• Văn Thơ Lạc việt

    TRANG ĐẶC BIỆT MỪNG GIÁNG SINH 2023 – NEW YEAR 2024

    NOEL CẢM LUỴ. –CAO MỴ NHÂN

    Đứng trên đỉnh cầu vồng

    Người có nhớ gì không

    Hay một trời dĩ vãng 

    Đã tan ra thành sông

    *

    Dòng sông cuộc đời xưa

    Nước mắt đầy như mưa

    Người vương thương khổ luỵ 

    Trên những chuyến đò trưa 

    *

    Đã ở thật xa xôi 

    Cuộc tình cũng chơi vơi

    Mười năm trôi mộng mị

    Bài thơ viết không lời 

    *

    Noel cuối thật  buồn 

    Đón Chúa vào linh hồn 

    Rồi bay theo huyễn cảm 

    Cùng nỗi  sầu sắt son 

    *

    Người đi, xin bái biệt 

    Bồng bềnh lúc chia tay 

    Mười năm hương nguyền tắt 

    Sót lại nỗi đau này …

    CAO MỴ NHÂN (HNPD)

      19 – 12 – 2023

    NGƯỜI ĐI MÙA  X. MAS.  – CAO MỴ NHÂN

    Người đi mùa Xmas

    Hoa nở cuối đường xa

    Nắng lung linh bát ngát

    Bỏ sau lưng ước mơ

    *

    Ôi, ước mơ cuộc đời

    Của người thì nhỏ thôi

    Mà sao đầy gian khổ

    Với mãi chẳng tới nơi

    *

    Người không có bạn bè

    Gia đình luôn cách trở

    Ngôi nhà như hồn mộ

    Tháng năm dài bơ vơ

    *

    Người đi mùa Xmas

    Tìm vui giữa tha nhân

    Có gì đâu thương nhớ

    Niềm tin thật xa xăm

    *

    Người đi mùa Xmas

    Bạn tình ơi trăm năm

    Tình buồn ơi chất ngất

    Khói cuộn lên không trung…

    CAO MỴ NHÂN (HNPD)

        20 – 12 – 2023

    NHỮNG MÙA GIÁNG SINH TRONG KÝ ỨC.

    Nguyễn Hoàng Quý.

    Làng quê nơi tôi sinh ra là một vùng bán sơn địa thuộc thung lũng Quế Sơn, địa danh một thời nổi tiếng trong các trận qiao tranh giữa một bên là quân giải phóng và một bên là quân đội Đồng minh & VNCH. Quế Sơn ở phía Nam Đà Nẵng, cách  chừng 60km, ở Tây Nam Hội An cách chừng 40 – 50km.

    Thập niên 50 thế kỷ trước, ở quê tôi không hề thấy những Nhà Thờ Thiên Chúa Giáo, chỉ rải rác vài chùa Phật giáo, đa số là các Thánh thất Cao Đài ở nhiều xã trong quận.

    Những năm học tiểu học, 1956 – 61, mỗi năm đi học được nghỉ lễ “Bấc” một tuần, cứ ngỡ là gió bấc. Lớn dần thì hiểu ra đó là Lễ Phục Sinh (Pâques). Con nít, nghỉ học là vui nên không quan tâm mấy, cũng không nhớ có nghỉ Noen hay không, nghỉ ít hay nhiều ngày vì mãi đến năm 1960, làng tôi mới có một Nhà Nguyện Công Giáo. Nhà Nguyện dựng trên đất nhà anh Năm Sắc con bà Luân, vách tranh, lợp tranh. Không rõ nơi này quy tụ được bao nhiêu người tới cầu nguyện theo lễ nghi Công giáo vì với đầu óc một cậu bé lên mười, điều chú ý không phải là việc này. Điều còn nhớ được là có một linh mục ở tỉnh về giúp đỡ mọi việc thời gian đầu, anh Năm Sắc xưng với ông là “Cha”, vợ con anh cũng xưng là Cha, Bà Luân, mẹ anh không đồng ý và nói rằng: “Nếu con và vợ con xưng với ông này là Cha thì dứt khoát các con của con phải xưng là “ông nội”!”.Chuyện hoàn toàn có thật, không mảy may thêu dệt vì người dân quê, khi chưa hiểu, dễ dị ứng với những cái mới.

    Phải đợi đến cuối thập niên 60, khi tôi lên Đà Lạt học năm đầu đại học tôi mới có nhận thức tương đối đầy đủ về LỄ NÔ – EN, NGÀY GIÁNG SINH khi thành phố này có nhiều trường Công Giáo, nhiều Nhà Thờ, bạn bè tôi là con Thiên Chúa, Đại học Đà Lạt nơi tôi học là trường Công Giáo. Khi nhà Thờ Con Gà, Domaine de Marie, nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, các xóm đạo từ số 6 vào Thánh Mẫu đều trang trí mừng Giáng sinh, lòng mình rộn lên những cảm giác vui tươi khi nhìn và nghĩ đến câu: “Sáng danh Thiên Chúa trên Trời/ Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Có một lần anh em tôi vào nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế đêm 24.12, được nghe từ đó tiếng đàn harmonium dạo bài “Đêm Thánh vô cùng” (Silent night – Holy night) và bài “Hang Bêlem”. Tiếng đàn thoát ra từ bên trong bức tường đá của Nhà Thờ rất tuyệt. Chỉ đến sau này, có lần đến Nhà Thờ Kỳ Đồng Sài Gòn cũng đêm Giáng Sinh mới được nghe lại, y hệt, dù ở đây ồn ào hơn do xe cộ chạy qua.

    Về Huế, tôi được tiếp xúc với Linh mục Trần Thắng Trung là tuyên úy Công Giáo, về sau Cha về quản lý Tòa Giám mục, tôi gặp  Soeur Marie de Bernard, Soeur Jean du Calvaire Kim Thúy. Hai chị tu dòng Saint Paul, làm việc thiện nguyện ở BV Trung Ương Huế. Cha Trung và các chị vốn có giao tình với chị ruột tôi ở Đà Nẵng từ trước nên coi tôi như con – em, luôn dành cho những tình cảm yêu thương và ai cũng muốn tôi “trở lại đạo”. Có lẽ tôi không nhận được sự quan phòng của Thiên Chúa nên dầu ngày ấy, tôi đi lễ chúa nhật với người bạn cùng phòng ở ký túc xá, đọc Thánh Kinh, tôi vẫn chỉ dừng lại ở việc nhận Hồng Ân của Người. Vào cuối tháng 12, khi thời tiết bên ngoài rất đẹp, trời không còn mưa, có ngày nắng vàng trải trên khóm cây các sân nhà thờ đã trang trí thông Nô – en, máng cỏ, hang lừa lòng tôi vẫn rộn lên những nao nức và nghĩ đến việc dọn mình chờ đợi đón mừng ngày Chúa Giê su Ki tô chào đời.

    Đến nhà thờ xem lễ Giáng Sinh, nghe Phúc Âm, nghe Thánh Ca cũng như nghe các Cha giảng, tôi thấy lòng mình thanh thoát, những bài giảng của các Cha luôn giúp ích cho việc bảo tồn trật tự xã hội khi con chiên thực hiện đúng 10 điều răn của Chúa. Tôi cũng đã dự một vài Thánh lễ cưới của người thân, Thánh lễ luôn đem lại cho mình cảm giác vui mừng cho hạnh phúc của cô dâu chú rễ nhất là khi giáo luật có những điều ràng buộc họ với nhau để biết nhẫn nhịn trong cuộc sống hàng ngày theo kiểu “Chồng giận thì vợ bớt lời. . . “.

    Khi ra trường đi dạy, tôi có vài lần dự lễ mở tay của học trò cũ ở ngay chính giáo xứ mình sinh ra, tôi mặc complet, thắt cravat như đi họ đám cưới vì, cũng giống như dự lễ khấn của các nữ tu (khấn tạm, khấn lại, khấn trọn đời) đều không khác lễ cưới của người ngoại đạo. Có lần tôi dự Thánh lễ nửa đêm ở Nhà Thờ Đồng Dài, cách nhà chừng 15km. Lễ xong về dự tiệc canh thức ở nhà riêng của Chủ tịch Hội Đồng Giáo xứ có Cha chánh xứ và các chức sắc nhà thờ cùng tham dự. Tất cả những việc này và còn nhiều nhiều nữa đã luôn nằm ở một ngăn đẹp trong tủ đựng những kỷ niệm đời mình. Do vậy, cứ đến đầu tháng 12 hàng năm là bao nhiêu kỷ niệm với đất, với người trỗi dậy để thấy mình trẻ lại và lòng mình ấm áp.

    Cha mẹ tôi thờ Ông Bà, về sau, tôi tìm hiểu đạo Chúa, tuổi trung niên, tôi tìm hiểu đạo Phật, đọc sách Phật và sống theo giới luật của một Phật tử nhưng trong tôi luôn có một Đấng Toàn Năng chi phối mọi con người. Với tôi, đấng Toàn Năng đó là Thiên Chúa Ba Ngôi, luôn yêu thương và cứu chuộc trần gian.

    Nguyễn Hoàng Quý

  • Tin Buồn: Phân Ưu,  Trang Tưởng Niệm TH Thích Tuệ Sĩ,  Văn Thơ Lạc việt

    Trang Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ

    VĂN THƠ LẠC VIỆT khóc người hiền

    THÍCH TUỆ SỸ sư đã thoát phiền

    Cầu nguyện Người về nơi Phật Quốc

    Độ trì dân Việt hết truân chuyên…

              Văn Thơ Lạc Việt

    Kính Tiễn Hoà Thượng Tuệ Sỹ

    Gió lạnh thu sầu lá ngập hiên

    Tin buồn Hoà Thượng đã nằm yên 

    Nhà thơ đạo pháp ban lời ngọc

    Tu sĩ kinh từ khỏa bút nghiên 

    Cốt cách oai nghi ngài đạt diệt 

    Tâm tư vững chải bậc tham thiền 

    Nhân quyền giải thưởng tùy duyên hợp 

    Phật quốc cao đăng đấng thánh hiền 

               Minh Thúy Thành Nội 

                 Tháng 11/24/2023

    Tiếc Thương Thầy Tuệ Sỹ

    Người đã đi về phương trời xa thẳm

    Thịt da người máu đỏ thấm chân đi

    Tư tưởng người trái tìm còn nóng bỏng

    Vì tha nhân còn ảo vọng sân si.

    Ánh hào quang chiếu sáng thời hiện tại

    Tuyệt tác văn chương chứng tỏ nhân tài

    Đức khiêm nhường tự cho mình nhỏ bé

    Lúc đêm khuya vằng vặc ánh sao mai.

    Để một thoáng nơi trần gian tạm trú

    Cánh hạc bay rồi đến tận chân mây

    Thầy Tuệ Sỹ vĩnh hằng nơi chín suối

    Lòng bồi hồi chưa kịp nói chia tay.

    Tiếng kinh cầu âm vang nơi cửa Phật

    Mái chùa cong bóng dáng vị sư già

    Thích Tuệ Sỹ người hiền từ chân chính

    Xác thân này xin phủ áo cà sa.

    Tế Luân

    Thành kính phân ưu

    Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ

    KÍNH TIỄN THẦY THÍCH TUỆ SỸ

    *

    Một đóa huỳnh sen mới rũ tàn

    Đau buồn Phật tử khắp nhân gian

    Viện Tăng Thống giữ tài danh kiệt

    THÍCH TUỆ SỸ còn đức tiếng vang

    Học giả văn chương từng rực rỡ

    Giáo sư dịch thuật đã huy hoàng

    Thầy đi kính tiễn – tâm hương gửi

    Cực Lạc người về hưởng phước an

         Phương Hoa – NOV 25 2023

    THÀNH VIÊN VĂN THƠ LẠC VIỆT NGÂM THƠ THẨY TUỆ SỸ VÀ THƠ SÁNG TÁC KÍNH DÂNG THẦY TRONG BUỔI TƯỞNG NIỆM THẦY THÍCH TUỆ SỸ TẠI NHÀ HÀNG CHAY DI LẶC

    VE-THAY-TUE-SY-KMD1

    ĐIẾU THI BÁI BIỆT

    Nam mô nhất niệm chí thành Hồng ân Tam Bảo:

    Giữa dòng đời thành trụ hoại không,

    Như bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông;

    Theo mưa dầm nước lũ,

    Trời đất đã sang Đông.

    Báo tin đầy thương tiếc:

    Hòa thượng Thiền sư Tuệ Sỹ,

    Sau 81 năm trụ thế, 74 mùa bản hạnh viên dung,

    Trí tuệ, từ bi pháp thân hư huyễn,

    Vừa theo mây nước ra đi:

    “Lời tiễn biệt nói gì sau tiếng hát,

    Hỏi phương nào cho nguyện ước Trường Sơn.”

