực ấy. Với những ước muốn rất là con người, rất ư tầm thường mà tôi đã viết lên ca khúc; không chỉ cho chính mình, mà cho cả anh chị em đang sống xung quanh, những người cùng đang chia sẻ thân phận làm người và làm con Thiên Chúa với mình và khao khát “BÌNH AN”.

    Cũng như hai môn đệ, Maria và các tông đồ… Người lữ khách ấy là tôi, là anh, là nhân loại đang khắc khoải trong cảm giác không bình an của mình. Không bình an vì nhiều nguyên do; với hai môn đệ và các tông đồ, rào cản cho sự bình an là nỗi thất vọng cho một dự tính nhằm vào vương quốc Israel, nhắm vào quyền hành, vào vị thế… rào cản của Maria là một tình yêu không ban phát. Còn tôi, anh và nhân loại… chắc hẳn mỗi người có một vị thế khác nhau trong xã hội, trong Giáo hội nên chắc chắn mỗi người có những rào cản khác nhau khiến chúng ta không bình an.

    Ca khúc thể hiện những cụm từ : tiền tài, danh vọng, kiêu căng, ganh tị và đau khổ… xem ra rất quen thuộc và rất tầm thường ấy nhưng lại là rào cản khó vượt cho những ai khao khát sống bình an. Đặt tâm trạng vào bài hát, sẽ cảm nghiệm những tranh giành ảnh hưởng lên nhau đều bắt nguồn từ mưu lợi; là sức mạnh, là tiếng nói có thế giá của con người, của chế độ. Nó có sức chi phối, thậm chí đè bẹp lên vị thế và nhân phẩm của người khác, khiến Thiên Chúa không còn là nguồn bình an, mà trớ trêu thay, trở thành rào cản cho những toan tính của chúng ta.

    Những toan tính ấy chắc chắn sẽ chi phối, sẽ biến thái tình cảm : “ganh ghét, giận hờn, so đo…”, là những ngôn từ thể hiện bản chất rất là con người của lữ khách. Nhưng lữ khách của tôi ý thức được những điều ấy không đẹp lòng Chúa, cũng chẳng hợp lòng nhau. Có thể thành công của người này lại là thất bại của người khác, hạnh phúc của mình có khi là đau khổ của những anh chị em khác. Vì thế, lữ khách của tôi tìm về nguồn xuất phát của sự bình an là Thiên Chúa. Phó thác như Chúa Giêsu đã phó thác vào tay Cha, yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương, và tha thứ như Chúa Giêsu đã tha thứ… tôi nhận thức rằng, tự bản chất “BÌNH AN” của Thiên Chúa và toan tính của thế nhân sẽ loại trừ nhau. “Bình an” phủ định danh vọng, tiền tài, ganh ghét, giận hờn, kiêu căng hay đau khổ; chúng sẽ không tồn tại bên nhau. Tuy nhiên, vì là con người nên “cỏ lùng và lúa” vẫn phải sống chung trong một ruộng của chủ cho đến ngày tận thế. 

    Còn tôi, là một dân đen, tôi không có tham vọng khôi phục “vương quốc” hay đạt được một vị trí nào đó trong xã hội hay trong Giáo hội… Vì thế, rào cản làm cho tôi không bình an chắc hẳn không phải là tiền tài, vì tôi không có nhiều tiền đến nỗi phải chi phối cuộc sống của người khác, cũng không phải là danh vọng, thế giá, vì tôi có “danh” đâu mà “vọng”, cũng chẳng có vị thế để đứng trên “giá”. Có thể, với tôi là một kiến thức giới hạn, vì có kiến thức là có suy tính, đúng sai, khoa học… và rồi trong tình yêu tôi cũng sẽ phán đoán đúng sai, cách khoa học như thế với Thiên Chúa, với anh chị em quanh tôi. Trong khi thước đo tình yêu là con tim mà con tim thì không cần kiểm chứng bằng khoa học, cũng như thể việc bác ái không cần phán đoán đúng hay sai… Điều mà xem ra rất nghịch lý nhưng lại rất hợp lý đối với tình bác ái, với tình yêu thương…

    Điều chắc chắn là Chúa không bảo tôi – trong xã hội này, hôm nay – yêu đồng loại mà không cần có kiến thức. Nếu như bình an và tính toán loại trừ nhau, thì kiến thức và con tim tồn tại song song bên nhau. Con tim cần có lý trí để thể hiện tình yêu cách phải lẽ. Tình yêu và lý trí bổ sung cho nhau, dung hoà lẫn nhau để tạo lòng bác ái, và để từ đó những lời nói xoa dịu những vết thương lòng, để từ đó phát sinh nghĩa cử, vì như Thánh Giacôbê đã nói : “Đức tin không hành động là đức tin chết”. 

    Xã hội hôm nay có thể nói là một xã hội điện toán, cho nên con người hôm nay là những con người có tính toán; tính như thế nào để có thể tiện lợi, đạt hiệu quả cao nhưng phải rất “nhanh như điện”. Tôi cũng vậy, dù muốn dù không cũng phải sống trong dòng chảy ấy. Và vì thế, trong cuộc sống thay vì tôi phải nằm trong chương trình của Thiên Chúa, phải là công cụ để Chúa điều khiển cho công trình cứu độ của Ngài, phải là người để được Thiên Chúa yêu thương, thì tôi lại đặt Thiên Chúa vào trong chương trình của tôi, vào sự sắp xếp của tôi, tôi chỉ dành riêng cho Chúa một góc trong tâm hồn và một khoảng thời gian giới hạn để gặp gỡ. Nhưng khoảng thời gian gặp gỡ ấy mấy khi được trọn vẹn và ở bên Ngài như ở bên một người xa lạ. 

    Bài hát “LỮ KHÁCH BÌNH AN” thấm đẫm tâm hồn tôi, vì những tính toán xem ra rất nhỏ nhoi ấy lại là rào cản rất lớn cho bước chân tôi đến với Chúa, đến với với tha nhân. Lời của ai đó làm tôi nhớ mãi : « Đừng thấy nhỏ nhoi mà tưởng trong nó thứ gì cũng nhỏ ». Thật vậy, tội nhỏ mà tôi thường gọi là tội nhẹ, cũng như những tật xấu cỏn con mà tôi xem thường, thật ra, có sức công phá mãnh liệt, và nếu không lưu tâm sẽ có thể làm tôi quỵ ngã bất cứ lúc nào. 

    Lời bài hát như vừa là một lời thầm nguyện cầu, như vừa khắc khoải sâu lắng từ trong cõi thâm sâu của tâm hồn, như vừa là một bài học nhắc nhở tôi luôn ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa là suối nguồn bình an. Nơi ấy, tôi học được bài học phó thác, yêu thương; tôi hiểu được Thiên Chúa sẽ hoàn tất công trình cứu độ của Ngài trên sự yếu đuối, bất toàn của tôi và của anh chị em sống bên tôi.

    Xin mời Bạn cùng với tôi, chúng ta hãy bắt đầu nhón gót để làm người “LỮ KHÁCH” bước đi trong “BÌNH AN” cuộc đời. 

    Xin mở link youtube dưới đây để nghe bài hát LỮ KHÁCH BÌNH AN qua giọng hát của nam danh ca Phan Đinh Tùng, và diễn ảnh do Trúc Tiên thực hiện : https://youtu.be/8JMb6HTO1lA

     Văn Duy Tùng