    Nhớ hương linh xưa…

    Thầy đã đến và đã ra đi từ vạn cổ,

    Mỗi kiếp đời là một bước uyên nguyên:

    Tiểu kiếp kia mặc áo hồ cừu,

    Tiểu kiếp nầy mặc áo cà sa,

    Tiểu kiếp nọ mặc hoàng bào…

    Muôn tiểu kiếp vạn ta bà thế giới,

    Hơn bảy mươi năm trước,

    Chú Thương vượt Trường Sơn tìm nẻo Đạo,

    Paksé, Nam Lào, Quảng Bình, Lao Bảo…

    Núi thẳm, rừng thiêng, truông dữ, mặc đèo cao:

    Vĩnh quyết, nhất tâm, nương mình Phật đạo.

    Thắng duyên một thuở,

    Nơi xứ Huế trầm lắng, đơn sơ,

    Mà được xem là kinh đô Phật giáo.

    Bởi mái chùa và viện chủ là… Ôn:

    “Ôn” là Ông mà cũng là ôn nhu, ôn hòa, ôn nhã, ôn hậu, ôn tồn…

    Đem ân pháp truyền thừa cho sa di 7 tuổi đời là Tuệ Sỹ.

    Tuệ thông thái mà phát huy danh Sỹ,

    Nên uyên thâm tài trí song toàn,

    Đại tạng, hàn lâm, nội điển, kinh tàng…

    Hán, Phạn, Pháp, Anh, Nhật, Đức… ngữ văn,

    Quán thông triệt giữa trường văn thế đạo.

    Thích Tuệ Sỹ:

    Tuổi đôi mươi (1964) đã tốt nghiệp đại học Phật giáo,

    Tuổi thanh xuân (1970) thành giáo sư đại học        

     do những công trình nghiên cứu uyên thâm.

    Tuổi trung niên: Một cõi tài hoa văn đàn thi phú,

    Biên và dịch nhiều danh phẩm Đông Tây kim cổ…

    Đạo và đời tương tác nhân văn.

    Chiên đàn hương hỷ lạc,

    Vườn hoa tâm thơm ngát là thơ.

    Lời phiêu hốt bi hùng như sóng cả…

    Giấc mơ Trường Sơn và những chân trời tuyệt lạ,

    “Yêu rừng sâu nên khóe mắt rưng rưng”

    Lịch sử sang trang,

    Sư về bên cổ tích.

    Từ tâm trong thế cuộc can qua,

    Sách vở văn chương một thời xa lạ,

    Nhân thế trông nhau qua những cặp kính màu.

    Một thân thế một tâm hồn bên góc trời miên viễn,

    Không ẩn tàng mà xuất xử với năm châu.

    Cửa Thiền không khép,

    Giữa cuộc bể dâu.

    Thời thế, thế thời, thế thái biết về đâu;

    Bát Nhã xuất ly; Đại Bi nhập thế,

    Cõi tâm hư thao thiết tìm cầu:

    Là tu sĩ không chỉ nguyện cầu,

    Là thi nhân thơ càng dậy sóng…

    Là học giả tay không nghìn phương trượng,

    Quyết dấn mình ngọc bối vớt nông sâu.

    Nước trong không sợ vương tay,

    Cây ngay không tày chết đứng;

    Nên đã trải qua mấy bờ sinh diệt,

    Nắng dọi, Thu về, vĩnh kết vẫn hôm nay!

    Thầy Tuệ Sỹ,

    Hòa thượng thiền sư Tuệ Sỹ,

    Nhà thơ  học giả Tuệ Sỹ,

    Nhiều tên gọi một phiến đời kẻ sĩ,

    Đã trùng trùng nối tiếp bước chân qua.

    Nhậm vận thịnh suy – thăng trầm thành bại,

    Giữa vàng thau lẫn lộn cõi Ta Bà.

    Và cứ thế phiêu linh vời vợi,

    Cứ an nhiên như đã về đã tới!

    Xuất thì vui hồn nhiên như ngày mới,

    Xử thì hoàn không về quán niệm cõi Tây Phương.

    Thầy vừa mới đó…

    Chiều êm vắng tiếng dương cầm tịch tĩnh,

    Và hôm nay vân hành Bồ Tát Đạo,

    Vạn lý du bước tiếp cuộc hành trình,

    Bọt nước bèo mây như như hoa đóm,

    Mắt nhắm mơ hồ thư pháp rọi kinh xưa.

    Có chín phẩm hoa sen làm nụ cười phụ mẫu,

    Hiển bày sen nở thấy Phật trọn niềm vui,

    Bồ tát viên dung là bạn lành.

    Cuộc đời là quán trọ,

    Nẻo về là thiên phương.

    Nên trong Nẻo Về dặn dò giải thoát:

    “Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn,

    Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về?”

    Chân không diệu hữu,

    Thầy vừa ra đi như bóng mây bay qua,

    Sư tử hống Trường Sơn uy nghi rừng thẳm,

    Nắng xế trăng tà không lại hoàn không.

    Theo diệu lý Khổ, Duyên, Không;

    Tam pháp ấn Thế tôn truyền dạy.

    Đường về Bến Giác thuần thanh tịnh.

    Tứ chúng tri ân bái biệt Thầy.

    Pháp quyến, môn đồ,

    Thiện hữu, thiền duyên…

    Tiếp dẫn pháp hành vãng sanh Cực Lạc,

    Chí tâm đồng niệm:

    Nam mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

    Nguyên Thọ

    A-1-Trang-Tuong-Niem-Hoa-Thuong-Thich-Tue-Sy-11-25-23-copy-2

    HUYEN-THOAI-VE-THAY-TUE-SY-KIEU-MY-DUYEN

  • Minh Thúy

    MÙA GIÁNG SINH ẤM Á

    Mấy hôm nay trời lạnh ngắt, tê cóng tay chân nhưng tôi cũng phải siêng năng đi shopping rảo nơi này, kiếm nơi kia những thứ vừa túi tiền để làm quà Noel đã gần kề. Đường phố tấp nập, xe cộ nghẹt đường. Dù kinh tế khó khăn, vật giá leo thang vùn vụt, công việc lao đao khó kiếm, nhưng không ai dám bỏ lỡ ngày lễ quốc tế lớn với phong tục ông già Noel tặng quà cho trẻ con, mà sau này mọi người còn tặng quà cho nhau nữa. Ngày lễ chính cũng là kỷ niệm ngày cưới của tôi tính đến nay đã gần bốn mươi năm chung sống cùng nhau.
    Bày các thứ mua trên sàn nhà, nhìn bảng giá mỗi thứ tôi mỉm cười. cỡ nào cũng có thể mua quà: có tiền ít mua gift card $10 cà phê starburst, mua kẹo sô cô la giá nào cũng có. Tôi tìm kéo, dao, giấy hoa mân mê gói từng món quà, vừa gói vừa cho tâm hồn quay về chuyến tàu kỷ niệm …
    Giai đoạn đầu tiên đến Mỹ, cả gia đình nhà chồng cùng ở chung một nhà. Số tuổi lớn bắt tay vào việc làm, số em trẻ đi học xa. Vùng Fremont lúc đó chỉ có vài ba nhà Việt Nam ở gần, cuối tuần họ qua chơi, nhiều lúc nấu món này món kia đến biếu. Đầu óc tôi lúc đó sao mà quá ngây thơ, chỉ mơ ước được ở nhà, sắm áo dài thỉnh thoảng đi dự tiệc, nhưng mới vừa qua ngày trước thì ngày sau em chồng đã chở tôi vào làm tiệm bánh Pháp gia đình hùn mở. Sáng theo xe khi trời mờ tối và lúc về cũng tối mờ. Trời lạnh cóng chị hàng xóm đem biếu tôi chiếc áo ấm dày. Vài tuần sau tôi mua chả đến biếu và cám ơn lòng tốt anh chị này, gặp lúc vợ chồng đang cãi vã nhau. Anh kể chuyện “cả gia tài có được ba ngàn, vợ tôi không cất ở nhà mà bỏ vào túi áo măng tô đi chợ, giờ bị mất rồi, chán lắm chắc phải ..ly dị thôi” chị vợ phân trần đôi điều mặt buồn xo. Chồng tôi khuyên lơn “tản tài hơn tản mạng, của đi thay người, tiền sẽ kiếm lại được”. Tôi mở đôi mắt to tiếc rẻ số tiền quá lớn, không thể tưởng đối với tôi. Ra về tôi thì thầm bên chàng “Trời ơi em mà có số tiền như vậy khỏi cần làm gì hết”, Chàng trề môi “ ở Mỹ này ai cũng đi cày hết, rồi cô sẽ thấy: có ba ngàn đòi năm ngàn và không biết khi nào là đủ đâu”
    Đám cưới tôi vào đêm 24 tại nhà. Các em trai họ bên chồng từ LA lên, các em đang còn đi học nhưng rất chân tình, nói với tôi “ em có $10 chị muốn món quà gì em mua”, tôi thấy cảm động vì các em đang nghèo “chị qua được Mỹ là có gia tài lớn rồi, em còn đi học thiếu thốn cực nhọc đừng mua gì hết, đường xa lái xe lên đây chung vui với chị là quý lắm rồi “.
    Khi có công việc thì đâm ghiền vì mỗi nửa tháng nhận tấm check tăng đầy sinh lực đóng tiền nhà, tiền ăn tiêu và gởi chữ hiếu về cha mẹ anh em.
    Ngôi nhà ở đường Costa Way vùng Fremont là kỷ niệm quý giá đầu tiên tôi đặt chân lên đất Mỹ. Mẹ chồng tôi hy sinh nấu ăn cho con cái đi cày. Căn nhà có bốn phòng, sửa thêm hai phòng dưới Garage xe, anh em làm nhiều giờ khác nhau, tuy đông người nhưng cũng ít gặp mặt nhau. Cuối tuần con cái được nghỉ bày nấu nướng cơm hến, bún bò, phở, cháo xúm nhau ăn vui vẻ. Gia đình gồm mười một người con, dần dần lập gia đình ra riêng, nhưng vẫn sum họp ngày chủ nhật hoặc kỵ giỗ, xem như căn nhà đó là ngôi Từ Đường thờ cúng từ đời ông bà Cố trở xuống.
    Lần lượt cháu nhỏ ra đời, con dì, con cậu, con chú, con cô lứa tuổi nào chơi với lứa tuổi đó. Vì luôn họp mặt nơi ngôi nhà Từ Đường nên các cháu rất thân thiết như anh chị em ruột. Có khi các cháu qua nhà thím này, mợ kia ở lại để chơi chung anh em họ và ngược lại. Chúng nhắn tin cho nhau hẹn gặp gỡ xem cine, hoặc về nhà ông bà nội ngoại, gọi pizza ngồi chuyện trò ăn chung. Lớn dần các cháu đi học phương xa, cháu nào tốt nghiệp vẫn ăn mừng đông đủ. Giờ đây các cháu liên lạc chung cả nhóm, có lần hẹn hò qua New York dự sinh nhật cháu khác làm việc bên đó, chơi suốt tuần gởi hình ảnh vui nhộn về, người lớn cảm thấy hài lòng thỏa mãn về sự thành công của lớp trẻ, bù đắp biết bao nhiêu công lao khó nhọc, hy sinh vì con.
                Mùa lễ nhớ biết bao nhiêu kỷ niệm trên đất Mỹ. Soạn card Noel gởi mợ bên Pháp, bạn Mỹ lúc làm chung nơi Company Kyle Design, vài người thân thích và bà Marilyn Evans. Lòng tôi không khỏi ngậm ngùi về ông chủ Tom Evans nay đã mất, chỉ còn lại bà đến mùa Noel chúng tôi nhận được tấm card lời lẽ ấm áp. Đã hơn ba mươi năm, thời gian qua vùn vụt. Nhớ ngày nào khi chồng tôi vừa học vừa làm part time cho hãng tư nhân nhỏ, một hôm bị đau ruột thừa dữ dội phải vào bệnh viện mổ và nghỉ dưỡng nửa tháng, tưởng ông bà thuê người khác nhưng không. Họ gởi hoa chúc lành, nhắn chồng tôi đến trao tấm check nửa tháng lương cho không, và dặn chồng tôi tiếp tục làm những công việc nhẹ. Mỗi năm chúng tôi được mời dự tiệc Noel nơi nhà hàng sang trọng trên vùng Berkeley. Thời gian này tôi làm cho company Kyle Design trên đường Industrial đang còn mướn chỗ nhỏ vùng Hayward, tôi đậu xe ngoài xa đi bộ vào. Khoảng đường đó có hàng cây rậm lá um tùm,  nên mỗi ngày xe tôi đều bị chim thả “bông trắng” đầy trên trần. Xe lại bị bộ phận nơi máy mỗi lần đề cho nổ phải chờ tới 15 -20 phút, nếu vài phút chạy thì máy tắt. Lần đó tiệc lễ Giáng Sinh tổ chức đêm thứ sáu, tôi không kịp rửa xe để vậy chạy luôn. Nhà quê lên tỉnh cả hai người, chưa quen lối quý phái sang trọng, tới nơi có người đứng chào xin chìa khoá lái xe đi đậu parking, vào trong có người đến xin áo khoác ngoài đem đi treo nơi khác. Ngồi một bàn dài ông bà chủ và nhân viên, thưởng thức nhạc sống hoà tấu và tiệc sang trọng. Lúc trở về cũng đứng trước tiệm chờ người lái xe đến, tôi hồi hộp lo lắng tài xế không hiểu bệnh của chiếc xe, chắc họ cũng toát mồ hôi hột, và nếu họ nhìn kỹ một tí sẽ thấy phân chim bao trùm chiếc xe đời thượng cổ. Đó là kỵ niệm nhớ hoài mỗi khi nhắc lại đều không khỏi nhịn cười. Chúng tôi thừa hưởng rất nhiều quà bà Marilyn cho sau mùa lễ: bánh, kẹo sô cô la,
    có lúc cả áo jacket mới toanh. Chồng tôi làm cho ông bà Tom ăn tiệc được hai mùa lễ, rồi đổi job và ông bà cũng sang hãng góp cổ phần sáp nhập vào công ty lớn. Bà Marilyn vẫn chưa quên,  chúng tôi còn nhận đều đặn tấm card Noel từ vùng  Moraga gởi đến.
    Đang gói các món quà và viết card chúc Giáng sinh, năm mới. Chồng tôi bước xuống chợt nhắc
    – nấu bún bò cho Boss Kyle nữa
    – dĩ nhiên mà, đang tính ngày mai đi chợ mua các thứ nấu đây.
    Nói đến boss Kyle nơi tôi đã làm việc trên ba mươi năm, nơi có câu chuyện sẽ rất dài, dài hơn con đường có hàng cây bóng mát trên vùng Livermore che chở cuộc sống của tôi. Gần gũi Boss tôi học được những đức tính chịu khó, kiên nhẫn và lối sống vô cùng giản dị, thân mật gần gũi. Mỗi mùa Noel tôi được nhận quà bằng số tiền thưởng rất lớn trên dưới ba ngàn, và nghỉ một tuần qua Tết Tây được ăn lương. Bà và hai con gái rất mê món bún bò, mì hoành thánh tôi nấu, nên bây giờ tuy đã về hưu nhưng đến mùa này tôi vẫn nấu gởi lên.
    Những mùa Lễ Giáng Sinh trôi qua trên đất nước Hoa Kỳ, con cháu đại gia đình thật vui nhộn, đầm ấm hạnh phúc. Thức ăn mỗi người một món theo kiểu Potluck để ngập bàn. Đêm thiêng liêng, không ai có thể quên Chúa Giê -su sinh ra đời, đêm Chúa xuống thế. Một đêm thần diệu đối với trẻ con được thỏa mãn ước mơ, và loài người được nhận thông điệp của hoà bình “Vinh danh Thượng Đế trên cao, bình an cho người dưới thế”. Ngày của sự sum vầy, gia đình yêu thương gắn bó hơn, mùa của sự rộn ràng chờ đợi, đâu đâu cũng nghe bài hát “ Jingle Bells” Đêm Noel, đêm Noel, ta hãy cùng vui lên ….Chúng tôi cảm tạ Chúa, sau đó ăn uống, chớp hình, hát Karaoke và tán gẫu. Mục sau cùng phát quà, cháu nào cũng dùng bao rác cỡ lớn chứa quà, bởi toàn bộ cô bác chú dì là mười một người chưa kể nhân đôi dâu rể. Hiện nay có thêm hai Chắt nữa, tổng cọng hai mươi mốt trẻ, chỉ tiếc ông bà cố đã qua đời. Số lớn nay đã ra trường đủ ngành nghề :Y, Dược, Luật, Y Tá, MBA (Quản Trị Kinh Doanh), Accounting Management, Kỹ Sư, chỉ Nha Sĩ là không có, tuy nhiên cũng có cháu thất bại trầm trọng, và một cháu bị bịnh Autism (tự kỷ), còn lại hai cháu đang học đại học.
    Tôi thấy hơi đau lưng, đứng dậy vươn vai, quay qua nói với chồng
    – Mấy năm sau này mình giảm phần quà rất nhiều vì các cháu lớn đã có lương cao jop vững: chỉ tượng trưng hộp kẹo sô cô la , mấy cháu còn đi học cho tiền, hai cháu nhỏ gọi bằng bà cho quần áo, nên đã tăng tiền Homeless bên Mõ Nhân Ái của ông Lê văn Hải, (chủ nhiệm tờ báo Thằng Mõ) và nơi nhà thờ thuộc vùng Richmond mình vẫn gởi từ lâu.
    Chồng tôi gật đầu hoan nghênh
    – Đúng rồi, bà tính vậy hay đó
    Nghĩ tới ông Lê văn Hải cũng là hội trưởng của cơ sở Văn Thơ Lạc Việt. Tôi vô cùng kính trọng cách sống hài hoà của ông, tấm lòng rộng rãi tràn đầy bác ái luôn nghĩ đến những người Homeless, thường tổ chức phát thức ăn và quà hàng tháng, chưa kể còn chia sẻ tình nghĩa với huynh đệ đời lính. Ông thường nói “ Nếu bạn không biết cho đi, đồng nghĩa với việc bạn sẽ không biết thế nào là hạnh phúc”.
                   Qua Mỹ hai bàn tay trắng, bao nhiêu người sống chung một ngôi nhà, chỉ có vài chiếc xe cũ rích. Giờ đây đã có mười lăm ngôi nhà và mấy chục chiếc xe. Đất nước này cho chúng tôi nhận quá nhiều, những ông bà Boss Mỹ đầy ân tình, cuộc sống văn minh lịch sự dìu dắt, hướng dẫn chúng tôi từng bước, che chở hơn hai phần ba cuộc đời, tập tánh siêng năng phấn đấu để bây giờ tuổi già được nuôi dưỡng tiền hưu cũng như có bảo hiểm cover 80%, chúng tôi mua thêm 20% bên ngoài nữa, chỉ thua những người ăn tiền già được bảo bọc 100%, không tốn đồng nào.
                                                                 *********
    Tôi đã làm xong các công việc gói quà, gởi card và nấu bún bò cho Boss.
    Ngày lễ đến, đường phố toàn hình ảnh các ông già Noel xuất hiện. Trước những ngôi nhà trang trí màu sắc lộng lẫy, nơi này chưng hình chú Nai vàng lấp lánh, nơi kia giăng đèn trên các cành cây trước sân đủ màu xanh, đỏ, vàng, tím. Khung cảnh tràn đầy ấm cúng phủ bớt cái lạnh se thắt trong không gian. Đại gia đình chúng tôi tụ họp nơi nhà người em. Cây thông lấp lánh những quả châu, hoa tuyết trang trí, quà chồng cao vui mắt, thức ăn, thức uống đầy bàn.
    Tuy gia đình chúng tôi theo đạo Phật, nhưng đêm lễ thiêng liêng…chúng tôi nguyện thầm “Lạy Phật, lạy Chúa …chúng con xin cảm tạ đêm hôm nay có được sự sum họp gia đình đầm ấm. Các cháu nhắc chữ “ Emmanuel” (Thiên Chúa ở cùng chúng ta). Im lặng để biết ơn Phật Chúa, biết ơn cha mẹ, biết ơn thầy cô, biết ơn những anh Thương Phế Binh, những người lính VNCH, biết ơn nước Mỹ, “Biết Ơn Đời, Đời Sẽ Thương Ta” như cuốn sách của Dr Robert A Emmons đã cho tôi cảm nhận niềm diễm phúc đêm nay…đêm Noel.
                                                                                  Minh Thúy Thành Nội
                    Lễ Giáng Sinh 2023

  • Cao Mỵ Nhân,  Thơ

    NHỮNG NGƯỜI QUEN CŨ – CAO MỴ NHÂN

    NHỮNG NGƯỜI QUEN CŨ. – CAO MỴ NHÂN 

    *

    Những người quen cũ bỏ mùa xuân 

    Tháng chạp buồn tênh lúc hạ tuần

    Khi ánh dương pha mầu diễm ảo 

    Trên từng hoa lá nỗi bâng khuâng

    *

    Ta nhìn nhau, bỗng thấy không vui

    Như có chi mang vẻ ngậm ngùi 

    Tuổi tác xa thêm mùa lỡ hẹn 

    Ngập ngừng kỷ niệm muốn chôn vùi 

    *

    Ngó quanh trời đất rộng thênh thang

    Tiếng kệ lênh đênh ngỡ nhạc vàng

    Không khí ấm hơn ngày giã biệt 

    Từ đi sông núi thoáng mơ màng

    *

    Những người quen cũ ở chân mây

    Đứng đợi hoàng hôn thăm thẳm đầy

    Chợt tiếng ho khan văng vẳng gọi 

    Phút giây còn lại đếm trên tay…

    *

    CAO MỴ NHÂN (HNPD)
       18 – 12 – 2023

  • Văn Thơ Lạc việt

    VNA-TV: CHƯƠNG TRÌNH VĂN THƠ LẠC VIỆT CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2023 & MỪNG TÂN NIÊN 2024

    Thể theo thông lệ như mọi năm, chiều nay DEC 13/2023 – tai phòng thu nhà anh cố vấn VTLV Chinh Nguyên, Chủ Tịch Lê Văn Hải cùng Ban Điều Hành và các thành viên nòng cốt của Văn Thơ Lạc Việt lên sóng VNA-TV chúc mừng Giáng Sinh và năm Mới 2024 tới đồng hương khắp nơi. Sau khi chủ tịch Lê Văn Hải lên gửi lời chúc mừng xong thì mỗi người đều trao gủi những lời chúc mừng ấm áp. Minh Thúy và Phương Hoa ngâm hai bài thơ do chính tác giả sáng tác. Kính mời quý vị theo dõi trên làn sóng VNA-TV vào vài ngày tới.

    Mời theo dõi tiếp ngày mai….

    MỪNG GIÁNG SINH & NEW YEAR 2024-

    CHÚC XUÂN GIÁP THÌN

    *

    VĂN THƠ LẠC VIỆT chúc mừng

    GIÁP THÌN Xuân Mới tưng bừng khắp nơi

    NĂM RỒNG thế giới tràn vui

    Hòa bình thịnh vượng rạng ngời câu ca.

    CHÚC thọ đến quý cụ già

    CHÚC tươi trẻ đẹp các bà các cô

    CHÚC nhà kinh doanh tiền vô

    CHÚC văn thi sĩ ….đầy bồ văn chương

    Phương Hoa – DEC 13, 2023

  • Nguyen Thuan Long

    NHƯ MỘT LỜI TRI ÂN NGƯỜI LÍNH VNCH

    1. Trong một lần về quê dự giỗ tộc cách đây nhiều năm, năm 1995, tôi được gặp anh Phan. Giỗ tộc là dịp để con cháu nội ngoại trong tộc tụ tập về lễ bái nhớ ơn tổ tiên và cũng là dịp để bà con gặp gỡ thăm viếng nhau mà sinh kế đã buộc họ đi xa làm ăn sau một hoặc nhiều năm. Anh Phan là cháu ngoại của tộc, mẹ anh là bà con xa bên tộc tôi. Điều gắn kết giữa anh với anh chị em tôi ngoài về mặt huyết thống còn vì anh là một thương binh VNCH ngày xưa.

    Anh bị đạn vào đùi khi đang mang lon hạ sĩ chỉ 3 tháng trước ngày mất miền Nam. Đang điều trị và dưỡng thương thì bị đuổi khỏi quân y viện khi “quân giải phóng vào tiếp quản”. Về quê trong tình trạng chân chưa lành, chỉ còn lại một chân với đôi nạng gỗ, bị làng xóm “vùng giải phóng” đố kị, miệt thị là thử thách không nhỏ với anh. Ruộng tốt được hợp tác xã chia hết cho dân nên anh chỉ nhận vài sào đất xấu và thiếu nước. Tôi đi làm xa về nghe anh chị mình kể rằng anh phải ra cuốc ruộng với một chiếc ghế, một cặp nạng và một cái cuốc. Đặt ghế trên ruộng, ngồi lên đó và cuốc ngày này qua ngày khác để trồng lúa kiếm cơm bằng một nghị lực phi thường đáng nễ.

    Rồi Trời Đất thương, chân anh khôi phục dần dà và mùa màng thu hoạch tốt đã giúp anh có thêm niềm tin vào cuộc sống để cùng với vợ lo cho bầy con. Trong nhà, chỉ mình anh đi lính cộng hòa, mẹ và vợ con anh ở lại “vùng giải phóng” với bữa đói bữa no. Anh về như có thêm trụ cột để vực kinh tế gia đình lên, tránh được nạn thiếu đói triền miên hàng năm.

    2.  Người Việt xa quê dù ở bất cứ đâu, nhất là ở ngoại quốc đều luôn luôn hướng về đất nước, về cội nguồn dân tộc. Ở đó họ có bà con, gia đình, mồ mả tổ tiên và kỷ niệm. Tôi biết có nhiều người luôn chắc chiu từng đồng tiền kiếm được để gửi về giúp đỡ. Xa hơn, họ nghĩ về những đồng đội ngày xưa, vợ con những người đã mất và những người còn sống đã không may gửi lại chiến trường một phần thân thể. Do vậy, từ rất lâu, ở ngoại quốc có những tổ chức cứu giúp thương phế binh và quả phụ tử sĩ VNCH bằng các chương trình quyên góp, các hoạt động gây quỹ như một nhà văn viết về chiến tranh Việt Nam ở hải ngoại đã dùng tiền tác quyền xuất bản các tác phẩm của mình gửi tặng quỹ. Một cách để chia sẻ với đồng đội mình vì anh cũng từng là người cầm súng, việc làm rất đáng trân trọng và cảm phục. Tôi cũng được biết có lúc tiền quyên góp gửi về đã đến tay nhiều đối tượng này qua Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế SG dù luôn bị chính quyền làm khó dễ, cản trở.

    Khi Vườn rau Lộc Hưng ở quận Tân Bình Sài Gòn bị cưỡng bức giải tỏa, rất nhiều nạn nhân ở đây là gia đình TPB VNCH, họ cũng đã dược nhiều cá nhân, tổ chức đem tiền đến giúp đỡ. Qua truyền thông, tôi được biết có người không dư dật gì nhưng cũng dành dụm tiền để tổ chức một chuyến đi thăm Đà Lạt vài ngày cho vài anh thương phế binh từng sống ở Lộc Hưng.

    Tất cả những nghĩa cử trên đều thể hiện một tấm lòng: lòng biết ơn đối với những người lính ngày xưa đã có nhiều cống hiến để bảo vệ chính nghĩa VNCH.

    Tôi đi làm ăn xa quê nhưng biết làng tôi có hai anh dân vệ, một lòng với chế độ VNCH ngày xưa sống quá cực khổ, anh chị tôi đã xin tiền những bà con, bạn bè ở Mỹ, thỉnh thoảng đem đến biếu họ dù không nhiều lần và số tiền mỗi lần chỉ dưới 100USD. Do vậy, thương anh Phan, tôi cũng có ý xin tiền giúp anh từ các tổ chức, họ yêu cầu gửi tên, địa chỉ, số quân và đơn vị cuối cùng trước 1975. Tôi làm đúng theo yêu cầu nhưng không có phản hồi và đành bỏ cuộc. Sau này về thăm lại, thấy nhà anh khang trang do con cái làm ăn có tiền nên tôi không còn nghĩ đến chuyện này nữa,

    3.  Giả sử một người cầm súng từ năm 1974 lúc 20 tuổi, họ phải sinh từ 1954 và nay đã gần 70. Vậy thì những người lính cũ sinh trước đó đã quá già, số người còn sống không nhiều. Viết bài này tôi chỉ mong ước rằng, việc thắp sáng lòng biết ơn Quân đội VNCH trong người Việt nhất là thế hệ F1 ở hải ngoại luôn luôn là việc đáng làm. Mọi quyên góp gửi về giúp đỡ anh em TPB là việc vô cùng cần thiết và an ủi cho tuổi già của họ. Giúp đỡ cho các gia đình cô nhi quả phụ cũng quan trọng và cần thiết không kém. Đó chính là cách để chồng, cha của họ an nghỉ ngàn thu nơi chín suối. Một việc khác người viết cũng ước ao là được thấy tiền quyên góp được còn dùng vào một việc khác cần thiết tương tự là: ngoài số tiền cấp dưỡng đều cho các cháu nên chăng chúng ta dành một khoản học bỗng và phần thưởng để khuyến khích những cháu học giỏi, nổi trội. Làm được việc này sẽ có tác dụng giúp các cháu tự hào về những đồng đội xưa của cha ông mình và biết phải làm gì cho đất nước, cho ngọn cờ cha ông cháu đã chiến đấu, trong tương lai, một mai khi các cháu trưởng thành.

    Sài Gòn, nhân ngày mất của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu.

    NGUYỄN THUẬN LONG

  • Thái Lan

    Chùm Văn Thơ THAILAN

    SAU NÀY… SẼ – 

    tháilan dịch

    Hãy đọc qua bài viết thật hay sau đây của *BOUCAR DIOUF*   bạn nhé!

    ***

    Ôi, vừa mới bắt đầu một ngày… và rồi bây giờ đã là sáu giờ chiều rồi kia.

    Vừa mới ngày thứ hai, mà nay lại thứ sáu rồi.

    … và lại hết một tháng,

    …và rồi lại một năm trôi qua.

    … Và rồi thế là 40, 50, hay 60 năm trong đời của ta đã đi qua rồi.

    …Và rồi ta nhận ra rằng ta đã không còn cha mẹ, bạn bè nữa rồi.

    …. Thế rồi ta nhận ra rằng bây giờ đã thật sự quá muộn để trở lui … Thế thì

    …  Dù sao đi nữa, ta cũng hãy cố gắng tận dụng làm tất cả những gì có thể được với thời gian còn lại…

    Ta hãy luôn tìm kiếm những sinh hoạt mà ta yêu thích…

     Hãy làm những ngày tháng u buồn ảm đạm của ta sáng loáng sinh động lên…

    Ta hãy mỉm cười với những sự việc nhỏ nhặt thường gặp trong cuộc sống, chúng sẽ mang hương thơm vào tâm hồn chúng ta.

    Và dù sao đi nữa, ta cũng vẫn phải tận hưởng khoảng thời gian còn lại của ta một cách thanh thản.

    Bây giờ bạn hãy cùng tôi loại bỏ những điều” sẽ làm sau này” nhé:

    *Lát nữa* tôi sẽ làm …

    *Lát nữa* tôi sẽ nói…

    Tôi sẽ suy nghĩ *sau*…

    Ta hoãn lại tất cả mọi việc để sau này sẽ làm , cứ như thể  “*sau này*” là thuộc về quyền của  chúng ta.

    Bởi vì, điều mà ta không hiểu, đó là:

    *Lát nữa*, thì tách cà phê sẽ nguội đi mất..

     *sau này*, những việc ưu tiên sẽ không còn như trước..

    *sau này*, nét duyên dáng đã bị thời gian tàn phá..

    *sau này*, sức thanh xuân đã qua đi…

    *sau này*,  con cái đã trưởng thành

     *sau này*,  cha mẹ lại già thêm..

     *sau này*,  những lời hứa hẹn đã bị lãng quên..

     *sau này*, ban ngày đã thành ban đêm …

    *sau này*, cuộc sống sẽ kết thúc..

    Và *sau này*, luôn thường là quá muộn..

    Thế nên…Ta đừng hẹn bất cứ việc gì để mai sau rồi thực hiện..

    Bởi vì nếu như lúc nào cũng chờ đợi để lát nữa hay mai sẽ làm,

    có thể chúng ta sẽ bị mất đi những giây phút quý báu nhất,

    những kinh nghiệm có ích nhất,

    những người bạn tốt nhất,

    gia đình lý tưởng nhất…

     Ngày phải thực hiện là ngày hôm nay… Thời khắc là ngay bây giờ đây..

    Chúng ta không còn ở lứa tuổi mà ta có thể cho phép mình được hoãn lại đến ngày hôm sau việc gì cần phải được thực hiện ngay tức khắc.

    Về việc làm, hay đối với bạn bè, với anh chị em, với gia đình.

    Thế thì, nào ta hãy xem thử bạn có thì giờ để đọc thông điệp này không, và sau đó có chuyển đến bạn bè hay không nhé.

    Hoặc là có thể , biết đâu, bạn sẽ để…”* chút nữa đi, sau này đi, từ từ đã*”…

    Và rồi bạn sẽ “* không bao giờ*” chuyển đến cho ai cả… …. 

    Boucar Diouf – tháilan dịch

    =============

    TÔI ĐÃ RẤT LO SỢ– 385 chữ

    Tôi đã rất sợ phải ở một mình, cho đến khi..

    Tôi học được cách tự yêu thương mình.

    Tôi đã rất sợ  thất bại, cho đến khi…

    Tôi nhận ra rằng tôi sẽ thất bại nếu như tôi không gan dạ dám làm.

    Tôi sợ rằng tôi sẽ bị gạt bỏ, cho đến khi …

    Tôi hiểu ra rằng tôi phải có lòng tự tin vững chắc

    Tôi đã rất sợ sự đau đớn, cho đến khi…

    Tôi hiểu rằng ta cần phải đau xót mới mong khôn lớn được

    Tôi đã rất sợ sự thật, cho đến khi…

    Tôi khám phá ra dối trá là xấu xa đến độ nào.

    Tôi đã rất sợ sự chết chóc, cho đến khi…

    Tôi học được rằng đó không phải là sự kết thúc, mà chính là một giai đoạn khởi thủy.

    Tôi đã rất sợ sự hận thù, cho đến khi…

    Tôi nhận thức được rằng thù hận chung quy chỉ là sự ngu muội dốt nát.

    Tôi rất sợ bị người khác chế giễu, cho đến khi…

    Tôi học được cách mình tự nhận ra những điều buồn cười ở chính bản thân mình.

    Tôi rất sợ bị tuổi già xâm chiếm, cho đến khi…

    Tôi hiểu được rằng càng ngày tôi càng có thêm sự khôn ngoan.

    Tôi rất sợ mọi người sẽ nghĩ thế nào về mình, cho đến khi…

    Tôi nhận ra rằng cho dù tôi có làm gì đi nữa thì họ cũng đã có lời phê bình về tôi rồi.

    Tôi đã rất sợ quá khứ, cho đến khi…

    Tôi hiểu ra rằng tôi không bị tổn thương vì những ngày đã qua nữa.

    Tôi đã rất sợ bóng tối, cho đến khi…  

    Tôi đã nhìn thấy ánh sáng của một ngôi sao rực rỡ diệu kỳ như thế nào.

    Tôi đã rất sợ sự đổi thay, cho đến khi…

    Tôi thấy được rằng ngay cả con bướm đẹp nhất cũng phải qua một kỳ biến thái.

    Cho dù cuộc sống của chúng ta ngày càng phong phú hơn, và nếu như chúng ta cảm thấy sờn lòng…

    Thì bạn ơi, ta hãy nhớ rằng, cuối cùng, luôn luôn có thêm một điều gì đó và điều ấy tuyệt hơn rất nhiều.

    KHUYẾT DANH – TháiLan dịch

    ======================

    MƯỜI BA ĐIỀU RĂN CHO CUỘC SỐNG

     Khiếm khuyết lớn nhất: Sự Sợ hãi

    Ngày đẹp nhất: Hôm nay

    Điều dễ thực hiện nhất: Bị Sai sót

    Lầm lẫn tai hại nhất:  Từ bỏ

    Khuyết điểm lớn nhất: Lòng Ích kỷ

    Môn giải trí hay nhất: Công Việc.

    Sự phá sản tệ hại nhất: Nản chí

    Thầy cô giỏi nhất: Con cái.

    Nhu cầu quan trọng nhất: Lương tri

    Cảm xúc hèn hạ nhất:   Lòng ghen tị

    Món quà đẹp nhất : Sự tha thứ

    Tri thức rộng lớn nhất : Thượng Đế

    Điều đẹp nhất trên đời: Tình yêu.

    KHUYẾT DANH – TháiLan dịch

    Dưới Bóng Cây Tần Bì  (Sous les frênes – HENRY GRÉVILLE)- TháiLan dịch

    Hai người đang đi chầm chậm trên lối đi hẹp bằng đất thỉnh thoảng có những con đường mòn xanh mơn mởn cắt ngang, mà cứ hai năm một lần những xe đẩy chở cỏ khô hoặc lúa mì lại ùa vào những đám hoa cúc và cỏ. Những cơn mưa gần đây đã tạo thành từng vũng ao nhỏ ở những đoạn lồi lõm; nhưng ở phần giữa đường, đầy bụi bặm và rải rác có dấu vết móng ngựa, thì khúc đường cũng khá rộng để hai người có thể sánh đôi.

    – Vậy là nàng không đồng ý phải không?

    Anh thanh niên hỏi một cách gượng gạo, đôi mắt nhìn xuống đất và ngón tay quay quay một cọng yến mạch dại. Cô gái vẫn im lặng. Ôi, sao anh ấy có thể tàn nhẫn khi nói rằng chính cô là người không muốn! Tại sao trong những ngày tháng dài như thế mà anh không đoán được chính anh là người mà nàng yêu?

    Cô cúi đầu xuống và cầm góc tạp dề màu xanh lên, mân mê, cuộn tròn rồi lại thả ra trong đôi tay run rẩy của mình để tỏ ra không lúng túng, cũng giống như anh xoay vòng cọng cỏ của mình để có thái độ vững vàng.

    – Có thật là nàng không muốn? Nàng có nhớ không, chúng ta đã cùng nhau Rước Lễ Lần Đầu, nàng không còn nhớ gì sao?

    Cô liếc nhìn tháp chuông nhỏ nhô lên trên hàng rào rồi lại nhìn con đường, bây giờ đám bụi dày đặc đã tạo thành một tấm thảm nhung.

    – Thời đó nàng đã yêu tôi rất nhiều, – anh tiếp tục nói một cách cay đắng – nhưng trái tim em đã thay đổi: lúc đó em nói là không thể sống mà không có tôi bên cạnh; rồi sau đó, em đã không còn thích thú khi nhìn thấy tôi nữa.

    Cô không nói gì; đôi má cô bỗng ửng hồng thêm lên; anh nghĩ cô sẽ nói điều gì, nhưng cô vẫn im lặng, và tiếp tục đi bên cạnh anh.

    Con đường trở nên hẹp hơn, những nhánh cây tần bì và những cây cỏ đang giăng qua đầu họ. Một ngày ảm đạm, êm dịu, thật ngậm ngùi đang đến với họ, len lỏi qua những tán lá, và những tia nắng mặt trời vừa mới nhảy múa dưới chân họ trên con đường được lót bằng thảm cỏ hoang, ở đó hầu như không còn nhìn thấy những con đường mòn nữa.

    Anh tiến lại gần hơn và nắm lấy góc tạp dề mà không chạm vào bàn tay run rẩy của cô gái.

    – Vâng, tôi nghĩ rằng em đã yêu tôi; tôi đã nghĩ rằng hai chúng ta sẽ dành cả cuộc đời bên nhau; gia đình em không giàu có, tôi cũng chẳng khá hơn; điều này chẳng ảnh hưởng gì đến chúng ta cả, đúng không nàng? Dù thế nào đi nữa, chúng ta vẫn hạnh phúc bên nhau, chỉ cần trong gia đình ta có tình yêu là đủ? Nhưng em đầy tham vọng, tôi hiểu rồi, em chỉ muốn giàu có và trở nên nghiệp chủ, chắc hẳn là thế; em rất sợ phải sống trong nghèo khó… Ôi! Nếu tôi suy nghĩ như em, về phần tôi, giờ này tôi đã kết hôn, đã có một cô vợ bên tôi rồi! Nhưng rồi tôi tự nhủ: Ta sẽ chỉ kết hôn với người ta yêu, và tôi đã tự hứa với mình như thế, không sai vào đâu được! Còn em, trái tim của em muốn tìm kiếm một nơi khá hơn, có địa vị hơn, phải không? Em muốn vươn lên khỏi vị trí hiện tại của em, đúng không?

    Anh buông góc tạp dề ra và bực bội nhìn cô. Những người nông dân gặt lúa đang mài lưỡi hái của họ ở cánh đồng cỏ bên dưới; ta có thể nghe thấy tiếng cối xay đang xoay đều đặn trên dòng sông nhỏ. Một điệp khúc của một đoạn hát vượt qua không gian đang mơn man trên đầu họ, và tan nhanh trong bầu khí tháng sáu nóng rực…

    – Ôi chàng của em! – cô gái thốt lên, vừa đặt cả hai tay lên vai chàng, và nhìn anh bằng đôi mắt sâu thẳm, đẫm lệ – em vẫn luôn yêu anh, nhưng anh chưa bao giờ nói lời nào, và sáng nay cha đã hứa gả em cho một người khác, chàng ơi chàng!

    Cô buông lơi hai bàn tay một cách chậm chạp, chán chường xuống chiếc yếm… Trên kia những tia nắng óng ánh đổi màu đang nhảy múa qua những chiếc lá, và họ đứng đó, bất động, chỉ biết nhìn nhau, lòng mang một nỗi tuyệt vọng khôn cùng; và ở một nơi xa xăm, một gã nào đó vô cùng hạnh phúc đang hân hoan ngân lên bài ca thánh thót, xuyên qua cỏ cây núi rừng, vang rền, bay bổng trên đầu hai người đau khổ.

    TháiLan dịch

  • Phong Châu

    Hội Què Mù Điếc

    Luật trời đất: đến cơn già lão
    Lắm kẻ buồn, ảo não sầu bi
    Rời nhà nửa bước ra đi
    Mang theo cây gậy nó thì giúp cho
    Chống thật vững không lo té ngả
    Lăn giữa đường tá hỏa tam tinh
    Đâu rồi sức lực bình sinh
    Của thời trai trẻ tận tình rong chơi…
    Lại có kẻ khơi khơi bị điếc
    Nói bên tai chẳng biết điều chi
    Nên đành thả tiếng cười khì
    Lời mây tiếng gió mấy khi chạnh lòng
    Lúc họp mặt bạn đồng trang lứa
    Ngồi bên nhau mấy đứa lắng nghe
    Âm thanh những tiếng rè rè
    Chừng như tiếng nhạc nhiều bè hòa âm
    Đôi lúc tưởng ầm ầm gió thổi
    Chừng hiểu ra thấy nỗi đắng cay
    Tai sao cái lỗ tai này
    Tiếng to tiếng nhỏ mà mày chẳng nghe
    Lại có kẻ te te bước tới
    Ngả lăn đùng thì mới biết ra
    Mắt ta nay đã gần lòa
    Đất trời nghiêng ngả biết là nơi đâu
    Chân què, mù, điếc như nhau
    Cùng nhau lập hội bạn bầu đôi khi
    Bỏ ngoài những thị phi thiên hạ
    Bạn bè vui xuân hạ thu đông
    Đất trời một cõi mênh mông
    Hơn nhau một chữ “Thong Dong” tuổi già…
    Khà khà khà…

    Phong Châu
    Ngày 7 tháng 12- 2023

  • Sưu Tầm,  Thái Lan

    SƯU TẦM – THÁI LAN – Bài Thơ Được Ghép Bởi 250 Bản Nhạc Vàng

    Quê em BIỂN MẶN dừa xanh

    Sóng tình HOA BIỂN dỗ dành người thương

    KIẾP NGHÈO một nắng hai sương

    LỐI VỀ XÓM NHỎ cuối đường cầu tre

    Đượm nồng TÌNH THẮM DUYÊN QUÊ

    Rung rinh GÁNH LÚA hẹn thề đêm trăng

    NẮNG CHIỀU khói toả lều tranh

    Vài con BƯỚM TRẮNG lượn quanh liếp cà

    HƯƠNG THẦM còn mãi TÌNH XA

    BUỒN VƯƠNG MÀU ÁO còn ra nỗi này

    CON THUYỀN KHÔNG BẾN có hay

    THU SẦU, CHIỀU TÍM tháng ngày đơn côi

    TRĂNG MỜ BÊN SUỐI ngàn đời

    Sao MÙA THU CHẾT còn rơi rớt nhiều

    ĐÈN KHUYA một bóng cô liêu

    MÙA THU CÒN ĐÓ tình yêu ngỡ ngàng

    ĐÒ CHIỀU chưa tiễn người sang

    NỔI LÒNG sao biết THIÊN ĐÀNG ÁI ÂN

    TRÚC ĐÀO rụng khắp đầy sân

    DUYÊN QUÊ mong gặp một lần cho vơi

    NỔI BUỒN HOA PHƯỢNG trong đời

    DẤU CHÂN KỶ NIỆM một thời học sinh

    Và TRANG NHẬT KÝ riêng mình

    Làm sao có được chuyện TÌNH THIÊN THU

    CÔ ĐƠN nhìn GIỌT MƯA THU

    Nghe như TUYẾT LẠNH âm u sao đành

    Lật từng LƯU BÚT NGÀY XANH

    Thấy như LỆ ĐÁ vây quanh NỖI NIỀM

    SẦU ĐÔNG chẳng phải của riêng

    BÓNG CHIỀU TÀ nhạt, PHỐ ĐÊM hững hờ

    ĐÒ CHIỀU chở mấy LÁ THƠ

    KHUNG TRỜI TUỔI MỘNG, TÌNH BƠ VƠ sầu

    Ôi NHỮNG ĐÓM MẮT HỎA CHÂU

    NỦA ĐÊM NGOÀI PHỐ nhuốm màu thê lương

    MONG NGƯỜI CHIẾN SĨ sa trường

    Vào trong CÁT BỤI gíó sương không sờn

    Để ai GIẤC NGỦ CÔ ĐƠN

    NGƯỜI ĐẸP YÊU DẤU, DỖI HỜN phòng the

    Từng đêm TRĂNG SÁNG VƯỜN CHÈ

    TRĂNG MỜ BÊN SUỐI nghe se sắt lòng

    CÔ ĐƠN, TÌNH NHỚ, phòng KHÔNG

    NGHÌN TRÙNG XA CÁCH nhớ mong ngập trời

    NẮNG CHIỀU giăng sợi đơn côi

    GIỌT MƯA TRÊN LÁ khóc đời hợp tan

    Bao giờ em bước SANG NGANG

    GIỌT LỆ SẦU khóc CHIỀU HOANG VẮNG người

    GA CHIỀU, NHƯ GIỌT SẦU RƠI,

    TẦU ĐÊM NĂM CŨ biết NGƯỜI VỂ đâu

    XÓM ĐÊM, TRĂNG RỤNG XUỐNG CẦU

    TÌNH BUỒN biến SẮC HOA MÀU NHỚ thương

    Cho em ĐÔI BÓNG bên đường

    Chung HAI LỐI MỘNG một phương trời hồng

    Sá gì ẢO ẢNH, ĐÊM ĐÔNG

    NỔI BUỒN GÁC TRỌ chờ mong ngày về

    NGĂN CÁCH, MẤY DẬM SƠN KHÊ

    ĐƯỜNG XƯA LỐI CỦ trăng thề còn đây

    Tình yêu CHIẾC LÁ THU PHAI

    LÂU ĐÀI TÌNH ÁI không xây một mình

    Từ ngày XẾP ÁO THƯ SINH

    ANH ĐI CHIẾN DỊCH đăng trình nặng vai

    NGẬM NGÙI cửa đóng then gài

    NGƯỜI YÊU CỦA LÍNH không phai má đào

    Lỡ khi BIẾT TRẢ LỜI SAO

    TÌNH CHÀNG Ý THIÊP ai sầu hơn ai

    Đượm nồng TIẾNG SÁO THIÊN THAI

    KHÔNG BAO GIỜ CÁCH NGĂN hai mai đầu

    Một lòng ĐỪNG NÓI XA NHAU

    NGƯỜI YÊU LÝ TƯỞNG trọn câu vẹn thề

    Rồi MỘT MAI QUA CƠN MÊ

    HAI VÌ SAO LẠC đi về BẾN MƠ

    VẮNG XA vẫn mãi ĐỢI CHỜ

    Để em viết tiếp BÀI THƠ CUỐI CÙNG

    Có ai THƯONG VỀ MIỀN TRUNG

    QUÊ NGHÈO sỏi đá khốn cùng điêu linh

    Lòng như KHÚC HÁT ÂN TÌNH

    Trãi dài QUÊ MẸ nắng bình minh vui

    MƯA TRÊN PHỐ HUẾ sụt sùi

    CHO NGƯỜI TÌNH LỠ bùi ngùi vấn vương

    VỀ ĐÂU MÁI TÓC NGƯỜI THƯƠNG

    NƯẢ ĐÊM NGOÀI PHỐ lòng TƯƠNG TƯ sầu

    Dẫu rằng HAI ĐỨA GIẬN NHAU

    Vẫn không như thể QUA CẦU GIÓ BAY

    Một lần TỪ GIÃ THƠ NGÂY

    Là em NHƯ CÁNH VẠC BAY mất rồi

    Dẫu cho CAY ĐẮNG, TÌNH ĐỜI

    NGƯỜI EM SẦU MỘNG tuyệt vời yêu anh

    Ân tình GẠO TRẮNG TRĂNG THANH

    Làm sao NƯỚC MẮT LONG LANH cạn dòng

    Bây giờ TRÊN ĐỈNH MÙA ĐÔNG

    NGƯỜI EM XÓM ĐẠO chỉ mong một điều

    Thương em HÃY NHỚ NHAU NHIỀU

    Hãy xin LÝ LUẬN TÌNH YÊU thế nào

    Cũng xin đừng VẪY TAY CHÀO

    TÌNH YÊU TRẢ LẠI TRĂNG SAO thật buồn

    MỘT LẦN DANG DỞ đau thương

    THA LA XÓM ĐẠO thánh đường bơ vơ

    Hằng đêm QUÁN NHỎ ĐỢI CHỜ

    Ôm SẦU LẼ BÓNG vần thơ bẽ bàng

    Còn đâu HOA SỨ NHÀ NÀNG

    Gặp em trở lại CÔ HÀNG XÓM xưa

    Còn đâu HUYỀN THOẠI CHIỀU MƯA

    NHỮNG NGÀY THƠ MỘNG đón đưa hẹn thề

    Em SAO KHÔNG THẤY ANH VỀ

    MIỀN TRUNG THƯƠNG NHỚ tái tê lạnh nhiều

    ĐÊM TÀN BẾN NGỰ cô liêu

    AI RA XỨ HUẾ hắt hiu tháng ngày

    Ôi chao THÀNH PHỐ MƯA BAY

    KHÓC NGƯỜI TRINH Nữ đắng cay tình đời

    HAI PHƯƠNG TRỜI CÁCH BIỆT rồi,

    NGẬM NGÙI cắn chặt bờ MÔI TÍM màu

    BAO GIỜ TA GẶP LẠI NHAU

    NỖi BUỒN HOA PHƯỢNG giọt sầu ly tan

    Anh XIN TRẢ LẠI THỜI GIAN

    ĐƯA EM VÀO HẠ thênh thang vùng trời

    THÔI thì ANH BIẾT EM ƠI

    DƯ ÂM ngày MỘNG SẦU đời khó quên

    CĂN NHÀ MÀU TÍM êm đềm

    MỘT TRỜI THƯƠNG NHỚ làm nên CHUYỆN TÌNH

    NÉT BUỒN THỜI CHIẾN điêu linh

    Ráng đi em CHUYỆN CHÚNG MÌNH qua mau

    TÌNH ANH LÍNH CHIẾN địa đầu

    Trao em ÁO ĐẸP NÀNG DÂU mai này

    CHIỀU MƯA BIÊN GIỚI có hay

    ĐÊM BUỒN TỈNH LẺ tháng ngày héo hon

    TÌNH YÊU CÁCH BIỆT mõi mòn

    SAO ANH LỖI HẸN em còn đơn côi

    Ngày MAI ANH ĐI XA RỒI

    ĐÒ TÌNH LỠ CHUYẾN bờ môi nhạt nhoà

    TÀU ĐÊM NĂM CŨ mấy toa

    BIỆT LY như CHUYỆN TÌNH HOA TRẮNG tàn

    NỖi LÒNG mang tận quan san

    Là như vai nặng HÀNH TRANG GIÃ TỪ

    Phương này VẦNG TRÁN SUY TƯ

    Xem như PHÚT CUỐI, TẠ TỪ TRONG ĐÊM

    Mà SAO EM NỠ ĐÀNH QUYÊN

    RỪNG CHƯA THAY LÁ, GỌI TÊN BỐN MÙA

    Tiền đồn THÁNG SÁU TRỜI MƯA

    Trọn tình thương nhớ CHO VỪA LÒNG EM

    Trở về MỘT CHUYẾN BAY ĐÊM

    VÙNG TRỜI NGÀY ĐÓ càng thêm mặn nồng

    TẠ ƠN, TRĂNG SÁNG ĐỒI THÔNG

    CƠN MÊ TÌNH ÁI phiêu bồng LÃNG DU

    Ngõ hồn lạc lối VƯỜN THU

    MỘT ĐÊM KHÔNG NGỦ ngục tù con tim

    Ngày mai anh BIẾT ĐÂU TÌM

    LINH HỒN TƯỢNG ĐÁ im lìm bơ vơ

    Đắm chìm BIẾT ĐẾN BAO GIỜ

    CHUYỆN NGƯỜI ĐAN ÁO đợi chờ đêm đông

    Xin em ĐỪNG TRÁCH DIÊU BÔNG

    BUỒN VƯƠNG MÀU ÁO má hồng chưa phai

    Sao em NHƯ TIẾNG THỞ DÀI

    NGHẸN NGÀO đắng GIỌT LỆ ĐÀI TRANG tuôn

    Để cho TỪ ĐÓ EM BUỒN

    NẾU MAI ANH CHẾT chim muôn gọi đàn

    TÌNH YÊU VỖ CÁNH băng ngang

    GA CHIỀU PHỐ NHỎ đèn vàng xót xa

    TÌNH NGHÈO mang KIẾP CẦM CA

    ĐIỆU RU NƯỚC MẮT phòng trà từng đêm

    THỀM TRĂNG còn đọng môi mềm

    GIỌNG CA DĨ VÃNG buồn thêm nản lòng

    Cho em BẢY NGÀY ĐỢI MONG

    SAO ANH KHÔNG ĐẾN phòng không cuối tuần

    Anh còn VỌNG GÁC ĐÊM SƯƠNG

    CHIỀU MƯA BIÊN GIỚI còn vương giặc thù

    Khuyết Danh

    (Thailan Sưu tầm từ VMQH 23.04.2023)

  • Tin tức

    Tưởng Niệm Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn (1936 – 2023)

    Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn sinh tại huyện Gia Lâm thuộc tỉnh Bắc Ninh (về sau đổi thành quận Gia Lâm tỉnh Hà Nội) và di cư vào Nam năm 1954.

    Ông đóng góp nhiều sáng tác văn học nghệ thuật dưới nhiều dạng: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói, bút ký. Tác phẩm Áo mơ phai đoạt Giải Văn học Nghệ thuật của Việt Nam Cộng hòa năm 1973.

    Nguyễn Đình Toàn viết nhiều truyện dài đăng thành nhiều kỳ trên các báo chí Việt Nam Cộng hòa như tạp chí VănVăn Học và các nhật báo như Tự DoChính LuậnXây dựng, và Tiền Tuyến.

    Ông cũng có tay trong việc phát triển tân nhạc Miền Nam qua chương trình phát thanh Nhạc chủ đề trên đài phát thanh quốc gia Việt Nam Cộng hòa mỗi tối Thứ Năm.

    Sau năm 1975, ông bị bắt và giam học tập cải tạo 10 năm mới được thả. Năm 1998 ông cùng vợ được xuất cảnh sang Hoa Kỳ và định cư ở California nơi ông tiếp tục viết cho báo Viet Tide.

    Những nhạc phẩm trứ danh nhất của ông gồm “Sàigòn niềm nhớ không tên” (nguyên nhan đề là “Nước mắt cho Sàigòn”) và “Tình khúc thứ nhất”, “Em đến Thăm Anh Đêm Ba Mươi” do Vũ Thành An phổ nhạc. Ca sĩ Khánh Ly đã thâu âm và phát hành hai dĩa hát với những sáng tác của ông.

    Ông tạ thế hồi 19 giờ 15 phút ngày 28 tháng 11 năm 2023 tại tư gia, theo giờ California.

    Thương Tiếc Nhạc Sĩ Nguyễn Đình Toàn 

    Nhạc sĩ Đình Toàn bỏ chớm đông 

    Còn đây tác phẩm tiếc trong lòng 

    Thương tình độc giả buồn yêu bạn 

    Thấm cảnh hiền thê khổ khóc chồng 

    Gió lạnh đìu hiu lùa trước ngõ

    Mưa sầu ảm đạm rớt ngoài song 

    Trầm ngâm quán tưởng Sinh rồi Lão

    Bệnh, Tử am tường lẽ Sắc, Không 

              Minh Thúy Thành Nội 

                 Tháng 12/1/2023

  • CHU LYNH (Vietnam Film Club),  Văn

    Thằng Kevin – Truyện Ngắn CHU LYNH

    Thằng Kevin

    Chu Lynh

    Chú Ngôn hích cùi chỏ vào tay Kevin. Nó giật mình mở mắt.

    • Tới đâu rồi chú? 

    Không trả lời, chú Ngôn chỉ cảnh biển bên phải. Nó la lên:

    •  Biển đẹp quá!

    Kevin hiểu ý chú Ngôn, lôi chiếc máy Canon gồ ghề ra khỏi túi xách.  Kevin vui ra mặt, nói đây là cảnh đẹp nhất nó bắt gặp từ ngày về Việt Nam.  Nó chê biển Vũng Tàu tạp nhạp, cảnh Suối Tiên giả tạo, phố xá Sài Gòn ô nhiễm.  Coi bộ thằng nhỏ mê chụp hình giống chú hồi đi lính, về hậu cứ hay ngoài mặt trận, lúc nào cũng kè kè chiếc máy Petri bên mình.  Mà thiệt, hình nó chụp cái nào cũng có góc cạnh độc đáo.

    Biển một màu xanh biếc, lặng im với vài chiếc tàu lẻ loi xa xa.  Bên đường lộ, là một cơ sở du lịch, lèo tèo vài chiếc xe hơi, không có dấu hiệu hoạt động tấp nập.  Khu du lịch này tương phản với những xóm dân cư vừa đi qua với màu đất khô cằn, nhà cửa nghèo nàn, dân chúng khắc khổ.  Nó nói chụp trên xe khó mà có hình nghệ thuật, chuyến về cho nó xuống biển mới có dịp trổ tài.

    Bỗng chiếc xe đò giảm tốc độ rồi đột ngột thắng gấp.  Hành khách chúi đầu về phía trước sắp đụng vào ghế xe. Xe gặp tai nạn?  Trời đất, ngay giữa lộ, một thằng bé non choẹt thản nhiên ra hiệu cho xe đò quẹo vào bên trái.  Thằng Kevin buột miệng kêu lên:

    •  Oh My God! Cảnh sát giao thông Việt Nam là một thằng nhóc!

    Thằng bé khoảng 12 tuổi khoát tay điệu nghệ như một cảnh sát công lộ.  Tài xế như đã quen thuộc, lái xe vào bãi đất trống trước mặt một cái quán. Trong sân đã có hai chiếc xe đò. Một thanh niên từ trong quán chạy ra cài lại hàng rào kẻm gai, y như người lính bảo vệ đồn thời chiến. 

    Quán Thùy Dương.  Bảng hiệu màu sắc lòe loẹt tương phản với cái tên.  “Chào mừng quý khách, cà phê, giải khát, điểm tâm, cơm, các món nhậu, có lẩu dê, đặc biệt nem nướng Ninh Hoà, phục vụ tận tình, giá đặc biệt, kính mời”. Bà chủ xela lớn:

    –  Bà con xuống xe ăn cơm.  Xuống hết nghe!

    Chú Ngôn cúi xuống sàn xe tìm cặp nạng. 

    –  Đây là đâu chú?

    –  Gần tới Cam Ranh.  Xuống xe mày.

    –  Làm gì chú?

    –  Vào ăn cơm.

    –  Cháu không đói.

    –  Không đói cũng phải vào.

    –  Cháu muốn ngồi trên xe.

    –  Mày ngồi trên xe, mấy thằng lơ hỏi thăm mày liền.

    –  Tại sao?

    Chú Ngôn không trả lời. Nó cũng không hỏi nữa.  Trên xe đò từ Sài Gòn ra Trung thăm bà ngoại, cái thằng cháu ba mươi tuổi luôn miệng hỏi.  Đôi khi chú gắt lên:

    •  Cái xứ sở này là vậy, không có gì là vô lý cả!

    Xe ngừng, không khí trong xe càng ngột ngạt.  Hành khách dành nhau xuống xe. Cái nạng cũng giúp chú Ngôn một chút ưu tiên.  Kevin đưa tay đở chú, nhưng bị gạt đi:

    – Tao đi một mình được rồi.

    Nói vậy nhưng chú cũng để nó dìu đi.

    – Mày chưa thấy mấy thằng ăn xin ở Sài Gòn.  Cụt hai chân, đít lót vỏ xe, băng qua đường bằng hai tay còn nhanh hơn người thường.  Xẹt một cái, đu theo xe buýt như trong gánh xiếc.

    – Họ là những anh hùng.

    – Anh hùng mẹ gì.  Kiếm ăn là bất chấp.  Mấy năm trước tao cũng bầm dập như họ.  Tụi bây không gởi tiền về, không đi bán vé số tao cũng đi ăn xin.

    Thằng Kevin bỗng nhìn chú với ánh mắt lạ.  Trong những thằng cháu từ Mỹ về, chú thích nhất thằng Kevin, bởi nó là thằng duy nhất biết nói tiếng Việt, mà nói sành sõi.  Chú nói với mọi người, nó không phải dân Mỹ mà là thằng da vàng mủi tẹt chính gốc a na mít.  Chú không kêu nó là Kevin mà một hai đều Út, coi như con nít.

    Về Sài Gòn lần đầu, nó theo chú đi khắp hang cùng ngõ hẻm.  Nó khoái đi xe ôm hơn taxi.  Nó nói đường phố Sài Gòn con gái toàn là nurse, con trai là pilot.  Mới đầu chú không hiểu, sau ngẫm ra mới thấy thằng này cũng mang máu khôi hài đen của dòng họ Phan.  Nó nhìn người Sài Gòn qua cái khẩu trang và cái nón bảo hiểm! 

    Nó có thể ngồi trên gác nhâm nhi cốc rượu thuốc để nghe chuyện đời lính ngang dọc của chú.  Nó ít nói, thích quan sát và hay tò mò.  Cái gì nó hỏi đừng hòng lẫn tránh, phải có câu trả lời thỏa đáng cho nó.

    Nó bắt chú dẫn ra Trung thăm ngoại, quên béng đi chú là phế binh một giò khập khiễng với cặp nạng cũ mèm từ năm 1972.  Xem ra nó khác với những thanh niên về nước.  Nó không kiểu cách, khoe khoang.  Cái gì cần là nó sẵn sàng chi, không cần là một xu cũng không bỏ ra.  Ngoài cái tánh tò mò, chú nghĩ thằng Út quan tâm đến chuyện gì đó khi về nước.  Nó hỏi như một người ngây ngô nhưng chú tin đầu óc nó không ngây ngô chút nào.  Có phải đó là cách biểu lộ học được ở người Mỹ hay tại bản tánh nó?

    Hai chú cháu đã vào trong quán.  Quán Thùy Dương ồn ào như cái chợ, kẻ kêu thức ăn, người kéo ghế, một nhóm khác múc nước rửa tay chân.  Đằng sau quầy thức ăn và một nồi cơm to tướng, một người đàn bà mập phì phà điếu thuốc đầu lọc.  Thấy khách vào, bà giục điếu thuốc xuống đất, đưa chân chà đi chà lại.  Một cô gái ăn mặc theo lối nhà quê đến bàn chú Ngôn đưa cái khăn cũ lau xẹt xẹt mấy cái rồi hỏi:

    – Mấy chú ăn gì?

    Chú Ngôn đưa mắt nhìn Kevin.

    – Mày phải ăn một cái gì. Hơn tiếng nữa mới tới nơi.

    Kevin lắc đầu, kêu chai nước suối.  Chú Ngôn kêu đĩa cơm sườn và một ly trà đá lớn.  Hai chú cháu cùng nhìn qua chiếc bàn tròn lớn bên cạnh.  Bà chủ xe, tài xế và hai lơ xe được hai người bồi chăm sóc chu đáo, trong khi các bàn khác mạnh ai nấy ăn uống.  Chú Ngôn hỏi thằng Út:

    – Mày biết tại sao tài xế kêu hành khách phải vô hết trong quán không?

    – Cháu không biết?

    – Mày không biết là phải, nhưng hành khách ai cũng biết.  Chủ xe thích ăn quán nào là biểu tài xế tắp vào.  Hồi nãy mày không thấy tụi nó lấy kẻm gai vây kín lại, không cho ai ra khỏi khu vực.  Chủ quán chơi đẹp với ê kíp xe đò, bao luôn cả lơ xe.  Họ kêu đồ ăn thả giàn, uống bia Heineken, hút thuốc ngoại.

    – Cháu hiểu rồi.  Hành khách sẽ trả tiền cho họ?

    –  Mày thông minh.  Chủ quán sẽ chặt đẹp hành khách.  Mấy ông nhà quê đem theo bánh mì cũng phải mua một cái gì đó, nếu không sẽ lôi thôi.

    Bà chủ xe mặc đồ mousselin mỏng dính, tay kè kè túi xách đựng tiền.  Trên tay bà óng ánh đồ trang sức nặng chịch.  Bà đang lớn tiếng thuật lại đêm qua tên quản lý thị trường đến khám xe bà đang chất hàng ở Ngã Sáu.  Bà chửi thề ngọt xớt.  Hằng tuần bà đóng hụi chết cho cả đám, vậy mà lâu lâu lại kiếm chuyện kiếm chác thêm. 

    Tài xế lầm lì ngồi ăn không nói, hai thằng lơ hì hục ăn như chưa bao giờ được ăn ngon. 

    Ra đi lúc ba tuổi, Kevin giữ trong trí nhớ một Việt Nam lờ mờ.  Bây giờ nó chạm mặt thực tế mới thấy cái xứ sở này nhiều điều kỳ lạ không hiểu nổi.  Nó muốn tự tìm hiểu.  Kevin tự nhiên quên đi không khí ồn ào trong quán, đưa cặp mắt đảo một vòng quán ăn như chiếc máy đang quay phim phóng sự.  Có cái gì độc đáo ở đây mà hắn không thấy ở Sài Gòn. 

    Cô gái mang đồ ăn ra rồi biến vào trong.  Kevin bỗng nghe gần cửa ra vào giọng một ông già:

    –  Bà chủ. Cho đổi tô bún. 

    Một cô gái mặc áo bông sặc sỡ từ trong quầy hàng tiến lại.

    –  Gì mà ông la dữ dzậy?

    –  Không la làm sao cô tới? Tô bún này thiu rồi.  Đổi tô khác.

    –  Này ông già.  Hồi sáng tới giờ khách ăn hà rầm, có ai kêu ca gì đâu? 

    Người đàn bà mập bỏ nồi cơm chạy lại.  Cô gái phân bua:

    –  Má coi, ông già này cứ nói mình làm bún thiu cho ổng ăn.

    Người đàn bà chỉ ngón tay trỏ vào mặt ông già:

    –  Này ông anh, quán này uy tín, chưa bao giờ bán đồ thiu.

    –  Bà ăn tô bún này sẽ biết.  Mấy người lấy tiền trước, rồi thảy cho khách đồ thiu.        

    –  Ông ăn nói đàng hoàng nghe.  Tôi nễ ông già rồi, không muốn chuyện lôi thôi.

    –  Bà mới là người kiếm chuyện! Không đổi tô khác thì trả lại tiền cho tôi!

    –  Ông không ăn thì ráng chịu. Không trả lại tiền!

    Trước thái độ quyết liệt của bà chủ, ông già tức tối.

    –  Đem vô trong cho cả nhà tụi bây ăn

    –  Ông cà chớn vừa thôi nghe!

    Vừa lúc đó, một tay anh chị bặm trợn, không biết từ đâu đến bên bà chủ quán

    –  Chị Bảy để em.

    Kevin chỉ kịp nghe tay anh chị lớn tiếng “Ê ông già giỡn mặt hả” là thấy ông ngã cái rầm xuống nền xi măng.  Hắn cầm ngay tô bún thiu đổ ụp lên đầu ông già.  Lúc này tài xế với bà chủ quán đến năn nỉ tên du đảng.  Hắn cứ sấn tới, nhưng bà ôm nó vào trong.  Bà còn quay lại chưởi hùa theo mấy câu. Hành khách tiếp tục ăn uống, không màng đến chuyện ông già bị nạn. 

    Ông già bỗng đứng dậy, làm như cú đấm của tay anh chị không nhằm nhò gì.  Nhưng một bên mặt sưng lên thấy rõ, mắt phải híp lại.  Thằng ác ôn chơi ngay gần con mắt.  Một tay che mắt, một tay chỉ mặt bà chủ, ông hét lên:

    –  Nghe cho rõ đây. Tụi bây mở quán để ăn cướp, nuôi du đảng để lột tiền khách đi đường.  Thí cho tụi bây mười ngàn.  Ăn cho cố rồi ỉa ra, ăn vô trở lại.

    Đột nhiên tay anh chị quay trở lại, nhanh như chớp tung cú đấm thứ hai vào mặt trái ông già. Quá bất ngờ, tài xế và bà chủ xe chỉ biết ôm chặt tên anh chị.

    –  Bỏ qua đi chú mày, chấp chi ông già khùng.

    Ông khách già gần như bất động trên nền nhà. Rất nhanh, Kevin bật dậy khỏi ghế nhào đến đở ông già ngồi lên. Máu mủi trào ra, má trái sưng bầm lên. Nếu ở bên Mỹ, Kevin sẽ gọi cảnh sát ngay để đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Nhưng đây là Việt Nam, nó không biết phải làm gì. Nó mở ngay ba lô lôi ra cọc napkin, tìm cách cầm máu cho ông già.

    Thấy nguy kịch, bà chủ xe bảo Kevin đưa nạn nhân ra xe.

    Chú Ngôn đã theo dõi việc làm của thằng cháu. Thằng Kevin không ngây ngô như chú nghĩ.

    Hành khách lục tục lên xe. Ông già ngất đi. Xe chạy được một lúc thì ông tỉnh lại. Ông nói không sao, nhưng Kevin biết chắc khi đến Nha Trang, người ta phải đưa ông nhập viện. Chú Ngôn xoay qua thằng cháu:

    –  Ông già nói đúng.  Mấy quán cơm vùng này đều có du đảng bảo kê.  Không phải người dân nào cũng được mở quán.  Không có công an đở đầu, đừng hòng làm ăn.  Ở đây xài luật rừng.  Tao còn hên hơn ông già, cơm không thiu.  Mày cũng hên, không ăn gì.

    –  Bộ ở đâu cũng vậy sao chú?

    –  Rừng nào cọp đó. Nhưng chuyện này chưa đến nỗi nào.  Ra ngoài Bắc còn ớn lạnh hơn.  Du đảng trong Nam là thứ du đảng bề nổi, khôn khéo có thể tránh được. Du đảng ngoài Bắc nhẹ nhàng nhưng rất thâm hiểm. Mày không thỏa mãn nó là hết đường chạy.  Nó lột sạch. 

    Tao đã đi buôn ngoài Vinh một chuyến với mấy cô mày.  Một chuyến đi kinh hoàng, về tao tởn luôn.  Tụi nó ăn cướp có tổ chức, có ăn chia với công an trên tàu.  Tụi nó lên tàu điểm mặt người đi buôn và ép mua lại hàng với giá rẽ.  Mấy cô mày không chịu, cứ tưởng đưa hàng tận nơi được giá hơn.  Ai ngờ đến Vinh, đứng từ trưa tới chiều không mống nào ngó đến.  Cuối cùng phải bán lại cho tụi nó với giá rẻ mạt.  Riêng tao còn bị tụi nó xin tiền ăn phở, tao nói không có, bị lột sạch không còn một cắc.

    –  Cháu không hiểu tại sao ông già bị đánh.  Ông chỉ muốn chủ quán đổi tô bún.

    –  Quán mở ra để vét tiền hành khách, không phải để phục vụ.

    Kevin lẩm bẩm.

    –  Not fair! 

    –  Ở Việt Nam bây giờ không chỗ nào fair cả. Cái xứ sở này ở đâu cũng đáng sợ.  Sợ dao du đảng, sợ hàng xóm nổi máu giang hồ, sợ công an phường làm tiền, sợ mất chỗ làm, sợ chính quyền lấy đất… Sợ đủ thứ. Đâu cũng có côn đồ du đảng. Tao nói du đảng đây là bao gồm cả công an, cán bộ. Tụi nó là siêu du đảng.

    Kevin im lặng một lúc rồi buông một câu:

    –  Cháu muốn bảo lãnh chú qua Mỹ.

    –  Tao không muốn đi Mỹ. Mày gởi về chút đỉnh để tao chăm sóc mồ mả ba mày là được rồi.

    Chú Ngôn nhìn kỹ Kevin một lúc lâu khiến nó ngạc nhiên. Nó đoán chú nó sắp có câu hỏi quan trọng.

    •  Nói thật đi, mày dấu tao chuyện gì phải không?
    •  Sao chú lại hỏi câu đó?
    •  Mấy ngày nay tao muốn hỏi mày, nhưng chuyện mày làm với ông già vừa rồi, tao muốn mày nói thật. Mày về thăm tao nhưng mày còn có chuyện gì khác nữa?
    •  Cháu chỉ muốn giúp ông già cầm máu thôi.
    •  Tuần trước, mày đi đâu hai ngày?

            Như chột dạ, Kevin làm thinh. Chú Ngôn đáng nễ thiệt. Một lúc sau nó mới từ tốn nói:

        – Cháu nghĩ chưa đúng lúc để nói với chú. Cháu có một số bạn trẻ ở Việt Nam thường xuyên liên lạc với nhóm của cháu bên Mỹ. Công việc của tụi cháu rất đơn giản là tạo nên một ảnh hưởng tốt trong cuộc sống của một số bạn trẻ trong nước, khởi từ tình bạn, tình gia đình đến xã hội, tôn giáo. Cháu không có tham vọng thấy kết quả việc mình làm, cũng không có tham vọng mở rộng số bạn trẻ đi xa hơn, nhưng tin rằng việc làm tốt sẽ đóng góp hay ảnh hưởng tốt đến xã hội.

          Mầy không sợ công an trà trộn vào tổ chức?

    • Tụi cháu không là một tổ chức, không có danh xưng, cho nên không ngại công an trà trộn. Chú muốn nghe tiếp không?
    • Mày cứ nói, tao không ngắt lời là mày hiểu.
    •  Nhờ họ, cháu nắm bắt được tình hình ở Việt Nam nhanh hơn truyền thông bên Mỹ. Có những thứ tụi nó hiểu rộng hơn cháu nghĩ, có lẽ đa số có thân nhân ở hải ngoại hay là gia đình thuộc chế độ cũ. Cũng có một số du học sinh tham gia. Có những cuộc họp mặt để training vể kỹ thuật, để tổ chức cứu trợ thương phế binh của Việt Nam Công Hoà và cả bộ đội miền Bắc. Có chuyện này nhờ chú giúp.
    • Cứ nói.
    • Chú cứ chống nạng đi các con hẻm tìm gặp những đứa bé bỏ học bán vé số hay lượm ve chai, chọn khoảng mười đứa nghèo khổ nhất. Tụi cháu sẽ giúp tụi nó đi học trở lại.
    • Tiền bạc đâu để giúp hết những đứa trẻ bất hạnh?
    • Nhóm gồm những đứa có job ổn định. Đa số tụi nó nằm trong các tổ chức tôn giáo hay các hội từ thiện. Tụi cháu thỉnh thoảng cũng đi rửa xe gây quỹ giúp các quán cơm từ thiện ở Sài Gòn. Giúp được bao nhiêu tuỳ khả năng của mình. Phần còn lại Trời sẽ giúp.
    • Ăn cắp câu này ở đâu vậy thằng nhóc?
    • Ăn cắp của mẹ.
    • Mầy làm chuyện này bao lâu rồi?
    • Cũng gần năm năm.
    • Ai xúi mấy làm?
    • Mẹ cháu. Mẹ không xúi, chỉ đưa ra một số việc làm thiện nguyện để cháu chọn lựa.

          Chú Ngôn nghĩ về gia đình. Kevin sinh đầu tháng tư năm 75  lúc ba nó đang quyết tử với Bắc quân tại trận Xuân Lộc những ngày cuối cùng trước khi có lệnh buông súng. Ba nó sống sót tìm cách ra đi nhưng bất thành. Thoát chết trong chiến tranh nhưng ông lại ra đi vì bị hành hạ trong trại tập trung ngoài Bắc. Lúc đó Kevin mới ba tuổi, nên mẹ nó không thể dẫn đi thăm ba nó trong tù. Nó gần như không có kỷ niệm thời thơ ấu về người cha của mình.

    • Mẹ cháu nói cuộc sống giá trị bằng việc làm hơn là đi chùa nhiều lần. Gia đình mình yên ổn bên Mỹ, nhưng trẻ em Việt Nam thì bươi rác, bán vé số, làm thuê làm mướn để sống qua ngày. Sau những giải thích của mẹ, cháu biết mình phải làm gì. Cháu làm việc này vì ba cháu, một người lính chiến đấu đến cùng. Chịu đựng trong tù mà không đòi hỏi gia đình chu cấp gì trong các đợt thăm nuôi. Chết vì kiệt sức trước sự tra tấn của cán bộ tù. Với cháu, ông là một anh hùng!

         Một khoảng im lặng.

         Không biết Kevin đang nghĩ gì, riêng Chú Ngôn thì hồi tưởng đời quân ngũ của mình. Bị thương ở mặt trận An Lộc năm 1972, nơi mà chú nói mỗi thước vuông là mỗi quả pháo của Việt Cộng.  Một quả rớt ngay hầm phòng thủ, hai thằng bạn biệt kích 81 đi đong, chú may mắn sống sót nhưng sau đó phải cưa một giò.  Chú nói không tiếc cái giò mà tiếc cái ba lô đựng những tấm hình chụp công phu về chiến trường An Lộc.

    Chú không bị đi tù, nhưng gia đình chú khốn đốn sau ngày mất nước.  Ngày xưa, trong khi cha của Kevin thi đậu xong Tú Tài II là nhảy vô Võ Bị Đà Lạt, còn chú cứ nhẫn nha học Văn khoa.  Đùng một cái, chiến sự leo thang, chú nổi hứng đầu quân vào Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Dù.  Giải ngũ năm 1972, chú sống lây lất nhờ viết cho vài tờ báo.  Sau năm 1975, số phận chú còn thê thảm hơn.  Tay chân lành lặn còn xấc bấc xang bang, huống hồ chú chỉ một giò.  Chú đi làm phụ hồ, đào giếng, làm bất cứ gì để sống qua ngày.

    Nghe thằng cháu tâm sự, chú Ngôn thực sự xúc động. Chú tự hào về ba nó, cũng tự hào về thằng cháu.

    • Chú Ngôn! Sao làm thinh vậy?
    • Tao đang nhớ … ba mày. Mày nói đúng. Ba mày là một anh hùng. Mày cũng … giống ba mày.
  • Phong Châu

    Lễ Tạ Ơn Đầu Tiên


    (Tặng Những Nười Tỵ Nạn Cộng Sản Việt Nam)

    Dạo còn ở Việt Nam, trước năm 1975 qua sách báo tôi có đọc và biết được tại Hoa Kỳ có một ngày lễ gọi là lễ Tạ Ơn. Chỉ biết thế thôi chứ không có gì đặc biệt để ghi nhớ vào đầu ngoài những sự kiện liên quan đến lịch sử Hoa Kỳ mà tôi biết vì lý do nghề nghiệp. Chẳng hạn như chuyện ông Christopher Columbus khám phá ra lục địa Mỹ Châu 1492, ngày lễ Độc Lập 4 tháng 7 – 1776, cuộc nội chiến Nam – Bắc 1861 – 1865, Mỹ tham gia thế chiến thứ hai và thả hai trái bom nguyên tử xuống Nhật và giải phóng Âu Châu ra khỏi tay phát xít Đức…Gần hơn thì có Mỹ tham chiến trận chiến Nam – Bắc Triều Tiên 1950 – 1953 và sau đó là những hệ lụy liên quan đến cuộc chiến tại Việt Nam…

    Cho đến khi tôi và gia đình được qua Mỹ theo diện tỵ nạn cộng sản thì mới hiểu rõ hơn về ngày lễ Tạ Ơn, chuyện vòng vòng như sau:

    Chuyến máy bay cuối trong cuộc hành trình đưa gia đình chúng tôi về thành phố Houston đúng ba tuần trước ngày lễ Tạ Ơn. Chúng tôi ngơ ngơ ngáo ngáo như mấy chú thím Mán về thành. Từ trên máy bay nhìn xuống thành phố lúc mười giờ đêm thấy ánh sáng muôn màu lấp lánh chẳng khác nào nhìn xuống một rổ kim cương khổng lồ. Trên đường về nơi tạm trú thấy đèn hoa kết đầy trên cây cối hai bên đường, các cửa tiệm đều giăng đèn cùng với hình ảnh trang trí như ngày lễ hội. Trong số hình ảnh bắt gặp thấy có hình mấy chú gà tây và những quả bí đỏ được vẽ trên các mặt kiếng trước các cửa tiệm. Thấy vui và lạ chứ chẳng biết gì hơn cho đến khi…

    Cả nhà sáu người được ở trong một căn của apartment vùng tây bắc thành phố. Người lạ cảnh cũng lạ! Rồi chúng tôi cũng được biết là sắp đến ngày lễ Tạ Ơn nhưng cũng chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện Tạ Ơn như thế nào. Trong khu apartment chúng tôi ở có người Mỹ lẫn Mễ và thoáng thấy có cả người Việt Nam nhưng chưa có cơ hội làm quen hay chuyện trò. Cho đến một hôm tôi còn nhớ rõ, vào ban chiều, có ai đó đến gõ cửa và khi tôi mở cửa thì thấy một người đàn ông Việt Nam, chắc chỉ lớn hơn tôi vài tuổi, tay ôm một con gà tây và bảo tôi “biết anh chị mới qua Mỹ…sắp đến ngày lễ Tạ Ơn…tôi biếu anh chị con gà tây để nấu cho các cháu ăn lễ…”. Tôi đưa tay bê con gà tây và không quên nói lời cám ơn anh. Được biết anh tên Sơn cũng ở cùng apartment và từ đó thỉnh thoảng gặp anh trong khuôn viên apartment để trò chuyện và anh cũng chỉ dẫn cho tôi “hiểu ra” nhiếu thứ tại nơi chúng tôi đang ở.

    Chú gà tây nặng chừng bốn năm ký mà chúng tôi chẳng biết làm thành món gì để ăn, về sau mới biết thường gà tây được nướng để ăn trong dịp lễ Tạ Ơn cùng với món bánh bí theo như truyền thống của người Mỹ. Cuối cùng thì chú gà tây được nấu thành món ra – gu để ăn với bánh mì. Cả nhà gồm sáu người quây quần quanh chiếc bàn ăn nhỏ và lần đầu tiên cùng nhau thưởng thức món gà tây nơi miền đất tự do. Không biết bây giờ anh Sơn ở đâu? Cám ơn anh đã cho chúng tôi món gà tây trong mùa lễ Tạ Ơn đầu tiên.

     Chuyện lòng vòng tiếp theo là chuyện lạnh. Thành phố nơi chúng tôi ở cũng có bốn mùa xuân hạ thu đông. Tôi cảm nhận được rằng: mùa xuân và mùa thu nơi đây ngắn ngủi nhưng mùa hè và mùa đông thì kéo dài. Mùa hè nóng gắt, mùa đông lạnh tái tê. Tôi còn nhớ khi nhận được chú gà tây từ anh Sơn, tối hôm đó chúng tôi kéo nhau đi chợ để mua các thứ linh tinh về làm món ga gu. Chưa có xe nên chúng tôi cả nhà kéo nhau đi bộ đến chợ Kroger cách nhà chừng gần cây số. Lúc đó cũng chưa biết thời tiết lạnh bao nhiêu độ F nhưng cảm thấy “lạnh lắm” chừng như là gần 0 độ C. Hai tai tôi lạnh ngắt và cứng đơ tưởng chừng như búng vào thì nó rớt ngay. Hai tay thọc kín vào túi áo ấm và người nào cũng khom người bước đi cho nhanh vào chợ…rồi bước cho nhanh về nhà…

    Lần đầu tiên được hưởng lễ Tạ Ơn, ngoài món gà tây nấu không đúng cách (nướng thay vì nấu ga ru), chúng tôi còn được đi xem diễu hành vào buổi sáng thứ năm tại downtown. Nhờ người quen chở xuống thảy dưới phố với trong người chỉ có chiếc áo lạnh “tị nạn” không đủ ấm nhưng chúng tôi rất vui. Chín giờ cuộc diễu hành mới bắt đầu mà bảy giờ chúng tôi đã có mặt. Không biết làm gì hơn trong khi chờ đợi nên chúng tôi chỉ biết đứng túm tụ một chỗ và “mạnh ai nấy run”, muốn trở về nhà cũng không được. Trong khi đó thấy mấy ông mấy bà và con trẻ Mỹ trắng Mỹ đen Mỹ nâu tà tà đến, nhiều người trùm cả tấm chăn quanh người cho ấm, lại mang theo ghế xếp bằng vải để ngồi…Cuộc diễu hành bắt đầu lúc 9 giờ và hơn một tiếng đồng hồ sau thì chấm dứt. Chúng tôi được đón về nhà thì trời đã trưa nhưng vẫn còn lạnh…lạnh kinh khủng…

    Rồi tôi biết câu chuyện những người tị nạn tôn giáo Pilgrims vượt Đại Tây Dương trên con thuyền mang tên Mayflower đến vùng đất mới Mỹ Châu và được những người bản xứ Da Đỏ giúp đỡ lương thực và chỉ dẫn cho họ việc canh tác săn bắn để tái tạo lại cuộc sống. Sau vụ mùa đầu tiên những người tị nạn tổ chức tiệc ăn mừng để tạ ơn những người bản xứ.

    Hậu bán thế kỷ thứ 20, từ một quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á Châu đã có hàng nghìn hàng vạn con thuyền “Mayflower” vượt Thái Bình Dương để tìm về những vùng đất Tự Do. Lịch sử tái diễn!

    Ngày mai thứ năm – ngày lễ Tạ Ơn – gia đình tôi có cuộc họp mặt đông đủ để ăn mừng. Nhân danh tôi và gia đình, xin cám ơn đất nước Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, những người Mỹ đã giúp tôi tái tạo lại cuộc sống và đã ban cho tôi hai chữ Tự Do đã bị chính người cùng tổ tiên của tôi tước đoạt gần nửa thế kỷ trước.

    Phong Châu                                                                                                             Ngày 22 Tháng 11 – 2023